MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ông Kiều Ngọc Vũ - Phó Chủ tịch LĐLĐ TPHCM - tặng quà của tổ chức Công đoàn cho người lao động có hoàn cảnh khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Ảnh: Đức Long

Hoạt động Công đoàn phải đáp ứng yêu cầu của người lao động

Nam Dương LDO | 30/09/2020 12:57
Ngày 28.9, đoàn Đại biểu Quốc hội TP.Hồ Chí Minh tổ chức hội nghị tiếp xúc cử tri lấy ý kiến góp ý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công đoàn.

Tham dự hội nghị, có đại diện một số sở, ban, ngành, luật sư, cán bộ Công đoàn của TPHCM.

Cần tiếp tục duy trì kinh phí Công đoàn

Một vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm góp ý là kinh phí Công đoàn. Đa số đại biểu thống nhất cần phải tiếp tục quy định doanh nghiệp dù có hay không có Công đoàn cơ sở (CĐCS) cũng phải đóng góp kinh phí Công đoàn, vì bản chất nguồn thu này để chăm lo, hỗ trợ cho đời sống đoàn viên, người lao động (NLĐ) những lúc khó khăn.

Luật sư Trương Thị Hòa (Đoàn Luật sư TPHCM) tán thành với phương án Công đoàn cấp trên quản lý, sử dụng 25% kinh phí Công đoàn, 75% còn lại được phân phối cho CĐCS và tổ chức của NLĐ tại doanh nghiệp theo từng trường hợp doanh nghiệp đó có hay không có tổ chức đại diện NLĐ.

Nhiều ý kiến cũng tán đồng với ý kiến của luật sư Hòa, nhưng đề nghị CĐCS cần được chủ động, linh hoạt hơn trong việc quyết định chi tiêu nguồn kinh phí để lại cơ sở. “Nhiều trường hợp bệnh nặng, hay nhà cửa bị ảnh hưởng bão lũ, thiên tai nhưng theo quy định CĐCS chỉ được hỗ trợ 500.000 đồng thì ít quá” - đại diện Công đoàn Co.Op Mart Sài Gòn kiến nghị.

“Cần phải xem việc duy trì đóng 2% kinh phí Công đoàn là để tạo dựng cơ sở vật chất nhằm bảo đảm mục tiêu xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ trong doanh nghiệp. Thực tế đã chứng minh, nguồn tài chính Công đoàn, trong đó có khoản kinh phí 2% là để chăm lo cho NLĐ trong những lúc khó khăn như trường hợp chủ doanh nghiệp bỏ trốn, dịp Tết, hay trong dịp dịch COVID-19 vừa qua. Nhờ có việc chăm lo đó nên quan hệ lao động trên địa bàn TPHCM đã ổn định, hạn chế tối đa tranh chấp lao động, nhất là trong lúc khó khăn” - ông Trần Đoàn Trung, Phó Chủ tịch Thường trực LĐLĐ TPHCM, chia sẻ.

Hoạt động Công đoàn phải thực chất hơn

Nhiều ý kiến tại hội nghị thống nhất rằng, hoạt động Công đoàn trong bối cảnh có thêm tổ chức đại diện NLĐ tại doanh nghiệp sẽ khó khăn hơn, tuy nhiên đây cũng là điều thúc đẩy tổ chức Công đoàn phải hoạt động thực chất hơn.

Đại diện Công đoàn TCty Thương mại Sài Gòn nói rằng, cần đổi mới hoạt động Công đoàn từ cấp trung ương đến cơ sở. Nếu Công đoàn làm việc có tình, có lý, có nguồn tài chính dồi dào để hoạt động thì sẽ tự tin cạnh tranh với các tổ chức khác đại diện NLĐ tại doanh nghiệp.

Ông Trần Đoàn Trung - Phó Chủ tịch Thường trực LĐLĐ TPHCM - cho hay, trong tình hình mới sẽ có thêm tổ chức đại diện cho NLĐ ở cơ sở thì cần tạo hành lang pháp lý cho hoạt động Công đoàn được linh hoạt hơn. Công đoàn không chỉ thuần túy được làm những việc mà luật cho phép để việc chăm lo cho NLĐ nhanh hơn, tốt hơn. Ngoài ra, để tạo sức mạnh cho Công đoàn, cần xây dựng nguồn lực đủ mạnh. Có khi cần phải thực hiện liên kết để tạo ra nguồn lực, nhưng một số quy định của pháp luật về đầu tư công hay đối tác công tư lại không cho phép Công đoàn, một tổ chức chính trị - xã hội được thực hiện.

Theo ông Trung, cả TPHCM có 1,5 triệu đoàn viên Công đoàn, hơn 21.000 CĐCS, nhưng chỉ có 423 cán bộ Công đoàn, với nguồn nhân lực như thế thì khó đòi hỏi đáp ứng tốt nhiệm vụ.

Bà Văn Thị Bạch Tuyết - Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội TPHCM - bày tỏ, hoạt động Công đoàn cần phải thực chất, hiệu quả hơn, đáp ứng yêu cầu của NLĐ, trước mắt là ở những nơi có tổ chức CĐCS. Công đoàn phải làm cho cả NLĐ và người sử dụng lao động tin tưởng, yên tâm như thế mới phát huy được vai trò, vị trí của tổ chức CĐ.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn