MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Chủ tịch Khánh Hòa Nguyễn Tấn Tuân đối thoại với người lao động. Ảnh: Hữu Long

Khánh Hòa sẵn sàng hỗ trợ người lao động vay vốn mua nhà ở xã hội

Hữu Long - Thanh Thúy LDO | 24/05/2023 17:25

Người lao động mong muốn địa phương quan tâm bố trí dành quỹ đất xây nhà ở xã hội. Đối thoại với người lao động, Chủ tịch Khánh Hòa Nguyễn Tấn Tuân đánh giá, đây là nguyện vọng chính đáng và sẵn sàng có chính sách hỗ trợ.

Sẵn sàng có chính sách hỗ trợ để người lao động vay vốn mua nhà ở xã hội

Chiều 24.5, ông Nguyễn Tấn Tuân - Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa - đối thoại với đoàn viên, người lao động trên địa bàn. Đây là dịp để người lao động chia sẻ những thuận lợi, khó khăn, những mong muốn truyền đạt đến lãnh đạo tỉnh nhà.

Một vấn đề mà người lao động quan tâm chất vấn lãnh đạo tỉnh là việc cần xây dựng thêm các căn nhà ở xã hội phục vụ đời sống người lao động. Đoàn viên Công đoàn nêu thực tế có nhiều công nhân xa nhà phải ở trọ, nhà ở tạm bợ. Người lao động muốn có những căn nhà xã hội để ổn định cuộc sống và yên tâm lao động.

Từ thực tế này, người lao động đề nghị UBNĐ tỉnh quan tâm bố trí dành đủ quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội khi phê duyệt quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng khu công nghiệp...

Người lao động đặt câu hỏi chất vấn lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa. Ảnh: Hữu Long

Trả lời người lao động, ông Nguyễn Tấn Tuân cho biết, địa phương đang triển khai Quyết định 338 năm 2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án "Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 - 2030".

Trước mắt, Khánh Hòa tập trung xây dựng nhà ở xã hội tại TP Nha Trang. Ông Nguyễn Tấn Tuân cũng cho hay, theo nhu cầu dự kiến từ năm 2021-2025, tỉnh cần 44.000 căn hộ.

“Để phục vụ Khu Công nghiệp Suối Dầu, Cụm Công nghiệp Trảng É, tỉnh cho xây dựng nhà ở xã hội dọc Tỉnh lộ 3. Còn về mặt chính sách, tỉnh sẽ cấp tiền cho Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh cho vay trong chương trình 1 triệu nhà ở xã hội.

Tỉnh không hẹp hòi, sẵn sàng có chính sách hỗ trợ để ngân hàng cho người lao động vay vốn mua nhà ở xã hội. Với trách nhiệm của tỉnh, tôi cùng với các sở ban ngành sẽ bàn bạc, cho phép tiến hành xây các nhà ở xã hội bởi nhu cầu rất lớn của người lao động” - ông Nguyễn Tấn Tuân nói.  

Toàn cảnh buổi đối thoại. Ảnh: Hữu Long

Đề xuất các giải pháp ngăn chặn tín dụng đen

Cũng tại buổi đối thoại, ông Đoàn Ngọc Cứ - Chủ tịch Công đoàn cơ sở Công ty TNHH Tín Thịnh - nêu thực tế người lao động đi vay tín dụng đen bên ngoài, sau đó công ty đòi nợ thuê điện về cho doanh nghiệp gây áp lực để đòi nợ.

Ông Đoàn Ngọc Cứ mong muốn tỉnh có giải pháp ngăn chặn tín dụng đen hoành hành trong khu công nghiệp và có giải pháp để người lao động tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi với thủ tục thuận lợi.

Trả lời ý kiến người lao động, ông Đỗ Trọng Thảo - Phó Giám đốc phụ trách Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Khánh Hòa - thừa nhận thực trạng tín dụng đen đang hoành hành tại các khu công nghiệp.

Để giải quyết tình trạng này, Ngân hàng Nhà nước tại Khánh Hòa đã tham mưu tỉnh ban hành các văn bản ngăn chặn tín dụng đen, trong đó tham mưu tỉnh chỉ đạo các địa phương tạo điều kiện cho ngành ngân hàng xác minh nguồn vay vốn cho người dân, người lao động và tuyên truyền để người lao động để hiểu rõ nguy cơ tác hại của tín dụng đen.

Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước tại Khánh Hòa cũng tham mưu tỉnh chỉ đạo các sở ban ngành dỡ các bảng quảng cáo về tín dụng đen; điều tra, xét xử các tội phạm cho vay nặng lãi, tín dụng đen. 

“Ngân hàng nhà nước chỉ đạo các ngân hàng thương mại và nhà nước mở rộng mạng lưới giao dịch về tận xã. Ngân hàng nhà nước có nhiều chương trình tín dụng vay tiêu dùng để người lao động có thể tiếp cận các nguồn vốn lãi suất thấp hoặc có ưu đãi” - ông Đỗ Ngọc Thảo thông tin thêm.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn