MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Trung tâm Dịch vụ Việc làm Bình Dương giới thiệu việc làm cho người lao động. Ảnh: Đình Trọng

Hơn 600.000 lao động bị ảnh hưởng việc làm: Đào tạo chuyển đổi nghề cho NLĐ

Minh Hương LDO | 22/12/2022 07:30
Báo cáo của các cấp công đoàn mới đây cho thấy, có 441 doanh nghiệp với tổng số 624.786 lao động tại 25 tỉnh, thành phố, bị ảnh hưởng, trong đó có 562.400 lao động bị giảm giờ làm, 31.370 lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động, 31.012 lao động nghỉ không lương, tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ hưởng lương ngừng việc. Nắm bắt được tình hình đó, LĐLĐ một số tỉnh ở phía Nam đã có những giải pháp để kết nối việc làm cho người lao động mất việc, giảm việc.

Giúp NLĐ tạm hoãn có cơ hội tìm việc

Bà Nguyễn Kim Loan - Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Bình Dương cho biết, trong thời gian qua, tình hình lao động trên địa bàn tỉnh Bình Dương khá biến động do có nhiều doanh nghiệp thiếu đơn hàng, dẫn đến công nhân lao động bị thiếu việc làm, tạm hoãn hợp đồng, chấm dứt hợp đồng. Xuất phát từ tình hình đó, LĐLĐ tỉnh Bình Dương đã phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội kết nối cung - cầu để các doanh nghiệp tìm hiểu và tuyển dụng thêm lao động, giúp cho những NLĐ đang tạm hoãn hợp đồng, chấm dứt hợp đồng có cơ hội tìm việc mới.

Còn hệ thống Công đoàn Bình Dương cũng đã kết nối trong nội bộ. Theo đó, CĐCS trong doanh nghiệp có công nhân bị ảnh hưởng giờ làm, sẽ đăng tải tất cả thông tin việc làm lên trang web của Công đoàn Bình Dương nhằm giúp NLĐ đang có nhu cầu tìm việc làm, tìm đến địa chỉ có nhu cầu tuyển dụng.

Lãnh đạo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Bình Dương cho biết, hiện chủ yếu các doanh nghiệp nhỏ vẫn có nhu cầu tuyển dụng lao động phổ thông. Các lĩnh vực tuyển dụng từ 10 - 20 công nhân trở lên như thực phẩm, nhựa, bất động sản, siêu thị phục vụ Tết Nguyên đán.

Với lao động bị mất việc làm, Trung tâm Dịch vụ Việc làm tỉnh đang thực hiện thu thập chi tiết thông tin tuyển dụng của doanh nghiệp, nắm bắt nhu cầu về việc làm của người tìm việc. Đồng thời tăng cường tổ chức sàn giao dịch việc làm trực tiếp, online tại tỉnh và kết nối với các tỉnh khác như Cần Thơ, Gia Lai, Trà Vinh, Bến Tre, Kiên Giang, Vĩnh Long, Kon Tum để tìm kiếm nguồn nhân lực có tay nghề, trình độ về Bình Dương làm việc.

Cần có sự chia sẻ với lao động mất việc

Còn tại TPHCM, ông Trần Đoàn Trung - Phó Chủ tịch Thường trực LĐLĐ thành phố cho hay - về cơ bản, tình hình việc làm của NLĐ mất việc ngành giày da, điện tử, chế biến gỗ vẫn chưa có tín hiệu lạc quan. Chính quyền thành phố cũng đang tập trung tháo gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp.

“Chỉ như vậy mới có thể duy trì được sản xuất, việc làm, thu nhập cho người lao động. Chúng tôi hiểu được, tình hình lao động - việc làm hiện rất khó khăn, tuy nhiên, cần phải có sự chia sẻ với công nhân lao động bởi vì đối tượng này dễ bị tổn thương nhất” - Phó Chủ tịch Thường trực LĐLĐ TPHCM nói và cho biết thêm, đối với đơn vị buộc phải điều chỉnh phương án sản xuất, thu hẹp, thậm chí là tạm ngưng, tạm hoãn, chấm dứt hoạt động thì phải tập trung quan tâm tới việc thực hiện chế độ chính sách với NLĐ.

Ông Trần Đoàn Trung cũng thông tin thêm, hoạt động kết nối việc làm trên địa bàn đang có những tín hiệu tích cực. Ví dụ ở 1 số đơn vị phải thực hiện cắt giảm lao động, số lao động bị mất việc cũng đã được kết nối việc làm với những đơn vị có nhu cầu.

Hiện nay nhu cầu về việc làm của thành phố vẫn đang rộng mở, không bị thu hẹp. Đặc biệt là một số lĩnh vực thương mại, dịch vụ. Bên cạnh đó, lượng việc làm nhất định trong thời điểm Tết Nguyên đán 2023 mang tính chất thời vụ, không được ổn định, lâu dài cũng là sự lựa chọn để NLĐ có thể duy trì được thu nhập. “Chúng tôi vẫn đang cố gắng để kết nối. Nhưng trong hoàn cảnh hiện nay vẫn phải quan tâm đến việc đào tạo lại, đào tạo chuyển đổi nghề, đặc biệt là những khoá đào tạo bồi dưỡng ngắn hạn, phù hợp với nhu cầu, điều kiện của NLĐ” - Phó Chủ tịch Thường trực LĐLĐ TPHCM cho hay.

Ông Nguyễn Văn Lâm - Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TPHCM - cho hay, đã chỉ đạo cho Trung tâm việc làm TPHCM phối hợp với các Trung tâm việc làm ở các tỉnh khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Trong thời gian tới, sở sẽ phối hợp với các đơn vị để sớm nhất có thể tổ chức sàn giao dịch việc làm hình thức trực tuyến. Để từ đó, doanh nghiệp sẽ gặp gỡ trao đổi, đưa ra các nhu cầu tuyển dụng.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn