MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Hàng nghìn lao động làm việc trong ngành dịch vụ du lịch tại Khánh Hòa mất việc làm do dịch COVID-19 hơn 2 tháng qua. Ảnh: P.Linh

Khánh Hòa: Hơn 10.000 lao động phải ngừng việc cần "tiếp sức nhanh"

Phương Linh LDO | 31/03/2020 09:43

Diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 đang khiến hàng nghìn lao động tại Khánh Hòa mất việc làm. Đặc biệt lao động ngành du lịch, dịch vụ, may mặc, chế biến thủy sản... vốn thường xuyên thiếu hụt trong những năm qua thì nay thành đối tượng bị mất việc nhiều nhất!

Công nhân chật vật ứng phó 

Trong dãy nhà trọ 12 m2 ở thôn Dầu Sơn, xã Cam Tân, gần Khu công nghiệp Suối Dầu (H.Cam Lâm, Khánh Hòa), mẹ con chị Nguyễn Thị Mỹ Hạnh (quê Phú Yên) bắt đầu một ngày với bữa sáng là 3 ổ bánh mì.

Nhiều ngày nay mẹ con chị đang cố tằn tiện. Một mình chị Hạnh rời quê mang theo 2 con nhỏ vào Khánh Hòa làm công nhân. Trước làm công nhân Công ty TNHH Gallant Ocean Việt Nam mỗi tháng thu nhập của chị được hơn 7 triệu đồng lo 3 mẹ con đã khó.

Hơn 1 tháng nay mất việc làm do dịch COVID-19, công ty chỉ hỗ trợ 70% mức lương tối thiểu vùng khoảng 2 triệu đồng nên cuộc sống của mẹ con chị càng thêm khó khăn. Chị cho biết, “Công ty nói hỗ trợ nhưng giờ cũng chưa thấy. Trước mắt, tôi cố cầm cự nhưng nếu kéo dài thì chắc phải về quê bớt được tiền thuê nhà nhưng cũng không biết  làm gì!”.

Hơn 1 tháng nghỉ việc mẹ con chị Hạnh dành thời gian ở trong phòng cho con học bài. Ảnh: P.Linh

Vợ chồng anh Nguyễn Văn Nhật, công nhân công ty TNHH Vịnh Nha Trang trọ gần đó thì trả phòng trọ về quê. “Con nhỏ nghỉ học, vợ mất việc nghỉ nhà trông. Mình tôi đi làm, công ty ít việc 1 ngày làm 3 ngày nghỉ không đủ trang trải cuộc sống. Vợ chồng tôi quyết định về quê Ninh Hòa chứ chờ dịch biết khi nào mới đi làm lại. Về quê bớt được 1 triệu tiền nhà, tôi kiếm việc gì đó làm chạy bữa”- anh Nhật buồn nói.

Hoàn cảnh khó khăn, một mình nuôi 2 con và bố mẹ già đã 70 tuổi, chị Hoàng Anh Thái (trú xã Phước Đồng, TP Nha Trang) nhân viên Spa của công ty du lịch đang chật vật tìm việc. “Hơn 5 năm làm việc lương tôi khoảng 8 triệu/tháng cũng lo được cho cả nhà. Nhưng sau Tết tình hình dịch COVID-19 khiến công ty đóng cửa, cho nhân viên nghỉ từ giữa tháng 1. Không có bất kỳ khoản lương hỗ trợ, mất việc bất ngờ tôi không kịp trở tay. Cả 2 tháng nay nghỉ ở nhà, tiền tích cóp cạn kệt nay lâm vào túng thiếu. Tôi mày mò bán hàng online, nhưng mới nên không được là bao” chị Thái chia sẻ.

Cần tiếp sức nhanh

Với gần 14.000 lao động, hiện 2/3 doanh nghiệp hoạt động ở khu công nghiệp Suối Dầu (H. Cam Lâm, Khánh Hòa) đang lên phương án cắt giảm lao động. 13 doanh nghiệp trong lĩnh vực thủy sản với hơn 5.500 lao động đang khó khăn do không có nguyên liệu, không xuất được hàng.

Nhiều dãy trọ công nhân tại Khánh Hòa lao động đang bị ngưng việc ở nhà cầm cự hi vọng chờ qua dịch có việc đi làm. Ảnh: P.Linh

Thống kê của LĐLĐ Khánh Hòa đến ngày 27.3 có 292/611 doanh nghiệp có CĐCS báo cáo về tình hình lao động tác động do dịch COVID-19. Trong đó, gần 1.000 lao động phải nghỉ việc, gần 10.400 lao động phải ngừng việc. Số lao động không hưởng lương là 2.788 lao động. Và số lao động bị giảm lương là 4.286 lao động.

Ông Bùi Đăng Thành, Trưởng Ban Chính sách LĐLĐ tỉnh Khánh Hòa cho biết, “hiện các doanh nghiệp đang thỏa thuận nghỉ việc với người lao động ngừng việc hưởng lương cơ bản theo hợp đồng hoặc nghỉ phép năm. Số thì thỏa thuận chấm dứt hợp đồng lao động, thỏa thuận nghỉ luân phiên không hưởng lương. Một số điều chuyển người lao động tới vị trí khác làm việc...”.

Riêng lao động ngành du lịch, dịch vụ đến nay hầu hết cơ sở du lịch, lưu trú, vận tải đều đóng cửa tạm ngưng kinh doanh.  Và hàng nghìn lao động mất việc theo. Ông Văn Đình Tri, Phó Giám đốc Sở LĐTB&XH Khánh Hòa thông tin, lao động bị tác động nhiều nhất là du lịch, dịch vụ, thủy sản, may mặc, vận tải. Hiện số lao động đăng ký thất nghiệp tăng gấp 3 lần tháng 2, nhiều nhất là lao động ngành du lịch dịch vụ.

Đến nay sở nhận được văn bản đề nghị xác nhận xin tạm dừng đóng BHXH 22% đến cuối năm 2020 của 12 doanh nghiệp với gần 1.000 lao động mất việc và 350 lao động tạm ngưng việc.

“Qua mỗi tuần số này sẽ tăng lên. Thời gian nữa sẽ ảnh hưởng đến thu nhập, đời sống của người lao động. Giải pháp trước mắt động viên doanh nghiệp bố trí sắp xếp, cố gắng cho tạm ngưng việc, đảm bảo cho lao động mức lương tối thiểu vùng. Tập trung nhân lực hướng dẫn doanh nghiệp các thủ tục nhanh, đơn giản để tạm ngưng đóng BHXH giải quyết khó khăn. Chỉ đạo các trung tâm giới thiệu việc làm vừa tăng phòng chống dịch vừa ưu tiên giải quyết nhanh chế độ Bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động, giới thiệu học nghề phù hợp để lao động chuyển đổi. Trong tuần tới UBND tỉnh sẽ có cuộc họp về vấn đề này, chúng tôi sẽ kiến đề xuất hỗ trợ sớm, phù hợp cho người lao động mất việc”. ông Tri nói.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn