MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Rah Lan Nhép thực tập kỹ năng cạo mủ cao su. Ảnh: Thanh Tuấn

Học nghề cạo mủ cao su để làm việc tại quê hương

THANH TUẤN LDO | 10/04/2024 16:30

Gia Lai - Nhiều lao động trẻ được đào tạo nghề, dạy kỹ thuật cạo mủ cao su để được tuyển dụng vào công ty, giúp họ sớm ổn định cuộc sống ngay trên chính quê hương mình.

Từ sáng sớm, Rah Lan Nhép (27 tuổi, trú làng Del, xã Ia Glai, huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai) chuẩn bị dao cạo, áo quần đến nông trường học nghề. Đôi bàn tay vốn quen với ruộng vườn, nương rẫy bắt đầu dần quen với từng mũi cạo, cách trút mủ cao su kỳ thu hoạch.

Rah Lan Nhép tâm sự: “Nhà mình có 3 đứa con nhỏ, mẹ già, hai vợ chồng đều đi làm thuê, lương ba cọc ba đồng khó sống lắm! Nghe tin xã thông báo Công ty Cao su Chư Sê phối hợp mở lớp dạy nghề cạo mủ miễn phí để tuyển dụng công nhân, mình vội đăng ký ngay”.

Như hàng trăm lao động trẻ khác sinh sống trên địa bàn, Rah Lan Nhép chật vật với cuộc sống làm thuê, chi phí nuôi con ăn học. Trước dịch COVID-19, vợ chồng Nhép còn mong muốn xin việc tại nhà máy, xí nghiệp ở miền Nam, tuy nhiên chứng kiến cảnh vất vả, đồng lương eo hẹp, gia đình khuyên Nhép bám trụ ở quê tìm việc làm kiếm sống.

Tháng 4.2024, Trung tâm nghiên cứu và chuyển giao kỹ thuật Tây Nguyên (thuộc Viện Nguyên cứu cao su Việt Nam) phối hợp với Công ty TNHH MTV Cao su Chư Sê mở lớp dạy nghề cao su cho 53 học viên, chủ yếu là nữ tại địa phương.

Chị Rah Lan Híp mong được tuyển dụng vào làm công nhân để cải thiện thu nhập. Ảnh: Thanh Tuấn

Chị Rah Lan Híp (34 tuổi, trú xã Ia Glai, huyện Chư Sê) chia sẻ: “Lớp đào tạo ngắn hạn 12 ngày, lao động ai cũng chăm chỉ, làm đúng các thao tác của đơn vị chỉ dẫn. Khi thực hành thành thạo sẽ nâng cao kỹ thuật cũng như năng suất cạo mủ. Sau đó, sẽ có cuộc thi sát hạch dưới sự giám sát của cán bộ, nhân viên công ty. Trình độ cạo mủ khá, giỏi trở lên sẽ được ký hợp đồng tuyển dụng, công ty đóng bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội đầy đủ”.

Nhiều lao động trẻ hiện nay mong muốn có công việc ổn định, thu nhập khá trên chính quê hương mình. Sau giờ làm, họ có thể trở về với gia đình, người thân, không bị dụ dỗ vay vốn tín dụng đen, lừa đảo xuất ngoại đi Campuchia tìm “việc nhẹ lương cao”…

Đông đảo học viên tham gia kỳ thi sát hạch tại vườn cao su. Ảnh: Thanh Tuấn

Theo đại diện Công ty TNHH MTV Cao su Chư Sê, đến nay, đơn vị phối hợp mở 3 lớp đào tạo nghề cho 230 lao động, chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số. Công nhân là người địa phương sẽ có ý thức hơn trong bảo vệ vườn cây, phòng chống cháy rừng, bảo vệ tài sản đơn vị.

Với tổng diện tích quản lý khoảng 7.500ha, công ty có trên 900 công nhân lao động, mức thu nhập trung bình khoảng 7,5 triệu/tháng. 2 năm qua, Công ty TNHH MTV Cao su Chư Sê đạt tiêu chuẩn quốc tế trong quản lý rừng bền vững, không có cưỡng bức lao động, không sử dụng lao động vị thành niên…

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn