MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ảnh minh họa: Bảo Hân.

Hơn 40.000 lao động tại Hà Nội hưởng trợ cấp thất nghiệp

HẠNH AN LDO | 10/07/2023 12:00

Trong 6 tháng đầu năm 2023, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Hà Nội đã tiếp nhận hồ sơ, thẩm định, ra quyết định hưởng trợ cấp bảo hiểm thất nghiệp cho 40.097 trường hợp với số tiền 1.079 tỉ đồng.

Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Hà Nội cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2023, toàn TP. Hà Nội đã giải quyết việc làm cho 113.418/162.000 người lao động, đạt 70% kế hoạch giao trong năm.

Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội đã tổ chức 124 phiên giao dịch việc làm với 3.635 đơn vị, doanh nghiệp tham gia. Các doanh nghiệp, đơn vị có nhu cầu tuyển dụng, tuyển sinh với tổng số 60.034 người; đã có 25.092 lao động được phỏng vấn và 8.805 lao động được tuyển dụng tại phiên.

Số lao động được tạo việc làm mới giảm 4,5% so với cùng kỳ năm 2022. Ảnh minh hoạ: Hạnh An.

Theo Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Hà Nội, số lao động được tạo việc làm mới trong 6 tháng đầu năm 2023 trên toàn thành phố giảm 4,5% so với cùng kỳ năm 2022. Nguyên nhân dẫn đến giảm số việc làm mới là do sự tác động từ cuộc chiến tranh giữa Nga với Ukraina, tình hình an ninh chính trị nhiều nơi trên thế giới bất ổn, giá nguyên liệu, nhiên liệu, khí đốt tăng cao, lãi suất vay vốn trong nước cao…, dẫn đến nhiều doanh nghiệp trên địa bàn Hà Nội gặp khó khăn do sụt giảm đơn hàng ở các thị trường lớn.

Thực trạng thiếu đơn hàng xảy ra trên diện rộng và có thể kéo dài sang năm 2024, đặc biệt là doanh nghiệp xuất khẩu thuộc các ngành dệt may, da giày, điện tử, chế biến gỗ,… dẫn đến các doanh nghiệp phải sản xuất cầm chừng. Việc cắt giảm công nhân cũng là giải pháp duy trì của một số doanh nghiệp hiện nay.

Bên cạnh đó, theo báo cáo của Cục Thống kê thành phố, 6 tháng đầu năm, trên địa bàn thành phố có số doanh nghiệp đăng ký giảm 17% so với cùng kỳ năm 2022 và tăng 22% về số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động.

Cùng với giải quyết việc làm, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Hà Nội đã tiếp nhận hồ sơ, thẩm định, ra quyết định hưởng trợ cấp bảo hiểm thất nghiệp cho 40.097 trường hợp với số tiền 1.079 tỉ đồng trong 6 tháng đầu năm. Đồng thời, tư vấn, giải quyết việc làm cho 40.097 trường hợp; hỗ trợ học nghề cho 574 trường hợp với số tiền 2,55 tỉ đồng.

Để hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động kết nối, tạo việc làm trong nửa cuối năm 2023, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Hà Nội tiếp tục chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội tổ chức thu thập, cung cấp thông tin về nhu cầu việc làm, học nghề, xuất khẩu lao động của người lao động qua các hình thức. Cùng với đó, định hướng đào tạo nghề, chuyển đổi việc làm cho người lao động khi bị mất việc làm, để sớm quay trở lại thị trường lao động làm việc, có thu nhập, ổn định cuộc sống.

Nhiều biện pháp tư vấn việc làm đã được ngành LĐTBXH triển khai. Ảnh minh họa: Hạnh An.

Ông Vũ Quang Thành, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Việc làm Hà Nội thông tin, hiện nay, Trung tâm Dịch vụ Việc làm Hà Nội đang tích cực xây dựng cơ sở dữ liệu về thị trường lao động (người tìm việc, các việc làm trống...), đảm bảo chất lượng. Từ đó, các bên liên quan có định hướng, đánh giá cụ thể về thị trường, nhìn nhận các điểm nghẽn để xử lý.

Trung tâm cũng đang tích cực triển khai nghiệp vụ tư vấn giới thiệu việc làm, kết nối việc làm, đánh giá tính hiệu quả, đưa ra phương hướng, giải pháp. Đồng thời, phối hợp các trường trên địa bàn thành phố tổ chức tư vấn hướng nghiệp.

“Nhờ triển khai đồng bộ, thông tin thị trường lao động sẽ thống nhất, cung cấp thông tin đến người lao động, doanh nghiệp rõ ràng. Chúng tôi cũng thống nhất quy trình nghiệp vụ để đảm bảo hoàn thiện các khâu, giúp thị trường lao động dần ổn định, giảm sự mất cân đối”, ông Vũ Quang Thành cho biết.

Theo Điều 42 Luật Việc Làm năm 2013, 4 quyền lợi của chế độ bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) đối với người lao động gồm có:

1) Được nhận tiền trợ cấp thất nghiệp.

2) Được hỗ trợ, tư vấn, giới thiệu việc làm mới.

3) Được hỗ trợ học nghề.

4) Được hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động.​

Như vậy, trợ cấp thất nghiệp là một trong 4 quyền lợi mà người lao động được nhận khi tham gia đóng vào quỹ bảo hiểm thất nghiệp. Đây là khoản tiền trợ cấp được trích từ quỹ BHTN để chi trả cho người lao động bị mất việc làm căn cứ vào quá trình tham gia đóng BHTN của người lao động trước đó.

2. Điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp là gì?

Để được hưởng trợ cấp thất nghiệp, người lao động phải đáp ứng các điều kiện về thời gian đóng bảo hiểm, lý do chấm dứt hợp đồng lao động và thời hạn nộp hồ sơ. Cụ thể là căn cứ theo Điều 49, Mục 3 của Luật Việc Làm 2013, người lao động sẽ được nhận tiền trợ cấp thất nghiệp nếu đáp ứng đủ các điều kiện sau:

1) Chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc, trừ trường hợp:

- Người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc trái pháp luật.

- Hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hằng tháng.

2) Đã đóng BHTN đủ 12 tháng trở lên trong thời gian 24 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc không xác định thời hạn và hợp đồng xác định thời hạn (điểm a, b Khoản 1 Điều 43);

3) Đã đóng BHTN từ đủ 12 tháng trở lên trong thời gian 36 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 03 tháng đến dưới 12 tháng (Điểm c Khoản 1 Điều 43);

4) Đã nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp tại trung tâm dịch vụ việc làm do cơ quan quản lý nhà nước về việc làm thành lập trong thời hạn 03 tháng, kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc.

5) Chưa tìm được việc làm sau 15 ngày, kể từ ngày nộp hồ sơ hưởng BHTN, trừ 06 trường hợp sau:

- Thực hiện nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an.

- Đi học tập có thời hạn từ đủ 12 tháng trở lên.

- Chấp hành quyết định áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc.

- Bị tạm giam hoặc chấp hành hình phạt tù.

- Ra nước ngoài định cư; đi lao động ở nước ngoài theo hợp đồng.

- Chết.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn