MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ban tổ chức chương trình tặng hoa các chuyên gia tham gia đối thoại với CNVCLĐ. Ảnh: Hà Anh

Hơn 300 công nhân viên chức lao động đối thoại về chính sách BHXH

Hà Anh LDO | 21/04/2023 15:12

Ngày 21.4, Báo Lao động Thủ đô phối hợp với Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) tổ chức chương trình đối thoại, giao lưu trực tuyến với chủ đề “Chính sách mới về lao động, chế độ tiền lương và bảo hiểm xã hội (BHXH)” (chương trình). 

Hơn 300 công nhân, viên chức, lao động quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) tham gia chương trình

Phát biểu tại chương trình, Phó Chủ tịch LĐLĐ thành phố Hà Nội Lê Đình Hùng đánh giá chương trình là kênh bổ trợ tốt nhất trong việc tuyên truyền, vận động, hỗ trợ đoàn viên thực hiện tốt chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước, trong đó có chính quyền lợi và trách nhiệm của người lao động.

Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho CNVCLĐ luôn là nhiệm vụ được tổ chức Công đoàn và các cấp, các ngành quan tâm thực hiện, thông qua đó nhằm nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật, từng bước hình thành thói quen hành động theo pháp luật cho người lao động. Đây cũng là cách tốt nhất để người lao động có thể tự bảo vệ mình trong quan hệ lao động và góp phần xây dựng quan hệ lao động hài hòa.

Công nhân lao động đặt câu hỏi tại chương trình. Ảnh: Hà Anh 

Ông Nguyễn Văn Bình - Phó Tổng Biên tập Báo Lao động Thủ đô cho biết, đây là buổi giao lưu trực tuyến thứ 2 trong năm 2023 mà Báo Lao động Thủ đô phối hợp với các Công đoàn cấp trên cơ sở tổ chức, nhằm tạo chuỗi hoạt động thiết thực hưởng ứng Tháng Công nhân, Tháng Hành động về An toàn, vệ sinh lao động năm 2023 và đặc biệt là chào mừng Đại hội Công đoàn các cấp, chào mừng các sự kiện trọng đại của Thủ đô, đất nước và tổ chức Công đoàn. 

Theo ông Bình, với phương châm hướng về cơ sở, vì người lao động, khi tổ chức mỗi chương trình giao lưu trực tuyến, Ban tổ chức luôn chú trọng lựa chọn các chủ đề liên quan thiết thân đến đời sống, việc làm của người lao động, trong đó có các chế độ, chính sách về tiền lương, thu nhập, bảo hiểm xã hội, chế độ thai sản, thời giờ làm việc, nghỉ ngơi.

Các chuyên gia về lĩnh vực BHXH, Luật Lao động tham gia đối thoại với CNVCLĐ quận Hoàn Kiếm. Ảnh: Hà Anh 

Tham gia giải đáp câu hỏi của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động có các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực pháp luật lao động, BHXH, Công đoàn gồm: bà Dương Thị Minh Châu, Trưởng phòng Truyền thông BHXH thành phố Hà Nội; bà Vũ Minh Huyền, Phó Trưởng phòng Xây dựng Chính quyền, Sở Nội vụ thành phố Hà Nội; ông Nguyễn Đức Năng, Giám đốc Công ty Luật Năng và Partner.

Chị Nguyễn Thanh Nga, giáo viên Trường Mầm non A hỏi: Do đặc thù của giáo viên mầm non, chúng tôi muốn nghỉ hưu theo chế độ cũ là 55 tuổi thì các chế độ, chính sách mà các cô được hưởng như thế nào?

Trả lời câu hỏi của chị Nga, bà Dương Thị Minh Châu cho biết: Đây là vấn đề không bao giờ hết nóng. Tuy nhiên Luật chưa có thay đổi, với ngành giáo viên mầm non có đặc thù là môi trường làm việc đặc biệt, có thể hưởng chế độ của người làm việc trong môi trường nặng nhọc để được về hưu trước tuổi, nhưng phải giám định y khoa về sức khỏe để đủ điều kiện về hưu trước tuổi.

Theo quy định hiện hành, nghỉ hưu trước tuổi sẽ phải trừ mỗi năm 2%. Ví dụ, tháng 3 NLĐ tròn 55 tuổi, nhưng quy định hưu là 56 tuổi mới được về hưu. Nếu NLĐ về hưu ở tháng 5 thì có 55 tuổi 2 tháng, bị trừ 1%. Nếu về hưu tháng 12, tức là có 55 tuổi 8 tháng thì không bị trừ % do nghỉ hưu trước tuổi, nhưng NLĐ phải đi giám định y khoa.

"Theo quan điểm của tôi, ngành giáo dục nên đề xuất chế độ làm việc độc hại đối với giáo viên để được về hưu sớm trước tuổi, tuy nhiên phải có giám định y khoa về sức khỏe để đủ điều kiện nghỉ hưu sớm" - bà Châu cho hay...

Tại chương trình, các chuyên gia đã giải đáp hơn 30 câu hỏi của đoàn viên, công nhân, viên chức, lao động. Những chế độ, chính sách đã được các chuyên gia tháo gỡ sẽ giúp cho đoàn viên, và người lao động hiểu thêm về quyền lợi, nghĩa vụ của mình.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn