MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Khánh Hòa thừa lao động phổ thông nhưng lại thiếu lao động trình độ cao. Ảnh: Phương Linh

Khánh Hòa thừa lao động phổ thông, thiếu lao động trình độ cao

Phương Linh LDO | 02/03/2021 16:33

Đại dịch COVID-19 khiến thị trường lao động lộ ra nhiều điểm yếu khi mà trước đó sự “dễ dãi” nới lỏng các yêu cầu tuyển dụng để tuyển cho đủ người làm việc trong thời kỳ du lịch nở rộ đang khiến cho nhiều lao động tại Khánh Hòa khó tìm được việc làm, nhà tuyển dụng khó tìm được người.

Thống kê của Trung tâm Dịch vụ việc làm Khánh Hòa, từ đầu năm đến nay trung tâm tư vấn việc làm cho 2.473 người, giới thiệu việc làm cho gần 1.500 lao động.

Trong đó, đa số lao động được giới thiệu việc làm là đối tượng bảo hiểm thất nghiệp, số còn lại qua kênh sàn tuyển dụng và tư vấn trực tiếp. Tuy nhiên số lao động có việc làm sau khi giới thiệu chỉ được 469 người. Đây là điều khá bất cập.

Chị Nguyễn Thị Thu Phương, trú tại Vĩnh Ngọc, Nha Trang, từng là nhân viên bán hàng cho một cửa hàng chuyên phục vụ khách Trung Quốc cho biết: “Trước chỉ cần biết tiếng là các cửa hàng tuyển vào, lương thấp nhất cũng 5 triệu đồng.

Mặc dù không có hợp đồng lao động nhưng lương cộng với hoa hồng mỗi người cũng có thu nhập từ 9-10 triệu, thời gian làm chỉ có 5-6 giờ/ ngày. Nhưng sau dịch nơi nào cũng lương thấp, yêu cầu khắt khe nên không tìm được việc”.

Chính nhu cầu lao động tăng từ sự phát triển nóng của du lịch đã kéo theo thị trường lao động tại Khánh Hòa những năm trước đây cầu vượt cung.

Thời điểm đó rất nhiều doanh nghiệp tuyển dụng tại Khu công nghiệp phải tìm đến các huyện địa bàn miền núi Khánh Sơn, Khánh Vĩnh để tuyển dụng lao động đồng bào vì tìm không ra.

Không cần bằng cấp, không cần tay nghề cũng sẽ được tuyển dụng vào đào tạo dần. Thời điểm đó lao động phổ thông được tuyển ồ ạt và dễ dãi.

Cho đến khi dịch COVID-19 bùng phát, lao động cắt giảm thì sự dễ dãi đó khiến người lao động không dễ tìm được việc làm thích hợp, doanh nghiệp tuyển lao động thực sự đòi hỏi chuyên môn thì cũng không tìm ra.

Theo ông Văn Đình Tri - Phó Giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội tỉnh Khánh Hòa, năm 2020 con số lao động thất nghiệp ở khu chính thức qua hưởng trợ cấp thất nghiệp là 24.000 người. Và con số lao động thất nghiệp phi chính thức thì chưa có thể thống kê.

Tuy nhiên có một thực tế doanh nghiệp tuyển lao động phổ thông thì có nhiều sự lựa chọn nhưng lao động trước còn tâm lý so sánh, chờ đợi việc nên cũng chưa muốn đi làm.

Còn tại các dự án, nhất là các dự án có nhà thầu nước ngoài thì tuyển dụng lao động trình độ đáp ứng việc làm được thì khó tuyển, thậm chí không tuyển được.

“Doanh nghiệp tuyển không được những vị trí việc làm đòi hỏi chuyên môn cao. Vấn đề kỹ thuật và ngoại ngữ là hai rào cản khiến nhiều lao động chưa đáp ứng được yêu cầu nhà tuyển dụng”- ông Tri nói.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn