MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bộ LĐTBXH dự kiến khảo sát 2.000 doanh nghiệp để có cơ sở đánh giá việc điều chỉnh lương tối thiểu vùng 2023. Ảnh: TT

Khảo sát 2.000 doanh nghiệp làm cơ sở điều chỉnh lương tối thiểu vùng

ANH THƯ LDO | 24/01/2022 10:13

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) cho biết, từ ngày 1.4 tới đây sẽ tiến hành điều tra về lao động, tiền lương và mức sống tối thiểu của người lao động trong các loại hình doanh nghiệp (DN) năm 2022. Điều này nhằm cung cấp cơ sở cho việc điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng năm 2023 và hoạch định chính sách về lao động, tiền lương trong các loại hình DN.

Khảo sát DN đại diện 8 vùng kinh tế

Các DN thuộc diện khảo sát phải được thành lập và có hoạt động sản xuất, kinh doanh trước ngày 1.1.2021 và đến thời điểm này vẫn đang hoạt động. Ngoài tình hình sản xuất, kinh doanh của DN như: Chi phí, quỹ tiền lương, chi phí bảo hiểm xã hội, lợi nhuận trước thuế và các khoản phải nộp, nội dung khảo sát còn bao gồm việc thực hiện một số nội dung của Bộ luật Lao động về hợp đồng lao động, thỏa ước lao động; tuyển dụng và đào tạo lại.

Bên cạnh đó, Bộ LĐTBXH cũng khảo sát về tình hình lao động, tiền lương của DN bao gồm: Số lượng và cơ cấu lao động, tiền lương tối thiểu, thang bảng lương, quy chế trả lương, các mức tiền lương trong DN, tiền thưởng và các khoản thu nhập khác có tính chất lương, tình hình đóng - hưởng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp…

Đặt biệt, khảo sát phương thức thực hiện điều chỉnh tiền lương của DN khi Nhà nước điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng năm 2022 và ý kiến của DN về mức điều chỉnh tiền lương tối thiểu vùng dự kiến năm 2023.

Theo kế hoạch, việc khảo sát sẽ được tiến hành tại 2.000 DN ở 18 tỉnh, thành phố đại diện cho 8 vùng kinh tế của cả nước có số lượng DN lớn, thị trường lao động phát triển. Cụ thể gồm: vùng Đồng bằng sông Hồng (TP.Hà Nội, TP.Hải Phòng, tỉnh Hải Dương, tỉnh Bắc Ninh và tỉnh Vĩnh Phúc); vùng Đông Bắc (Quảng Ninh); vùng Tây Bắc (Hòa Bình); Bắc Trung Bộ (Thanh Hóa, Nghệ An); Duyên hải Nam Trung Bộ (TP.Đà Nẵng, Khánh Hòa); Tây Nguyên (Đắk Lắk); Đông Nam Bộ (TPHCM, Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu) và Đồng bằng sông Cửu Long (Long An, TP.Cần Thơ). Trong đó, 3 địa phương có số DN được khảo sát nhiều nhất là: TP.Hà Nội, TPHCM và TP.Đà Nẵng với mức 150 doanh nghiệp/thành phố.

Các DN được điều tra thuộc cả 4 nhóm loại hình gồm: Công ty TNHH Một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ; công ty cổ phần có cổ phần, vốn góp chi phối của Nhà nước; DN có vốn đầu tư nước ngoài và DN dân doanh. Đồng thời, DN phải thuộc 3 nhóm sản xuất kinh doanh, nông - lâm - ngư nghiệp, công nghiệp - thương mại - dịch vụ. 

Dự kiến tăng lương tối thiểu vào năm 2023

Trao đổi về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Lan Hương - nguyên Viện trưởng Viện Khoa học xã hội - Bộ LĐTBXH - cho hay, có thể thấy, năm 2022 là năm chuyển tiếp, các dự báo kinh tế sẽ “bước ra” khỏi khủng hoảng. Năm nay, nước ta ưu tiên hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi, tạo việc làm bền vững cho người lao động. Sau khi kinh tế phục hồi, người lao động có công ăn việc làm, tiền lương trở lại thì sẽ tính toán việc tăng lương tối thiểu vùng.

Theo bà Hương, xét về lý thuyết, mức lương tối thiểu được điều chỉnh dựa trên mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ, chỉ số giá tiêu dùng, tốc độ tăng trưởng kinh tế, khả năng chi trả của doanh nghiệp. Song những chỉ số tăng trưởng kinh tế, chỉ số giá tiêu dùng cũng khó để đủ căn cứ tăng lương tối thiểu vùng năm 2022.

“Chúng tôi thường nói điều đầu tiên phải ăn đã, sau đó ăn no và ăn ngon mới tính sau. Vì vậy, năm nay là năm ưu tiên phục hồi kinh tế - xã hội. Và năm 2023 cũng là một năm được dự kiến có thể điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng” - bà Hương nói.

Cũng trao đổi về vấn đề điều chỉnh lương tối thiểu vùng, ông Phạm Minh Huân - nguyên Thứ trưởng Bộ LĐTBXH - cho biết, việc tăng lương tối thiểu vùng còn tuỳ thuộc vào tình hình kiểm soát dịch COVID-19, sự tăng trưởng của nền kinh tế. Hiện nay, Chính phủ đang nỗ lực đưa ra nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, phục hồi nền kinh tế bằng những chính sách tài khoá, tín dụng...

“Thời điểm này nên tập trung phục hồi sản xuất để kéo lao động bị mất việc quay trở lại thị trường lao động để có việc làm, thu nhập" - ông Huân nói.

Nguyên Thứ trưởng Bộ LĐTBXH cho hay, quý IV tình hình sản xuất “sáng hơn” không có nghĩa đã hồi phục ngay. Trong bối cảnh chung thì việc tăng lương tối thiểu vùng phải cân nhắc. Theo đánh giá cá nhân, chuyên gia này dự kiến trong phiên họp của Hội đồng Tiền lương Quốc gia năm 2022 sẽ họp sẽ tính tăng lương cho năm 2023.

Trong năm 2020, 2021 do ảnh hưởng của COVID-19 nên lương tối thiểu vùng đã "lỡ hẹn" và được thực hiện theo mức lương:

Mức 4.420.000 đồng/tháng: Doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng I.

Mức 3.920.000 đồng/tháng: Doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng II.

Mức 3.430.000 đồng/tháng: Doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng III.

Mức 3.070.000 đồng/tháng: Doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng IV.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn