MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Không chỉ nợ người lao động, Công ty CP Mía đường Hiệp Hòa nợ cả người nông dân trồng mía. Ảnh: L.Đ

Hơn 6 năm đòi quyền lợi chính đáng, hàng trăm người lao động vẫn trắng tay

Kỳ Quan LDO | 23/07/2022 06:50
Long An - Đầu năm 2016, Công ty cổ phần Mía đường Hiệp Hòa (gọi tắt Công ty Hiệp Hòa, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An) ngưng hoạt động. Hơn 300 người lao động không chỉ rơi vào cảnh mất việc làm mà còn bị nợ lương, nợ bảo hiểm và các chế độ khác. Sau hơn 6 năm theo đuổi, người lao động đã được trả tiền nợ lương, nợ BHXH, tuy nhiên hàng tỉ đồng tiền trợ cấp thôi việc và trợ cấp thất nghiệp thì người lao động có nguy cơ mất trắng.

Dai dẳng nợ lương, nợ bảo hiểm

Thông tin từ LĐLĐ tỉnh Long An, việc tranh chấp tiền lương và các chế độ cho người lao động xảy ra tại Công ty Hiệp Hòa từ năm 2016 khi doanh nghiệp này đột ngột ngừng hoạt động.

Do nợ có bảo đảm (tiền vay ngân hàng) mới thuộc diện ưu tiên giải quyết từ tiền bán tài sản của doanh nghiệp, còn tiền lương và các chế độ cho người lao động phải xếp sau, nên hàng trăm người lao động vừa mất việc vừa có nguy cơ mất trắng các quyền lợi chính đáng.

Tổ chức Công đoàn và các ngành chức năng huyện Đức Hòa đã nhiều lần tổ chức hòa giải tranh chấp, nhưng chỉ giải quyết được chuyện nợ lương, còn các loại bảo hiểm và chế độ khác thì doanh nghiệp vẫn nợ kéo dài.

Đến năm 2018, được sự ủy quyền của CĐCS Công ty Hiệp Hòa, LĐLĐ tỉnh Long An đã đứng đơn khởi kiện Công ty Hiệp Hòa vì nợ BHXH, BHYT, BHTN dây dưa, kéo dài đối với hơn 300 người lao động tại doanh nghiệp với số tiền còn nợ bảo hiểm hơn 3,7 tỉ đồng, trong đó nợ BHXH là hơn 2,8 tỉ đồng.

Tuy nhiên, vụ kiện sau đó không tiếp tục được vì những vướng mắc về tố tụng. LĐLĐ tỉnh Long An đã hướng dẫn người lao động kiện doanh nghiệp với tư cách cá nhân để đòi quyền lợi. Sau đó, với sự vào cuộc của lãnh đạo tỉnh Long An và sự chia sẻ trách nhiệm của ngân hàng, tiền nợ bảo hiểm của người lao động đã được giải quyết từ số tiền bán tài sản của doanh nghiệp.

Người lao động nguy cơ mất trắng trợ cấp thất nghiệp

Đẩy hàng trăm người lao động ra đường, Công ty Hiệp Hòa không ra các quyết định cho thôi việc đối với người lao động. Vì vậy, người lao động không chỉ không được lĩnh chế độ trợ cấp nghỉ việc, mà còn mất đi cơ hội hưởng trợ cấp thất nghiệp.

Theo Sở Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) Long An, tính đến tháng 5.2022, Tòa án nhân dân huyện Đức Hòa đã thụ lý và giải quyết 275 vụ “Đòi tiền trợ cấp thôi việc” của hơn 287 người lao động. Tòa án buộc Công ty Hiệp Hòa thanh toán tiền trợ cấp thôi việc cho người lao động, trong đó người được trả nhiều nhất là trên 50 triệu đồng. Tuy nhiên, đến nay, bản án vẫn chưa được thi hành vì Công ty Hiệp Hòa không còn tài sản để thi hành án.

Theo Ban Chính sách LĐLĐ tỉnh Long An, tổ chức Công đoàn các cấp và các ngành chức năng địa phương đã làm tất cả những gì có thể để bảo vệ quyền lợi chính đáng của người lao động Công ty Hiệp Hòa như đòi tiền nợ lương, tiền nợ bảo hiểm các loại… Nội dung tranh chấp còn lại (tiền trợ cấp thôi việc) ngoài khả năng can thiệp của tổ chức Công đoàn vì doanh nghiệp đã ngưng hoạt động, tài sản của họ cũng không còn.

Ông P.H, một người lao động, bức xúc nói: “Chủ doanh nghiệp thoái thác việc trả tiền trợ cấp thôi việc cho người lao động vì doanh nghiệp không còn khả năng, điều đó còn có thể hiểu được. Nhưng thật quá nhẫn tâm khi họ thậm chí không ra quyết định cho người lao động thôi việc để chúng có cơ hội xin Nhà nước trợ cấp thất nghiệp. Điều đó chẳng khó khăn gì cho doanh nghiệp nhưng họ đã không làm. Gắn bó với doanh nghiệp bao nhiêu năm, nhưng giờ họ đối xử với chúng tôi quá tệ bạc!”. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn