MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Công nhân ngành Dệt - may dễ bị mất việc làm do tác động của dịch COVID-19. Ảnh: Nam Dương

Hơn 120.000 người mất việc, ngừng việc do ảnh hưởng dịch COVID-19

Nam Dương LDO | 14/08/2020 14:27

Trao đổi với phóng viên Báo Lao Động ngày 13.8, ông Lê Minh Tấn - Giám đốc Sở LĐTBXH TPHCM - cho biết, dự báo TPHCM thời gian tới sẽ có khoảng hơn 120.000 lao động ở các lĩnh vực dệt may, da giày, du lịch, lưu trú, vận tải, ngành công nghiệp xây dựng sẽ bị mất việc, ngừng việc do các doanh nghiệp thiếu đơn hàng, thiếu nguyên liệu sản xuất hoặc không có khách tham quan, du lịch…

Hàng ngàn lao động phải giảm việc, ngừng việc, mất việc

Mới đây, cùng với việc chuẩn bị hết hạn hợp đồng thuê nhà xưởng tại quận Bình Tân, TPHCM và do ảnh hưởng của dịch COVID-19 ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh, Công ty TNHH DinSen Việt Nam đã thông báo cho hơn 1.400 NLĐ tạm thời nghỉ việc cả tháng 8.2020, hưởng mức lương tối thiểu vùng 4,42 triệu đồng/người/tháng.

Công ty TNHH DinSen Việt Nam cũng hỗ trợ thêm 300.000 đồng/người đối với những NLĐ đồng ý sẽ chuyển sang làm việc tại xưởng sản xuất tại huyện Bến Lức, tỉnh Long An từ đầu tháng 9.2020. Ngoài ra, với hơn 1.600 NLĐ tại một xưởng khác, công ty sẽ cho nghỉ ngừng việc hết tháng 9.2020 (sắp xếp cho tạm ngừng việc từng bộ phận để đảm bảo hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty) và cũng hưởng tiền lương và mức hỗ trợ như trên. Dự kiến đầu tháng 10.2020, hơn 1.600 NLĐ này cũng mới bắt đầu quay trở lại làm việc tại huyện Bến Lức, tỉnh Long An (không trở lại xưởng tại quận Bình Tân).

Còn tại Quận Tân Phú, TPHCM, bà Phạm Ngọc Lan - Chủ tịch LĐLĐ Quận Tân Phú - cho biết, do thiếu đơn hàng vì ảnh hưởng của dịch COVID-19, có những doanh nghiệp phải duy trì chế độ làm việc một tuần 3 buổi để không phải cắt giảm lao động. Tiền lương của NLĐ ở những doanh nghiệp này khá thấp vì số ngày làm việc trong tháng đã giảm đi một nửa. Tuy nhiên những lao động trên vẫn còn may mắn vì chỉ bị thiếu việc làm.

Đến cuối tháng 8.2020, gần 1.600 NLĐ của Công ty Huê Phong (quận Gò Vấp, TPHCM) sẽ phải chấm dứt HĐLĐ do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Trước đó, Công ty Huê Phong đã hai lần (trong tháng 5 và tháng 7.2020) buộc phải chấm dứt HĐLĐ với gần 2.450 NLĐ cũng vì lý do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên thiếu đơn hàng, nâng tổng số lao động phải cắt giảm việc làm lên trên 4.000 người.

Hoàn thành hỗ trợ cho người lao động

Trao đổi với phóng viên Báo Lao Động ngày 13.8, ông Lê Minh Tấn - Giám đốc Sở LĐTBXH TPHCM - cho biết, dự báo TPHCM thời gian tới sẽ có khoảng hơn 120.000 lao động ở các lĩnh vực dệt may, da giày, du lịch, lưu trú, vận tải, ngành công nghiệp xây dựng sẽ bị mất việc, ngừng việc do các doanh nghiệp thiếu đơn hàng, thiếu nguyên liệu sản xuất hoặc không có khách tham quan, du lịch…

Đây không phải là điều mới mẻ vì từ tháng 6.2020, khi chưa xảy ra việc tái phát dịch COVID-19 bắt đầu tại Đà Nẵng, Sở LĐTBXH TPHCM đã có dự báo về tình huống doanh nghiệp gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 trên địa bàn thành phố trong 6 tháng cuối năm 2020. Theo đó, trường hợp dịch COVID-19 diễn biến theo chiều hướng tiêu cực tác động đến tăng trưởng kinh tế - xã hội, dự kiến có khoảng 4.800 - 5.000 doanh nghiệp bị ảnh hưởng với 160.000 -180.000 lao động phải tạm ngừng việc, nghỉ việc.

Theo ông Lê Minh Tấn - Giám đốc Sở LĐTBXH TPHCM: Đến ngày 10.8, TPHCM đã hoàn thành hỗ trợ cho 100% NLĐ phải tạm hoãn thực hiện HĐLĐ hoặc nghỉ việc không hưởng lương do ảnh hưởng của dịch COVID-19 ở 1.927 doanh nghiệp với số tiền hơn 58 tỉ đồng. Trong đó, hỗ trợ theo Nghị quyết 02/2020/NQ-HĐND của HĐND TPHCM (mức hỗ trợ 1 triệu đồng/người/tháng) là 54.614 người; hỗ trợ theo Nghị quyết 42/NQ-CP của Chính phủ (mức hỗ trợ 1,8 triệu đồng/người/tháng) là gần 1.900 người.

Đồng Nai: Dự báo việc cắt giảm lao động sẽ tiếp tục diễn ra đến những tháng cuối năm

Theo Sở LĐTBXH tỉnh Đồng Nai, tính đến thời điểm hiện tại tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh của đa số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đang dần hồi phục. Tuy nhiên, đối với một số doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực gia công dệt - may, da giày, chế biến gỗ xuất khẩu vẫn đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19.

Nguyên nhân do tình hình dịch bệnh tại Châu Âu và Hoa Kỳ vẫn chưa được khống chế nên các đơn hàng tại thị trường này chưa được khôi phục. Đồng thời, việc phụ thuộc nguồn nguyên vật liệu nhập khẩu từ các quốc gia có dịch COVID-19 (chủ yếu là Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Malaysia…) cũng gây ảnh hưởng đến các doanh nghiệp trong quá trình hoạt động, sản xuất. Cụ thể một số doanh nghiệp bị ảnh hưởng bao gồm: Công ty Caosu K. nhập khoảng 70 - 80% nguyên phụ liệu từ Trung Quốc; Công ty TNHH S. Việt Nam nhập khoảng 40 - 50% nguyên phụ liệu từ Trung Quốc; Công ty TNHH P. Việt Nam nhập khoảng 40% nguyên phụ liệu từ Trung Quốc...

Tính đến ngày 5.8, dịch bệnh COVID-19 đã ảnh hưởng đến việc làm của gần 200.000 người lao động trên địa bàn, trong đó số lao động chấm dứt hợp đồng lao động là 14.636 người (chiếm 11,3%); số lao động ngừng việc là 45.458 người (chiếm 35,3%); số lao động tạm hoãn hợp đồng lao động là 15.921 người (chiếm 12,3%); số lao động giảm giờ làm việc là 52.981 người (chiếm 41,1%). HÀ ANH CHIẾN

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn