MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Dãy hàng bán thịt tại chợ tự phát thôn Hậu Dưỡng (xã Kim Chung, huyện Đông Anh, Hà Nội). Ảnh: Hạnh Hân

Khi công nhân đi chợ tự phát

Bảo Hân - Lương Hạnh LDO | 29/11/2022 08:00
Để phục vụ cho nhu cầu của công nhân lao động thuê trọ, nhiều chợ tự phát đã mọc lên. Tuy nhiên, công nhân không thể biết thực phẩm tại chợ có đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Nhiều công nhân đành mua đồ về dùng, vì với thu nhập thấp, họ không có nhiều sự lựa chọn.

Không biết nguồn gốc thực phẩm  

Theo khảo sát của phóng viên Báo Lao Động tại các thôn như Nhuế, Hậu Dưỡng, Bầu (xã Kim Chung), thôn Mai Châu (xã Đại Mạch) của huyện Đông Anh đều có chợ tự phát mọc lên để phục vụ người dân địa phương, đặc biệt là đông đảo công nhân lao động thuê trọ tại những khu vực này. Tại thôn Hậu Dưỡng (xã Kim Chung), đoạn đường nơi có chợ cóc đang được làm lại, rất nhiều bụi. Tuy nhiên, các cửa hàng bán thịt lợn đều để trên mặt bàn, không được che đậy. Mặt hàng rau xanh với nhiều loại nhìn khá hấp dẫn, nhưng không ai có thể chắc chắn được liệu rau có sạch, còn dư tồn hàm lượng thuốc bảo vệ thực vật hay không.  

Như nhiều công nhân khác đang thuê trọ tại thôn Mai Châu, xã Đại Mạch, chị Nguyễn Thị Thu chọn chợ lề đường tại thôn là nơi cung cấp thực phẩm chính cho cả gia đình mình. “Vợ chồng tôi đều làm công nhân, thu nhập thấp, không có điều kiện để thường xuyên vào mua đồ trong siêu thị. Mua thực phẩm ở lề đường vừa tiện lại vừa rẻ” - chị Thu nói.  

Chị Thu thừa nhận, nếu như ở siêu thị, thực phẩm còn được cho biết nguồn gốc, xuất xứ, thì tại các chợ cóc này, chị không thể nào biết được nguồn gốc, xuất xứ, chất lượng của các loại thịt, rau. Chị chỉ có thể dùng mắt thường để hy vọng chọn được đồ tươi ngon, không có chất độc hại. “Tôi rất muốn biết về hạn sử dụng, nguồn gốc của từng thứ sẽ “đi vào dạ dày” của cả nhà nhưng hỏi thì người bán cũng không nói, hoặc chỉ nói chung chung là yên tâm, đồ đảm bảo. Thôi thì người ta bán thì mình mua, “khuất mắt trông coi” thôi” - chị Thu chia sẻ.  

Mong muốn ATVSTP được kiểm soát   

Cũng giống như chị Thu, chị Vân (thuê trọ tại thôn Đại Mạch, xã Mai Châu) cũng thường xuyên mua thực phẩm tại chợ cóc của thôn. “Tôi rất muốn lấy đồ ở quê lên ăn để đảm bảo an toàn và tiết kiệm, nhưng mỗi lần lấy đồ rất vất vả, không tiện đường. Tôi trồng một số loại rau nhưng cũng chỉ phục vụ một phần nhu cầu của gia đình” - chị Vân nói.  

Để chọn được thực phẩm ngon, tươi, chị Vân thường đi chợ vào buổi sáng sớm và chỉ mua thực phẩm (thịt lợn, rau) ở các cửa hàng quen.  

Tuy vậy, dù chọn lựa kỹ càng, chị Vân thừa nhận không thể biết chắc chắn được chất lượng của các loại thịt bày bán, như liệu thịt lợn có chất tăng trọng hay những chất độc hại khác được sử dụng trong quá trình chăn nuôi hay không; hoặc thịt có bị nhiễm khuẩn trong quá trình giết mổ hay không.  

“Công nhân như chúng tôi không thể biết được nguồn gốc xuất xứ của thực phẩm mua về ăn, ví dụ, thịt mua ở trang trại nào hay ở đâu cũng không thể nắm được. Những điều này cần có cơ chế kiểm soát của cơ quan quản lý, trong khi đó, người tiêu dùng như công nhân chúng tôi chỉ có mắt thường. Nhiều khi nhìn thực phẩm ngon nhưng chưa chắc đã sạch, lành, thậm chí ngược lại, còn độc hại vì dùng hoá chất” - chị Vân than thở.  

Để hạn chế phần nào thực phẩm bẩn, hằng ngày, khi mua rau về, sau khi rửa, chị Vân đều ngâm nước muối rồi mới chế biến. “Tôi chỉ biết cầu trời là mình không ăn phải thực phẩm có hoá chất độc hại, bởi nếu về lâu dài, rất dễ sinh bệnh tật, mà với công nhân có thu nhập thấp như chúng tôi, bị bệnh nặng đồng nghĩa với thảm kịch. Tôi cũng mong chất lượng thực phẩm được kiểm soát tốt hơn để mỗi miếng ăn đến với mỗi người dân đều được đảm bảo an toàn, sạch sẽ” - chị Vân bày tỏ.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn