MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bà Trần Thị Thanh Hà - Ủy viên Đoàn Chủ tịch, Trưởng ban Quan hệ lao động Tổng LĐLĐVN. Ảnh: LĐLĐVN

Hơn 31.370 NLĐ bị chấm dứt hợp đồng: Công đoàn đề xuất giải pháp kịp thời

Hà Anh LDO | 10/11/2022 06:08
Chiều 9.11, trao đổi với phóng viên Báo Lao Động, bà Trần Thị Thanh Hà - Ủy viên Đoàn Chủ tịch, Trưởng ban Quan hệ lao động Tổng LĐLĐVN cho biết, thời gian gần đây, qua nắm bắt tình hình, tại các tỉnh, thành phố xảy ra tình trạng nhiều doanh nghiệp đang rơi vào tình trạng bị thiếu, cắt giảm đơn hàng dẫn đến nhiều người lao động bị giảm giờ làm, chấm dứt hợp đồng lao động, ảnh hưởng lớn đến thu nhập, đời sống của người lao động.

Theo lãnh đạo Ban Quan hệ lao động Tổng LĐLĐVN, có 25 địa phương, đơn vị, ngành báo cáo có người lao động bị ảnh hưởng đến việc làm, đời sống. Trong đó, ngành nghề bị ảnh hưởng chủ yếu là chế biến gỗ, dệt may, da giầy; một số doanh nghiệp điện tử, thực phẩm, dịch vụ, du lịch…

Số doanh nghiệp, người lao động bị ảnh hưởng là 441 doanh nghiệp (331 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, chiếm 75,05%) với tổng số 624.786 lao động tại 25 tỉnh, thành phố (tập trung ở khu vực phía Nam với 68% tổng số doanh nghiệp, 88,27% tổng số lao động bị ảnh hưởng). 

Trong đó có 562.400 người lao động bị giảm giờ làm (chiếm 90%); 31.370 người lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động (chiếm 5,02%); 31.012 người lao động nghỉ không lương, tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ hưởng lương ngừng việc (chiếm 4,98%)…

Người lao động bị ảnh hưởng bởi các hình thức cắt giảm: Giảm giờ làm hằng ngày; làm cách nhật (2, 4, 5 hoặc 3, 5, 7 hoặc từ 3 đến 5 ngày/tuần); nghỉ hưởng lương ngừng việc; nghỉ không hưởng lương; tạm hoãn hợp đồng lao động; chấm dứt hợp đồng lao động…

Người lao động tìm hiểu thông tin về việc làm, chính sách bảo hiểm thất nghiệp. Ảnh minh họa: Mạnh Dũng

Trước tình trạng khó khăn của người lao động, các LĐLĐ tỉnh, thành phố đã chỉ đạo công đoàn cấp trên, CĐCS nắm chắc tình hình sản xuất, kinh doanh, đơn hàng và tình hình sử dụng lao động của doanh nghiệp để có biện pháp hỗ trợ kịp thời.

Tham gia, đối thoại, thương lượng với NSDLĐ xây dựng phương án lao động, duy trì nhiều nhất việc làm cho NLĐ, hạn chế tối đa việc chấm dứt hợp đồng lao động, tạm hoãn hợp đồng lao động.

Với những doanh nghiệp buộc phải chấm dứt hợp đồng lao động thì CĐCS với sự hỗ trợ của công đoàn cấp trên đã tham gia ý kiến vào phương án sử dụng lao động của doanh nghiệp; đảm bảo chi trả các chế độ mất việc làm hoặc thôi việc theo đúng quy định của pháp luật và của doanh nghiệp, thỏa ước lao động tập thể đã ký kết.

Báo cáo cấp ủy, chính quyền địa phương có biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp nhằm ổn định tình hình sản xuất, kinh doanh, chấp hành các chế độ đối với người lao động đang làm việc, giảm giờ làm, chấm dứt hợp đồng lao động.

Kết nối các CĐCS doanh nghiệp trên địa bàn có nhu cầu tuyển dụng lao động để giới thiệu việc làm cho người lao động; có các chế độ hỗ trợ đối với những người lao động có hoàn cảnh khó khăn.

Dự báo tình hình thời gian tới, Ban Quan hệ lao động nhận định, tình hình cắt giảm đơn hàng sẽ tiếp tục xảy ra từ nay đến cuối năm 2022, xảy ra phần lớn ở các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài; sẽ có tình trạng chủ doanh nghiệp bỏ trốn, nợ lương, nợ BHXH và các chế độ của người lao động; năm 2023 sẽ có đợt giảm đơn hàng tiếp theo, trong ngành dệt may sẽ có đợt cắt giảm nhiều hơn trong quý I/2023.

Bà Trần Thị Thanh Hà đề xuất các một số biện pháp triển khai trong thời gian tới, Tổng LĐLĐVN chỉ đạo các LĐLĐ tỉnh, thành phố, Công đoàn ngành Trung ương nắm chắc tình hình các doanh nghiệp (sản xuất, kinh doanh, giải thể, phá sản, có chủ bỏ trốn), người lao động bị ảnh hưởng việc làm, thu nhập, đặc biệt là dịp Tết để đề xuất với cấp ủy, chính quyền địa phương có biện pháp chỉ đạo kịp thời; tăng cường các hoạt động giám sát, đảm bảo quyền lợi cho người lao động; tổ chức các hoạt động nhằm chăm lo cho người lao động gặp hoàn cảnh khó khăn, thiếu, mất việc làm, lao động nữ mang thai, nuôi con nhỏ, nhất là trong dịp trước, trong và sau Tết.

Tổ chức họp trực tuyến với các tỉnh, thành phố để nắm thêm tình hình và chỉ đạo một số nội dung từ này đến cuối năm.

Triển khai ngay các biện pháp phòng ngừa tranh chấp lao động, ngừng việc tập thể trong tháng 12.2022 và quý I/2023 (thời điểm thường xảy ra ngừng việc tập thể và đình công nhiều nhất trong năm).

Tăng cường kết nối giới thiệu việc làm cho người lao động đến các CĐCS doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng lao động.

Tổ chức buổi làm việc, trao đổi, chia sẻ tình hình và thống nhất triển khai các giải pháp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, đảm bảo việc làm, chế độ cho người lao động trong dịp trước, trong và sau Tết giữa Tổng LĐLĐVN, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Hiệp hội Dệt may Việt Nam, Hiệp hội Da - Giầy - Túi xách Việt Nam, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn