MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Một dự án nhà ở xã hội trên địa bàn TP. Hà Nội. Ảnh: T.A

Khát nguồn cung nhà ở bình dân

Phan Anh LDO | 29/10/2022 07:00
Nhà ở dưới 2 tỉ đồng/căn (dưới 30 triệu đồng/m2) đang dần biến mất khỏi thị trường. Sự sụt giảm nguồn cung khiến giá nhà tăng vọt, khả năng tiếp cận nhà ở của nhiều người lao động trở nên xa vời.

Mỏi mắt tìm nhà dưới 2 tỉ đồng

Tích cóp được 1,5 tỉ đồng, vợ chồng anh Đức Phú và chị Ngọc Giang (Nam Định) dự định vay mượn thêm để mua nhà ở Hà Nội. Tìm đến khu vực ngoại thành như Nam Từ Liêm, Hoài Đức... vợ chồng anh Phú càng bất ngờ khi giá nhà vùng ven đều vượt ngưỡng 35 triệu đồng/m2 và không có nhiều lựa chọn.

“Hai năm trước tôi và bạn dự định mua căn hộ ở Tây Mỗ (Nam Từ Liêm - Hà Nội - PV), nhưng vì kinh tế eo hẹp nên tôi không mua. Bạn tôi mua căn 2 phòng ngủ với giá 1,8 tỉ đồng. Đến nay tích cóp thêm được chút thì căn hộ như vậy đã được “hét giá” 2,2 tỉ đồng. Mức này vượt quá xa ngân sách nên vợ chồng tôi vẫn đang đi tìm căn hộ phù hợp hơn”, anh Phú nói.

Vợ chồng anh Phú chỉ là một trong số rất nhiều người sinh sống và làm việc tại Hà Nội, khi sở hữu mức thu nhập trung bình nhưng cần có nhà ở diện tích đủ để cả nhà sinh sống.

Anh Lê Thanh Tùng (Đông Anh - Hà Nội) chia sẻ, nhận thấy giá nhà tại dự án nhà ở xã hội FLC Garden City Đại Mỗ (Nam Từ Liêm, Hà Nội) hợp túi tiền, anh đã vay mượn để sở hữu căn hộ tại đây. Tuy nhiên đến nay anh rất lo lắng vì chủ đầu tư quá hạn vẫn chưa bàn giao nhà, khiến gia đình anh phải đi ở trọ:

“Cư dân chúng tôi rất bức xúc vì lãi ngân hàng ngày càng tăng, giá cả leo thang, áp lực lên gia đình nhỏ của chúng tôi ngày càng lớn. Hiện chúng tôi vừa phải đi làm, vừa trả lãi ngân hàng lại vẫn trả tiền thuê nhà”, anh Tùng nói.

Giải pháp hạ nhiệt giá nhà ở

Theo ông Trần Khánh Quang, Tổng Giám đốc Công ty Việt An Hòa, trong bối cảnh hiện tại, cần có các giải pháp để thị trường bất động sản chuyển mình mạnh mẽ sang phân khúc bình dân. Hiện nay, nguồn cung trên thị trường chủ yếu là những sản phẩm không hướng đến đáp ứng nhu cầu thật và mang tính dư thừa, lãng phí, xây rồi để đó. Điều này càng cho thấy, nguồn cung hiện hữu trên thị trường đang không đến được với người có nhu cầu. 

“Ngân hàng nên có mức lãi suất cho vay tốt đối những người mua bất động sản có nhu cầu thực. Chỉ cần tháo gỡ vấn đề trên, thời gian tới thị trường sẽ trở lại theo hướng ổn định. Nếu không giải quyết thì chênh lệch cung - cầu sẽ kéo dài tới quý II năm sau”, ông Quang nhận định.

Ông Quang cho rằng, các nhà phát triển bất động sản hiện nay nên cân đối, tính toán nhu cầu để đưa bất động sản có giá trị thực ra thị trường nhiều hơn là đưa bất động sản có giá trị cao, mang tính thụ hưởng.

Còn theo GS.TSKH Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, các yếu tố pháp lý và chậm phê duyệt dự án đã chặn đứng nguồn cung trên thị trường.

“Nguồn cung hiện hữu chủ yếu cho đầu cơ, điều này dẫn đến tình trạng nguồn cung cho cầu ảo. Nhu cầu của đại đa số nhân dân thì gần như không được đáp ứng” - ông Đặng Hùng Võ chia sẻ.

Liên quan đến vấn đề phát triển nhà ở xã hội, nhà giá rẻ đang ách tắc nhiều năm qua, GS.TSKH Đặng Hùng Võ cho rằng, nguyên nhân phân khúc nhà ở giá rẻ khan hiếm là do các địa phương chưa bố trí nguồn lực đất đai để phát triển. Mặt khác, các nhà đầu tư cũng thiếu năng động trong phát triển phân khúc này.

Theo Bộ Xây dựng, từ đầu năm 2022 đến nay, số lượng căn hộ nhà ở mới được đưa ra thị trường chỉ bằng khoảng 40% so với cùng thời điểm trước khi xảy ra đại dịch COVID-19.

Cả quý III/2022, không có dự án nhà ở thương mại nào được cấp phép mới. Trong số trên 3.600 sản phẩm mở bán trong quý III/2022, căn hộ giá khoảng 2 tỉ đồng chỉ chiếm 12%. Căn hộ giá trên 4 tỉ đồng chiếm tới 85%. Tỉ lệ hấp thụ phân khúc bình dân luôn ở mức cao, trên 85%.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn