MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Công nhân cần nhất tăng ca để tăng thu nhập. Ảnh minh hoạ: Tất Thảo

Ít việc, lương thấp, công nhân xin nghỉ việc

Quế Chi - Minh Phương LDO | 03/08/2022 13:30

Thay đổi cách vận hành, xưởng sản xuất ít việc hơn so với trước, đơn hàng khó khăn hơn... nhiều lý do khiến một số công ty, đơn vị sản xuất lúc này buộc phải giảm lực lượng lao động hay không cho công nhân được tăng ca, làm thêm để cải thiện thu nhập...

Lý do khiến nhiều công nhân xin nghỉ việc

Chị B.P - công nhân Công ty TNHH Molex Việt Nam (Khu công nghiệp Thăng Long, Hà Nội) cho biết, công ty đang trải qua thời kỳ “thắt lưng buộc bụng”.

Lý giải cho điều này, chị P cho biết, công ty chuẩn bị bán một số thiết bị máy móc sử dụng sức lao động nhiều, và thay vào đó bằng máy móc hoạt động theo công nghệ tự động. Do vậy, đã có khá nhiều công nhân, thậm chí những người có thâm niên lâu năm cũng phải xin nghỉ việc vì không được tăng ca. Còn những công nhân hết hợp đồng sẽ không được công ty ký tiếp.

“Công nhân nào viết đơn xin nghỉ việc, công ty cho nghỉ luôn, không giữ” - chị P nói.

Kể từ tháng 4.2022, chị P. chỉ làm giờ hành chính (8 tiếng/ngày), lương từ 8 triệu đồng nay giảm còn 5 triệu đồng/tháng. Trong 5 triệu đồng nhận được, chị P gửi về cho gia đình 1 nửa, còn lại, chị dè dặt chi tiêu cho các ăn uống, tiền thuê trọ... Công ty thay đổi cách vận hành, chị P nói sẽ cố làm thêm một thời gian, nếu tiếp tục không được làm thêm giờ, có thể chị sẽ xin vào làm ở công ty khác, mong được cải thiện thu nhập.

Chị Leo Thị Mùi (công nhân một công ty điện tử trong Khu công nghiệp Vân Trung, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang) cho biết, 2 tháng nay, xưởng sản xuất nơi chị làm việc ít việc hơn so với trước, khiến công nhân bị giảm giờ tăng ca, giảm thu nhập.

Tuy nhiên, không phải tất cả các xưởng đều thiếu việc. Theo chị Mùi, có xưởng vẫn tăng ca đều, nhiều việc; nhưng có xưởng như nơi chị đang làm việc, hiện 1 tuần chỉ tăng ca được 4 buổi.

“Trước đây công ty tổ chức sản xuất thành 2 ca (ca ngày, ca đêm), bây giờ ít đơn hàng, nên công ty cắt ca đêm, chỉ còn ca ngày, mà nếu chỉ tăng ca vào ban ngày thì thu nhập của công nhân sẽ không cao bằng so với vào ban đêm” - chị Mùi nói.

Độ trước, chị Mùi thường tăng ca 50-60 giờ/tháng, trong đó có cả thời gian tăng ca vào ban đêm; thu nhập (chưa trừ tiền ăn) được khoảng 9-10 triệu đồng/tháng. Nhưng hiện nay, công ty chỉ còn tổ chức tăng ca 30-40 giờ/tháng. Thu nhập theo đó cũng giảm khoảng 2 triệu đồng/tháng so với trước. Nếu trừ các khoản tiền (như tiền ăn, tiền đi lại…), mỗi tháng, chị Mùi chỉ có thể cầm về nhà được khoảng 5-6 triệu đồng. Được biết, mỗi tháng, chị Mùi phải trả hơn 1 triệu tiền thuê xe “trọn gói” để đi làm, với quãng đường đi mỗi ngày tổng cộng khoảng 100km.

Đơn hàng khó khăn hơn

Còn tại Bắc Ninh, ông Nguyễn Thế Quyết - Chủ tịch Công đoàn các Khu công nghiệp tỉnh - thông tin, trong các Khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh thời điểm này, có doanh nghiệp thiếu việc, nhưng ngược lại, đại đa số doanh nghiệp có đơn hàng và công nhân lao động làm việc ổn định.

“Một số doanh nghiệp thiếu việc do không có đơn hàng, hoặc giảm, dẫn đến giảm lực lượng lao động. Nhưng ngược lại, những doanh nghiệp nhiều việc thì lại tăng cường tuyển dụng công nhân lao động. Thực trạng chung này xảy ra ở tất cả các ngành nghề” - ông Quyết cho hay và nói thêm, nói chung, năm nay, đơn hàng khó khăn hơn so với các năm trước.

 “Sau khi chấm dứt hợp đồng lao động do doanh nghiệp thiếu việc làm, nhiều công nhân cũng tìm được việc khác ngay” - ông Quyết nói. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn