MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Lãnh đạo LĐLĐ TP Hà Nội và Công đoàn Các khu công nghiệp - chế xuất Hà Nội mừng tuổi công nhân lao động trong những ngày làm việc sau Tết Nguyên đán. Ảnh: Hà Anh

Hơn 92% doanh nghiệp, người lao động đã quay lại sản xuất, kinh doanh

Hà Anh LDO | 17/02/2024 17:22

Ngày 17.2, ông Nguyễn Vinh Quang - Phó Trưởng ban Quan hệ lao động Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam - cho biết, theo báo cáo nhanh của các địa phương, ngành, đến hết ngày 16.2 (mùng 7 tháng Giêng), hơn 92% doanh nghiệp, người lao động đã quay lại sản xuất, kinh doanh, làm việc bình thường, tùy theo địa phương, tỷ lệ dao động từ 42% - 100%.

Theo đại diện Tổng LĐLĐVN, Thành phố Cần Thơ, tỉnh Quảng Ngãi, các ngành Dầu khí, Hàng hải, Hàng không, Ngân hàng, Quốc phòng, Than - Khoáng sản, Y tế, Điện lực, Đường sắt đạt 100% doanh nghiệp và người lao động đã quay lại sản xuất, kinh doanh, làm việc bình thường.

Các tỉnh Thái Nguyên, Thanh Hóa đạt 98%; các tỉnh An Giang, Ninh Bình đạt 97%; thành phố Đà Nẵng, các tỉnh Bắc Kạn, Bắc Ninh, Hòa Bình, Khánh Hòa, Nghệ An, Vĩnh Long, Tiền Giang, các ngành Dệt may, Giao thông Vận tải, Nông nghiệp, Xây dựng đạt 95%; các tỉnh còn lại đạt từ 80% trở lên.

Số lao động chưa trở lại làm việc chủ yếu ở các tỉnh, thành phố xa nghỉ phép thêm ngày, nghỉ ốm hoặc doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trở lại từ ngày 19.2.2024 (tức mùng 10 tháng Giêng).

Người lao động Công ty TNHH Điện tử Meiko Việt Nam (Hà Nội) quay trở lại làm việc từ ngày mùng 6 Tháng Giêng. Ảnh: Hà Anh

Ông Nguyễn Vinh Quang cho biết thêm, tình hình tranh chấp lao động, ngừng việc tập thể dịp trước Tết năm 2024 giảm so với Tết năm 2023. Dịp Tết Nguyên đán 2024 xảy ra 11 cuộc tranh chấp lao động, ngừng việc tập thể tại 6 tỉnh, thành phố (Thanh Hóa, Đắk Lắk, Tuyên Quang, Phú Thọ, Hòa Bình, Lâm Đồng, Quảng Bình), giảm 7 cuộc so với dịp Tết năm 2023 (xảy ra 18 cuộc).

Tính chất, quy mô các cuộc ngừng việc tập thể không phức tạp so với các năm trước. Nguyên nhân chủ yếu đẫn đến tranh chấp, ngừng việc là do doanh nghiệp chậm trả lương, người lao động không đồng tình với điều kiện, cách tính, mức thưởng Tết của doanh nghiệp.

Khi tranh chấp, ngừng việc tập thể diễn ra, tổ chức công đoàn đã chủ động phối hợp cùng với các cơ quan chức năng hỗ trợ các bên đối thoại, thương lượng, tìm biện pháp giải quyết. Với sự hỗ trợ của tổ chức công đoàn và các cơ quan chức năng, trên tinh thần chia sẻ giữa người lao động và người sử dụng lao động để doanh nghiệp ổn định sản xuất, các kiến nghị của người lao động đã được người sử dụng lao động thực hiện, người lao động đã trở lại làm việc bình thường.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn