MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nhiều người trẻ không mặn mà với nghề thợ xây. Ảnh: Minh Sam

Khan hiếm lao động tại làng nghề thợ xây nổi tiếng ở Phú Thọ

Minh Nguyễn - Minh Sam LDO | 18/04/2023 11:56

Làng nghề xây dựng Do Nghĩa, xã Sơn Vi, huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ đang rơi vào tình trạng khan hiếm nguồn nhân lực, nhất là lao động trẻ.

Hoàng kim một thời

Những ngày giữa tháng 4.2023, PV Báo Lao Động có dịp về thăm làng nghề xây dựng Do Nghĩa, xã Sơn Vi. 

Nơi đây, chỉ vài năm về trước, cả làng có tới tới vài chục thợ cả, hàng trăm thợ chính, chưa kể đến số lượng thợ phụ. Mỗi đoàn chừng ba bốn mươi người, đều là người trong làng, anh em họ hàng.

Nhiều gia đình cả vợ chồng, con cái đều xem đây là nghề ổn định và là nguồn thu nhập chính.

Ông Vũ Xuân Thủy – Trưởng làng nghề Do Nghĩa cho biết: Nghề thợ xây ở Sơn Vi có từ lâu đời, nối từ đời này sang đời khác và ăn sâu vào máu thịt của người dân địa phương nên tay nghề kỹ thuật rất cao.

Thợ ở đây rất khéo léo trong việc vẽ, đắp các họa tiết, hoa văn cũng như thông thạo các kỹ thuật xây dựng.

Ngoài các công trình lớn, nhỏ trong tỉnh, họ cũng chẳng ngại nhận các công trình xa, khó hay phức tạp ở khắp các tỉnh Vĩnh Phúc, Lào Cai, Sơn La... Cứ ở đâu có việc, chúng tôi lại sắp xếp thợ rồi đi.”

 Những người theo nghề đều đã ở tuổi trung niên. Ảnh: Minh Sam

Nghề làm xây dựng thu hút được nhiều người tham gia thời đó, bởi người dân chủ yếu làm thuần nông, bận rộn chỉ có thời vụ, thời gian nhàn rỗi nhiều.

Nghề thợ xây chẳng cần bằng cấp lại chẳng thiếu việc làm, chỉ cần có nhu cầu là đi làm nên lượng người tham gia làm nghề ngày đông. Thu nhập trung bình từ 250.000 đồng đến 400.000 đồng/ngày, tùy theo tay nghề.

Một ngày làm việc thông thường kéo dài khoảng tám tiếng, hầu hết thời gian này đều phải làm ngoài trời, trừ lúc công trình vào giai đoạn hoàn thiện thì mới làm ở bên trong. 

Người trẻ không mặn mà với nghề thợ xây

Làng nghề hiện tại vẫn hoạt động, các buổi sinh hoạt chung, hội họp để học tập, chia sẻ về kinh nghiệm, cách làm và san sẻ lực lượng khi cần không còn được tổ chức thường xuyên như trước.

Ông Thủy – Trưởng làng nghề, một thợ cả có tiếng đông quân, nhiều việc ở làng nên đủ hiểu những áp lực của người cầm quân.

Ngoài việc tìm công trình, lo tài chính, đảm bảo an toàn lao động và đời sống cho đoàn thì giờ còn phải lo thêm việc tìm thợ, để đảm bảo tiến độ công trình.

“Trước đây đoàn của tôi có hơn ba mươi người, xây dựng hàng trăm công trình lớn nhỏ từ đơn giản đến cầu kì. Nhưng hiện giờ, vẫn đoàn tôi chỉ còn tám người ở độ tuổi trung niên" - ông Thủy thở dài.

Theo ông Thuỷ, người trẻ hầu như họ không mặn mà theo nghề. Giờ tôi không nhận công trình ở xa, co cụm lại ở trong tỉnh. Vài năm nữa, nếu không còn quân thì tôi “giải nghệ”.

Anh Tạ Văn Thắng - người thợ gắn bó với 20 năm với chia sẻ, trong quá trình làm, chúng tôi thường xuyên đối mặt với những tai nạn rủi ro, mắc bệnh ngoài da do dị ứng với xi măng.

Nhiều người yêu nghề, thích làm nghề song lực bất tòng tâm vẫn phải bỏ nghề, một số khác thì sợ nguy hiểm nên chuyển sang làm việc khác.

Mặc dù nghề xây dựng không còn “hot” nhưng ở làng Do Nghĩa hôm nay vẫn được nhiều người nhớ đến với cái tên làng xây tổ ấm. Ảnh: Minh Sam

Mặc dù nghề xây dựng không còn “hot” nhưng ở làng Do Nghĩa hôm nay vẫn được nhiều người nhớ đến với cái tên làng xây tổ ấm.

Để nâng cao hiệu quả và chất lượng nghề xây dựng, những người làm nghề đã sử dụng cơ giới hóa, trang thiết bị hiện đại, máy móc tự động, đồ dùng chuyên dụng để hạn chế sức lao động, rút ngắn thời gian, đảm bảo tiến độ công trình.

Trao đổi với PV, ông Chử Đức Oanh – Chủ tịch UBND xã Sơn Vi cho biết: Được công nhận vào năm 2010, làng nghề xây dựng Do Nghĩa tập trung đông ở khu 1, 2 và khu 4. Hiện nay số lượng người làm nghề tuy có giảm so với trước nhưng đây vẫn có thu nhập cao và dễ tìm việc".

Theo ông Oanh, để duy trì nghề, xã đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quan tâm và chú trọng đến vấn đề đảm bảo an toàn lao động trong quá trình làm, nhất là đối với các công trình lớn;

Khuyến khích người dân tham gia bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội tự nguyện, tạo “chiếc áo giáp” vững chắc để yên tâm làm nghề.

Bên cạnh đó, người dân làng nghề cũng quan tâm, chăm sóc sức khỏe, rèn luyện kĩ thuật để giữ lấy nghề truyền thống, đồng thời nâng cao thu nhập.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn