MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Y tá Nguyễn Thị Xuân. Ảnh: TBN

Hơn 30 năm coi trại phong là nhà, bệnh nhân như ruột thịt

HÀ ANH LDO | 05/06/2018 07:51

Ở Trại phong Quả Cảm (thuộc Bệnh viện Phong - da liễu Bắc Ninh, thuộc xã Hòa Long, huyện Yên Phong, Bắc Ninh), ai cũng biết và khâm phục nữ y tá Nguyễn Thị Xuân (SN 1957, quê Quế Võ, Bắc Ninh), người đã trực tiếp chăm sóc nhiều bệnh nhân phong. Mặc dù đã được nghỉ hưu, nhưng y tá Xuân vẫn tình nguyện ở lại trại phong làm nhân viên hợp đồng, tiếp tục công việc chăm lo cho những bệnh nhân tàn tật, hoàn cảnh khó khăn.

Việc biết và gắn bó với các bệnh nhân ở trại phong của y tá Nguyễn Thị Xuân bắt đầu từ khi bà đọc được cuốn sách có tên “Lạc quan trên miền thượng” viết về những bệnh nhân phong. Đọc xong cuốn sách, bà đã không khỏi xúc động và thương cảm khi thấy người bệnh phải chịu những nỗi đau cả về thể xác lẫn tinh thần. Biết được trên quê hương mình cũng có một trại phong như thế, bà Xuân đã không ngại ngần đến Trại phong Quả Cảm để tìm hiểu về cuộc sống của những bệnh nhân phong. Với những thương cảm dành cho bệnh nhân phong, bà đi học lớp đào tạo y tá để có đủ chuyên môn, nghiệp vụ chăm sóc cho người bệnh.

Nhiều người sợ, ngại tiếp xúc với người mắc phong. Nhưng y tá Xuân không cảm thấy sợ một chút nào. Từ việc tắm rửa đến giặt quần áo cho người bệnh. Thậm chí, y tá Xuân còn ăn cùng ngủ cùng những bệnh nhân lở loét sắp qua đời. Gần bên họ, y tá Xuân hiểu hơn những đau khổ của họ. Họ đau đớn về thể xác một thì tinh thần dằn vặt gấp mười. Nếu như người lành lặn không gần gũi, an ủi thì họ sẽ không nghĩ mình là một con người.

Nói về động lực để bản thân cố gắng vượt qua mọi gian khó, y tá Nguyễn Thị Xuân cho biết: “Từ lúc là một y tá, tôi thường nghe theo lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh đó là “Lương y phải như từ mẫu” và phải thương yêu bệnh nhân như người ruột thịt của mình. Do đó, tôi luôn cố gắng vượt qua mọi trở ngại, khó khăn trong công việc, tích cực tham gia khóa học làm chân giả, tay giả cho các bệnh nhân phong giúp họ sinh hoạt một cách tốt nhất”.

“Năm 2012, khi được nghỉ hưu tôi cũng có những trăn trở, mình nghỉ thì không biết ai sẽ thay mình sửa những cái chân giả cho bệnh nhân, ai là người làm những đôi dép cho những bàn chân bị biến dạng và ai sẽ là người làm những cái thìa, bút, bát cho họ để họ sử dụng? Do đó, tôi chỉ có nguyện vọng duy nhất là muốn được ở trại để giúp cho các bệnh nhân phong, những người tàn tật” - y tá Xuân chia sẻ.

Hiện nay, ngoài việc chăm sóc các bệnh nhân trong trại Quả Cảm, y tá Nguyễn Thị Xuân còn đến một số tỉnh, thành để tiếp tục điều trị cho các bệnh nhân phong và kết hợp với việc kêu gọi các nhà hảo tâm ủng hộ, giúp đỡ cho các bệnh nhân nghèo. Với tấm lòng của mình, y tá Xuân đã giúp các bệnh nhân phong dần vơi bớt những mặc cảm trong cuộc sống, nỗi đau bệnh tật… thay vào đó là những nụ cười hạnh phúc.

Y tá Nguyễn Thị Xuân đã vinh dự là một trong những Anh hùng Lao động, CNVCLĐ tiêu biểu tham dự lễ kỷ niệm 70 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc (11.6.1948 - 11.6.2018).

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn