MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THCS Hiệp Đức (tỉnh Quảng Nam). Ảnh: Thanh Chung

Huyện tự ý cắt chế độ phụ cấp của giáo viên

Thanh Chung LDO | 11/03/2021 07:30
15 người lao động là giáo viên, công tác tại huyện Hiệp Đức - địa phương miền núi tỉnh Quảng Nam - sau khi chuyển sang hợp đồng mới đều bị cắt giảm các khoản phụ cấp đối với người công tác ở vùng đặc biệt khó khăn. Trong khi, Sở Nội vụ tỉnh Quảng Nam lại khẳng định, việc cắt giảm các chế độ cho các thầy cô là chưa đảm bảo quy định.

Tự ý cắt trợ cấp, NLĐ gặp khó khăn

Nhiều tháng nay, 15 người lao động (NLĐ) đang làm việc tại Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THCS Hiệp Đức (Trường PTDTNT, THCS) ở huyện Hiệp Đức, tỉnh Quảng Nam phản ánh tình trạng thu nhập bị giảm khiến họ gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống.

Theo các giáo viên này, cả 15 người được ký hợp đồng tại Trường PTDTNT, THCS Hiệp Đức là căn cứ vào Nghị định số 68 Chính phủ về thực hiện chế độ hợp đồng một số loại công việc trong cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp.

Theo loại hợp đồng này, họ được hưởng các phụ cấp theo Nghị định số 76 ngày 8.10.2019 của Chính phủ - về chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và người hưởng lương trong lực lượng vũ trang công tác ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn - và được nâng lương 2 năm một bậc (mỗi bậc lên 0,18).

Đến năm 2020, Phòng Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) huyện Hiệp Đức chuyển sang hợp đồng theo dạng mới. Cụ thể, họ được hưởng các chế độ theo Nghị định số 161 về sửa đổi, bổ sung quy định về tuyển dụng công chức, viên chức…

Các thầy cô cho rằng, dù áp dụng dạng hợp đồng theo Nghị Định 68 hay Nghị Định 161, họ đều được hưởng phụ cấp theo quy định. Tuy nhiên, không hiểu vì lý do gì mà từ đầu năm 2020 đến nay, 15 thầy cô nhà trường các khoản phụ cấp bị cắt giảm.

Thầy giáo Trần Văn Bình - Phó Hiệu trưởng, Chủ tịch Công đoàn Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THCS Hiệp Đức - cho biết, sau khi hợp đồng 15 giáo viên được chuyển sang dạng mới, các thầy cô bị giảm thấp nhất 17,2% và người bị giảm cao nhất 31,3% thu nhập so với tháng trước đó. Đồng thời, hợp đồng bằng một mức tiền duy nhất và không được nâng lương.

Chưa hết, theo hợp đồng cũ thì đến tháng 9.2020, có 12 thầy cô được nâng bậc lương. Điều bất cập là khi được ký hợp đồng Nghị định 161 vào tháng 7.2020, hợp đồng không có lộ trình nâng lương và được cho hưởng một mức lương duy nhất là quá vô lý.

“Đã 8 tháng trôi qua, số tiền bị giảm thu nhập là hơn 128 triệu đồng, một khoản tiền quá lớn đối với những nhân viên có mức thu nhập từ 2,7 - 3,8 triệu đồng/người/tháng. Đời sống gia đình họ gặp rất nhiều khó khăn” - ông Bình bức xúc.

Chưa đảm bảo quy định

Ông Phạm Văn Rực - Trưởng Phòng GDĐT huyện Hiệp Đức - nói rằng, việc thay đổi hợp đồng trên đơn vị thực hiện theo chủ trương chung của Bộ Nội vụ. Mặc dù cho rằng ngành Giáo dục đã làm đúng quy định nhưng ông Rực lại không giải thích nguyên nhân tổng mức lương của người lao động bị giảm mạnh từ khi chuyển sang hợp đồng ký theo Nghị định 161(?).

Trong khi đó, ông Trần Trung Kiên - Phó Trưởng phòng Công chức, viên chức Sở Nội vụ - cho hay, sở đã có hướng dẫn cụ thể đối tượng áp dụng chính sách ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn là cán bộ, công chức, viên chức, người lao động đang công tác và đến công tác ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn quy định tại Nghị định số 76 năm 2019.

“Đối với huyện Hiệp Đức, việc các cơ quan, đơn vị tự ý cắt chế độ, chính sách phụ cấp, trợ cấp của lao động hợp đồng công tác ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn là chưa đảm bảo quy định” - ông Kiên nói. Và ông Kiên cho biết thêm, một số địa phương, đơn vị miền núi thuộc vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn đã tự ý cắt chế độ, chính sách phụ cấp, trợ cấp của người lao động chứ chưa có chủ trương chung của tỉnh. Hiện tại, Sở Nội vụ đã rà soát lại để có hướng xử lý, tháo gỡ.

Còn theo bà Trần Thị Kim Hoa - Giám đốc Sở Nội vụ, liên quan đến 15 lao động của Trường PTDTNT, THCS Hiệp Đức, sở đã giao phòng chuyên môn làm việc với UBND huyện Hiệp Đức để kiểm tra, rà soát việc triển khai thực hiện Nghị định 161 ở các đơn vị trực thuộc vì việc này thuộc thẩm quyền của UBND huyện.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn