MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Khi nào nhìn gợi tình, nháy mắt bị coi là quấy rối tình dục nơi làm việc?

ANH THƯ-BẢO HÂN LDO | 01/06/2022 16:10
Từ trước đến nay, quấy rối tình dục tại nơi làm việc như một vùng cấm, ít đụng chạm đến. Tuy nhiên, nếu không có quy định cụ thể, sẽ không bao giờ nhận diện được các hành vi quấy rối tình dục trong môi trường này.

Căn cứ xác định hành vi quấy rối tình dục

Liên quan đến Dự thảo Bộ Quy tắc ứng xử về phòng, chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc, bà Hồ Thị Kim Ngân – Phó Trưởng Ban Quan hệ lao động (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) cho biết, việc xây dựng Bộ quy tắc này để định hướng cho doanh nghiệp, người lao động nhận biết như thế nào là quấy rối tình dục tại nơi làm việc.

Theo vị này, việc quấy rối tình dục còn tuỳ thuộc rất nhiều vào cảm nhận của người bị quấy rối. Có những hành vi một người thực hiện nhưng người tiếp nhận không coi đó là quấy rối, vì người đó cho là bình thường.

"Nhưng cũng một hành vi đấy, một người khác thấy có thể ảnh hưởng đến công việc của họ, làm cho họ cảm thấy không an toàn tại nơi làm việc.

Người này có thể nói với người gây ra hành vi đó là có thể ảnh hưởng đến tinh thần làm việc của họ. Nếu nói vài lần mà không người kia vẫn tiếp diễn thì có đủ căn cứ để khẳng định đó là hành vi quấy rối tình dục” – bà Ngân nói. 

Theo dự thảo, các hình thức quấy rối tình dục tại nơi làm việc gồm quấy rối mang tính thể chất, bằng lời nói, ngôn ngữ cơ thể.

Bà Hồ Thị Kim Ngân. Ảnh: Lục Tùng

Về quấy rối tình dục bằng ngôn ngữ cơ thể, những hành vi như nhìn gợi tình, nháy mắt liên tục, biểu hiện không đứng đắn, cử chỉ ngón tay mang tính gợi ý tình dục xảy ra tại nơi làm việc… là những hành vi quấy rối tình dục.

Trao đổi rõ hơn về thông tin này, bà Ngân cho rằng, đó là những hành vi mà thế giới đã công nhận, và cũng đã được đánh giá, phân tích, làm rõ rằng những hành vi đó có thể coi là quấy rối tình dục. 

Còn ông Nguyễn Văn Bình - Vụ trưởng Vụ pháp chế (Bộ LĐTBXH) cho hay, quấy rối tình dục tại nơi làm việc là hành vi có tính chất tình dục của bất kỳ người nào với người khác tại nơi làm việc mà không được người đó mong muốn hoặc chấp nhận.

Chính vì vậy, theo vị này, hành vi nhìn gợi tình, nháy mắt liên tục khiến đồng nghiệp không đồng thuận (không thoải mái) thì mới được xem là hành vi quấy rối tình dục nơi công sở.

Không còn là "vùng cấm"

“Nhiều ý kiến cho rằng, quy định đặt ra cho vui, cho hay, còn thực hiện thì rất khó. Nhưng nhận thức là cả một quá trình, nên việc xây dựng bộ quy tắc để hướng dần tới đảm bảo an toàn không những về mặt thể chất mà còn tinh thần, bảo vệ cho cả lao động nam và nữ” – bà Ngân bình luận. 

Theo bà Ngân, trên cơ sở bộ quy tắc này, luật yêu cầu các doanh nghiệp phải tìm hiểu, cùng với công đoàn, người lao động trao đổi để quy định cụ thể những hành vi quấy rối.

“Càng quy định cụ thể trong nội quy của các doanh nghiệp thì càng có cơ sở để nhận diện các hành vi, xử lý các vi phạm về quấy rối tình dục” – bà Ngân cho hay và nói thêm, nếu một doanh nghiệp phối hợp công đoàn xây dựng, đưa vào nội quy của công ty về các hành vi quấy rối tình dục thì lúc đó trở thành quy phạm có tính chất văn bản pháp luật để xử lý.

Theo Phó Trưởng Ban Quan hệ lao động, từ trước đến nay, quấy rối tình dục tại nơi làm việc như một vùng cấm, không đụng chạm đến. Tuy nhiên, nếu cứ lúc nào coi nó là cấm, khó xác định, không có quy định cụ thể thì sẽ không bao giờ nhận diện được các hành vi quấy rối tình dục tại nơi làm việc. 

Khi không có những quy định, những người bị tác động không biết phản ánh việc đấy với ai, vì pháp luật quy định họ phải chứng minh.

“Vì vậy, khi được quy định rõ ở công ty, người lao động và công đoàn được tập huấn về các hành vi như vậy, có thể khi nhận diện được các hành vi quấy rối tình dục tại nơi làm việc (có thể của khách hàng chứ không chỉ của đồng nghiệp), vấn đề này sẽ được phản ánh.

Khi nhận thức của mọi người nâng cao, mọi người đều nhận diện hành vi nào là quấy rối tình dục thì người bị quấy rối sẽ không bị cô độc nữa" - bà Ngân nói.

Đây là bộ quy tắc do 3 bên soạn thảo, được sự tham vấn của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO). Bộ Quy tắc được xây dựng dựa trên các nguyên tắc, quy chuẩn pháp luật của quốc tế cũng như các khuyến nghị của ILO về môi trường tại nơi làm việc.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn