MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Người dân nhận lương hưu tại nhà. Ảnh Lao Động

Khi lao động nghỉ hưu không thể an hưởng tuổi già

Tường Minh LDO | 17/04/2022 06:30

Đà Nẵng - Phần lớn lao động nghỉ hưu, họ không thể nào “an hưởng tuổi già” như mong muốn vì mức lương trung bình từ 5-7 triệu đồng như hiện nay gần như không thể đáp ứng các nhu cầu tối thiểu của cuộc sống.

Không sống nổi bằng lương hưu

Ông Lê Văn Thương, 68 tuổi, đang sinh sống tại thành phố Đà Nẵng nguyên là trưởng phòng của một công ty nước ngoài đóng trên địa bàn thành phố. Ông Thương nghỉ hưu cách đây 8 năm với mức lương hưu 5 triệu đồng/tháng.

Đây là một mức lương khá thấp so với bình quân bởi khác với lao động trong nước được tính lương hưu bình quân 5 năm cuối, lao động ở các doanh nghiệp nước ngoài tính lương bình quân kể từ ngày đầu tiên đi làm cho đến khi nghỉ hưu.

“Hiện tôi chỉ sống một mình. Trước đây 5 triệu sống đã khó khăn, gần đây càng khó khăn hơn bởi lương không thay đổi nhưng vật giá leo thang”, ông Thương nói.

Ông Thương nhẩm tính: Mỗi tháng trung bình tiền điện, nước, điện thoại... mất hai triệu dù đã dè xẻn; thêm một triệu nữa dành cho việc ma chay cưới hỏi là ba. Hai triệu còn lại dành cho việc ăn uống, cà phê và tất tần tật những nhu cầu khác trong 30 ngày, gồm cả xăng xe và quần áo.

Ông Thương khẳng định: “Tính sơ để thấy rằng, nếu không có tích luỹ hay nguồn hỗ trợ khác từ con cháu, chắc chắn tôi không sống nổi bằng lương hưu của mình”.

Bà Bùi Thị Hiền cùng chồng làm giáo viên, nghỉ hưu đã được 10 năm và hiện đang sống chung với vợ chồng con gái ở Đà Nẵng.

Bà bảo tình cảnh của vợ chồng mình là “hưu khỉ” như ví von của những người già trên mạng xã hội, kiểu nghỉ hưu rồi thì làm trò như những con khỉ cho cháu vui. Dù hai vợ chồng lương có cao hơn ông Nguyễn Văn Thương chút đỉnh (mỗi người 7 triệu đồng/ tháng), nhưng bà Hiền bảo “vẫn vô cùng chật vật, từng đi du lịch nhưng không dám ngủ khách sạn”.

Cũng may là vợ chồng bà còn có việc “làm thêm” cho vợ chồng con gái: Bà phụ trách chuyện chợ búa cơm nước, chồng bà chuyên lo đưa đón 3 đứa cháu ngoại đi học hàng ngày nên hàng tháng cũng có thêm được đồng vô đồng ra.

Không dễ kiếm được việc làm thêm

Giải pháp cho những lao động nghỉ hưu khó khăn do lương hưu thấp, trong khi không có nguồn tích luỹ hoặc hỗ trợ từ con cháu chính làm tìm việc làm thêm.

Tuy nhiên thực tế ở Đà Nẵng cũng như hầu hết các tỉnh Miền Trung, thị trường, hệ sinh thái việc làm cho đối tượng này hiện rất ít nên đôi khi nhóm lao động này có không nuốn “an hưởng tuổi già” cũng lực bất tòng tâm.

Theo ông Nguyễn Văn An, Phó Giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội thành phố Đà Nẵng, ở Miền Trung, do đặc thù của các nền kinh tế, hiện những người được ký hợp đồng làm việc sau khi nghỉ hưu không nhiều và chỉ tập trung ở một số ngành nghề đặc thù.

Ngay như thành phố Đà Nẵng là trung tâm kinh tế sôi động của Miền Trung, nhưng đến thời điểm này cũng chỉ có khoảng trên dưới 2.000 lao động “không tuổi” được ký hợp đồng làm việc - theo số liệu từ Bảo hiểm xã hội. Số lao động này, phần lớn là lao động chất lượng cao, tập trung ở các ngành nghề liên quan đến bộ kỹ thuật cao, giảng viên đại học, y tế... còn lại là lao động phổ thông hoặc tay nghề thấp, chủ yếu được tuyển làm nhân viên bảo vệ.

Mặc dù đến thời điểm này, Sở Lao động Thương binh và Xã hội thành phố Đà Nẵng chưa có điều tra cụ thể từng ngành để biết nhu cầu cũng như nguồn lao động thực tế có thể cung ứng đến đâu. Tuy nhiên xét trên tổng thể, ông Nguyễn Văn An khẳng định con số trên dưới 2.000 lao động nghỉ hưu được ký hợp đồng làm việc ở Đà Nẵng thời điểm này là quá ít so với nguồn như lực hiện có.

Thực tế, lương hưu thấp trong khi giá cả leo thang liên tục bởi nhiều yếu tố, cộng với tiền trượt giá... là một trong những yếu tố khiến phần lớn người lao động chưa nghỉ hưu thời điểm này quyết định rút bảo hiểm xã hội một lần để giải quyết các nhu cầu trước mắt với tâm lý mai sau tới đâu thì tới.

Tuy vậy, theo phân tích của một lãnh đạo Bảo hiểm xã hội thành phố Đà Nẵng thì rút bảo hiểm xã hội một lần cũng không phải là cách hay với các lý do sau:

Khi nhận bảo hiểm xã hội một lần, số tiền người lao động mất đi là 1,14 và 0,64 tháng lương bình quân đóng bảo hiểm xã hội.

Đồng thời người lao động cũng bị mất khoảng thời gian đã đóng bảo hiểm xã hội tính đến thời điểm nhận, mất cơ hội được hưởng lương hưu, mất nguồn tài chính hỗ trợ và ổn định cuộc sống lâu dài khi bị suy giảm khả năng lao động, hết tuổi lao động.

Mặt khác, người lao động sẽ mất đi quyền lợi được cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí để hưởng các quyền lợi về khám chữa bệnh bảo hiểm y tế...

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn