MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Hơn 6.000 lao động ngành Xây dựng bị nợ lương với số tiền hơn 269 tỉ đồng

HẠNH AN LDO | 18/01/2024 16:42

Tại các đơn vị có Công đoàn trực thuộc Công đoàn Xây dựng Việt Nam còn có 50 doanh nghiệp nợ lương của 6.317 người lao động với số tiền hơn 269 tỉ đồng (số tiền nợ lương giảm 2 tỉ đồng so với cuối năm 2022).

Quan tâm giải quyết tiền lương, tiền thưởng cho người lao động

Chiều 18.1, Công đoàn Xây dựng Việt Nam tổ chức Hội nghị tổng kết công tác công đoàn năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024.

Ông Nguyễn Thanh Tùng - Chủ tịch Công đoàn Xây dựng Việt Nam - cho biết: Tính đến thời điểm báo cáo, tổng số lao động tại các công đoàn trực thuộc là 77.862 người (giảm 11.354 người so với cuối năm 2022).

Công đoàn Xây dựng Việt Nam chỉ rõ nguyên nhân giảm lao động. Theo đó, do một số công đoàn cơ sở giải thể, một số chuyển về trực thuộc liên đoàn lao động địa phương sau khi đơn vị thực hiện tái cấu trúc doanh nghiệp; một số doanh nghiệp xây lắp thiếu việc làm hoặc phải tạm dừng hoạt động; một số doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng thu hẹp quy mô sản xuất, do đó phải cắt giảm lao động.

Ông Nguyễn Thanh Tùng - Chủ tịch Công đoàn Xây dựng Việt Nam. Ảnh: Hạnh An

Thu nhập bình quân của người lao động tại các công đoàn trực thuộc là 12,36 triệu đồng/người/tháng, tăng 12,47% so với năm 2022. Thu nhập bình quân của người lao động tại các công đoàn Xây dựng khối địa phương là 6,36 triệu đồng/người/tháng, tăng 5,4% so với năm 2022 (tăng 500.000 đồng).

Mặc dù gặp nhiều khó khăn trong sản xuất kinh doanh nhưng đa số doanh nghiệp đã ưu tiên dòng tiền để trả lương cho người lao động đầy đủ, đúng hạn.

"Tuy nhiên, tại các đơn vị có Công đoàn trực thuộc Công đoàn Xây dựng Việt Nam, còn có 50 doanh nghiệp nợ lương của 6.317 người lao động với số tiền hơn 269 tỉ đồng (số tiền nợ lương giảm 02 tỉ đồng so với cuối năm 2022)" - Công đoàn Xây dựng Việt Nam thông tin.

Nguyên nhân chủ yếu của việc chậm trả lương và nợ tiền trích nộp bảo hiểm xã hội là do các đơn vị gặp khó khăn trong sản xuất kinh doanh từ nhiều năm, nhất là các đơn vị xây lắp; công nợ phải thu và giá trị dở dang tại các công trình rất lớn, các kênh huy động vốn gặp khó khăn. Do đó, không đảm bảo dòng tiền để trả lương và trích nộp bảo hiểm xã hội.

Đồng hành cùng doanh nghiệp, người lao động vượt qua khó khăn

Ông Bùi Xuân Dũng - Thứ trưởng Bộ Xây dựng - nhấn mạnh việc hoàn thành thực hiện các dự án nhà ở; từ đó giải quyết công ăn, việc làm cho người lao động.

Trong năm 2024, Thứ trưởng Bộ Xây dựng yêu cầu Công đoàn Xây dựng Việt Nam tiếp tục chủ động đổi mới mạnh mẽ các hoạt động, nghiên cứu, thay đổi phương thức hoạt động công đoàn để hoạt động công đoàn tốt hơn, chất lượng hơn...

Ông Bùi Xuân Dũng - Thứ trưởng Bộ Xây Dựng. Ảnh: Hạnh An

"Tăng cường kiểm tra, giám sát thực hiện chế độ chính sách, tiền lương đảm bảo chăm lo cho người lao động, nhất là người lao động khó khăn; lao động trực tiếp trên công trường dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn" - Thứ trưởng Bộ Xây dựng nhấn mạnh.

Ông Huỳnh Thanh Xuân - Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐVN - đề nghị Công đoàn Xây dựng Việt Nam cần quán triệt sâu rộng và triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam để nghị quyết đi vào cuộc sống; tiếp tục tham mưu, đề xuất, tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết 02 của Bộ Chính trị; Xây dựng kế hoạch triển khai sâu rộng các phong trào thi đua với các chuyên đề cụ thể.

Ông Huỳnh Thanh Xuân - Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐVN - phát biểu chỉ đạo tại hội nghị. Ảnh: Hạnh An

Công đoàn Xây dựng Việt Nam cần tiếp tục phát huy các nguồn lực để làm tốt công tác chăm lo, động viên, hỗ trợ người lao động, trước mắt tổ chức tốt Tết Sum vầy cho đoàn viên, người lao động trong ngành; tổ chức thăm hỏi, động viên kịp thời đoàn viên, người lao động trực Tết Nguyên đán 2024.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn