MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Cần Thơ đang “khát” người lao động ngành chế biến thủy sản. Ảnh: Phong linh

Kết nối cung - cầu lao động, giúp CNLĐ vượt qua thách thức

VƯƠNG TRẦN LDO | 19/12/2022 06:30

Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Ngọ Duy Hiểu cho rằng, cần nhiều giải pháp đồng bộ vừa hỗ trợ trong ngắn hạn giúp người lao động vượt khó, ở lại thị trường hoặc sớm trở lại thị trường, vừa hỗ trợ trong dài hạn nhằm tăng cường khả năng thích nghi, khả năng chống chịu cho người lao động trước khủng hoảng, biến động của thị trường.

Người lao động khó khăn gấp bội khi bị cắt giảm giờ làm, mất việc

Từ tháng 9.2022, bên cạnh các doanh nghiệp tiếp tục sản  xuất, kinh doanh tốt, mở rộng sản xuất, tuyển dụng thêm lao động, đã xảy ra tình trạng nhiều doanh nghiệp ở các ngành nghề, địa phương gặp khó khăn, thiếu đơn hàng khiến nhiều người lao động phải giảm giờ làm, mất việc làm. Đặc biệt là ngành dệt may, da giầy, chế biến gỗ, điện tử gặp khó khăn, bị thiếu, cắt giảm đơn hàng, dẫn đến hàng trăm nghìn người lao động bị giảm giờ làm, mất việc làm.

Theo tổng hợp của Tổng LĐLĐVN tại các doanh nghiệp đã thành lập công đoàn cơ sở, từ tháng 9.2022 cho đến hết ngày  10.12.2022 đã có 1.242 doanh nghiệp (tại 44 tỉnh, thành phố) gặp khó khăn, bị cắt giảm đơn hàng nên phải giảm giờ làm của 482.120 người lao động. Trong  đó, số người lao động bị chấm dứt hợp đồng lao  động với 41.642 người, chiếm 8,64% tổng số người bị ảnh hưởng.

Những nội dung này cũng nhận được nhiều ý kiến thảo luận tại phiên chuyên đề “Phát triển thị trường lao động bền vững, bảo đảm an sinh xã hội trong phát triển kinh tế - xã hội” thuộc Diễn đàn Kinh tế Việt Nam lần thứ 5 vừa diễn ra cuối tuần qua.

Ông Ngọ Duy Hiểu - Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐVN nhận định, khác với tất cả các năm trước, khi đây là thời điểm các doanh nghiệp và người lao động triển khai kế hoạch tăng ca, đảm bảo đơn hàng cho các đối tác, năm nay, hàng vạn người lao động về quê đón Tết trước hàng tháng, thậm chí là vài tháng, là vấn đề lớn, rất đáng quan tâm. 

Đối với người lao động, giảm giờ làm là giảm tiền lương, thu nhập; mất việc làm là mất tiền lương, mất thu nhập. Trong bối cảnh bình thường, nhiều người lao động đã phải sống tằn tiện với đầy khó khăn. Đến nay, với việc bị cắt giảm giờ làm, cắt giảm lao động thì đời sống người lao động còn khó khăn gấp bội.

Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Ngọ Duy Hiểu cho rằng, cần nhiều giải pháp đồng bộ vừa hỗ trợ trong ngắn hạn giúp người lao động vượt khó, ở lại thị trường hoặc sớm trở lại thị trường, vừa hỗ trợ trong dài hạn nhằm tăng cường khả năng thích nghi, khả năng chống chịu cho người lao động trước khủng hoảng, biến động của thị trường.

Cụ thể là tăng cường cung cấp thông tin về thị trường lao động, triển khai các hình thức, phương thức giúp người lao động dễ tiếp cận thông tin tuyển dụng, với các nguồn tuyển dụng uy tín, các doanh nghiệp, tổ chức đang cần tuyển việc làm. Cùng với đó, cần tăng cường kiểm soát về giá cả, không để lạm phát tăng cao; đồng thời tổ chức các điểm bán hàng bình ổn giá cho công nhân lao động.

Tiếp tục thực hiện các chính sách đã ban hành hỗ trợ người lao động, chính thức hơn các chính sách tạm thời, bảo đảm việc làm, thu nhập và an sinh  lâu dài cho người lao động. Nghiên cứu, ban hành chính sách hỗ trợ kịp thời, thỏa đáng, sát  thực tế đối với người lao động ở 3 mức độ: bị mất việc, tạm hoãn hợp đồng, giảm giờ làm, nhất là khi Tết Nguyên đán cận kề.

Về lâu dài, cần có chính sách thu hút đầu tư và tiền lương thỏa đáng  để người lao động sau một thời gian làm việc phải có tích lũy ở mức cần thiết để khi gặp khó khăn, họ vẫn có tiền để duy trì cuộc sống. Bên cạnh đó, phải mở rộng chính sách về bảo hiểm xã hội nhằm đủ sức để hỗ trợ người lao động trong lúc khó khăn.

Tìm các giải pháp để không phải sa thải lao động

Tham gia cùng thảo luận, bà Trần Thị Lan Anh - Tổng thư ký Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) thông tin, theo báo cáo khảo sát nhanh của VCCI thực hiện tại TPHCM và một số tỉnh, thành phía Nam vừa qua về triển vọng sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, tình hình kinh doanh tới đây còn khó. Trong đó, 9% doanh nghiệp được khảo sát cho biết tăng đơn hàng; 68% giảm đơn hàng và 23% chưa biết được tình hình sản xuất trong thời gian tới. Những biến động khó đoán định của thị trường gây khó khăn cho doanh nghiệp trong việc lên kế hoạch sản xuất kinh doanh và sử dụng lao động.

“Doanh nghiệp cũng đang rất cố gắng, có giải pháp để không phải sa thải lao động, như nghỉ luân phiên, động viên lao động nghỉ hết phép, nghỉ tết sớm...”, bà Trần Thị Lan Anh, Tổng thư ký VCCI chia sẻ.

Đặc biệt, VCCI cho biết, nhiều doanh nghiệp đang có xu hướng chuyển dịch địa bàn, chuyển từ khu vực miền Nam tới miền Trung, để tận dụng nguồn lao động của khu vực này, cả về số lao động tại chỗ và cả chi phí lao động thấp hơn. VCCI cũng đề nghị các địa phương, chính phủ có sự nhận diện rõ ràng về tình hình lao động của các địa phương đề có những giải pháp căn cơ.

Cùng trao đổi việc này, Thứ trưởng Bộ LĐTBXH Lê Văn Thanh nhấn mạnh cần hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật để phát triển đồng bộ các yếu tố của thị trường lao động. Ông cho rằng cần thúc đẩy tạo việc làm bền vững và sử dụng hiệu quả lực lượng lao động thông qua các chương trình, đề án, chính sách tín dụng hỗ trợ tạo việc làm, tham gia thị trường lao động, đặc biệt quan tâm đến các nhóm lao động đặc thù, lao động yếu thế... Mặt khác, cần phát triển lưới an sinh và bảo hiểm thông qua việc đa dạng hóa các gói dịch vụ an sinh xã hội; triển khai đồng bộ các giải pháp giảm nghèo đa chiều bao trùm, bền vững; xây dựng hệ thống trợ giúp xã hội linh hoạt, thích ứng với các rủi ro...

Công đoàn nhanh chóng vào cuộc triển khai nhiều biện pháp nhằm giảm bớt khó khăn cho người lao động

Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Ngọ Duy Hiểu cho biết, trước tình hình khó khăn, các cấp công đoàn đã đã nhanh chóng vào cuộc và  triển khai nhiều biện pháp nhằm giảm bớt khó khăn cho người lao động. Các cấp công đoàn đã chủ động nắm kịp thời tình hình khó khăn, thiếu, cắt giảm đơn hàng của các doanh nghiệp, số lượng người lao động bị giảm thời  giờ làm việc, mất việc làm. Tư vấn, giới thiệu việc làm, đào tạo nghề cho người  lao động bị mất việc làm. 

Tham gia, đề xuất với doanh nghiệp xây dựng phương án nghỉ Tết, trả lương, trả thưởng và công bố trước khi nghỉ Tết ít nhất 20 ngày. Đề xuất tham  gia, đối thoại, thương lượng với người sử dụng lao động xây dựng phương án sử dụng lao động, tăng cường đào tạo, đào tạo lại để tiếp tục sử dụng người lao động; trường hợp chấm dứt hợp đồng lao động thì phải đảm bảo quyền lợi của  người lao động theo quy định của pháp luật. 

Đặc biệt, trong dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, các cấp công đoàn tiếp tục triển khai chăm lo cho đoàn viên, người lao động có hoàn cảnh khó khăn, mất việc làm thông qua Chương trình “Tết sum vầy - Xuân gắn kết” với hàng loạt hoạt động thiết thực, ý nghĩa.


Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn