MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Đây là lần nhập vai đặc biệt của phóng viên.

Khi phóng viên làm công nhân thực thụ

NHÓM PHÓNG VIÊN LDO | 20/06/2022 16:05

Là phóng viên của tờ báo giữ vị trí số 1 bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động, chúng tôi luôn đi sâu sát vào cuộc sống của công nhân, lao động để có chất liệu chân thực nhất đưa vào mỗi bài viết. Phản ánh đời sống thông qua cuộc phỏng vấn ngắn ngủi chắc chắn sẽ không thể thấu hiểu hết những cơ cực mà họ phải trải qua. Vì vậy, chúng tôi quyết định nhập vai làm công nhân để có những trải nghiệm, cảm nhận chân thực nhất. Sau nhiều tháng lăn lộn trong nhà máy, loạt 5 kì “Chuyện chưa kể đằng sau cánh cổng nhà máy” ra đời.

Lần nhập vai đặc biệt

Trong quãng thời gian làm báo của mình, tôi từng hoá thân, nhập vai vào nhiều công việc, ngành nghề khác nhau để thu thập thông tin như người có nhu cầu mua máu, giấy khám sức khoẻ, khám bệnh “thần tốc” tại bệnh viện... Có thể nói, làm công nhân là lần nhập vai đặc biệt với tôi. Điều đầu tiên, tôi phải dứt công việc “phu chữ” của mình để toàn tâm, toàn ý làm trong nhà máy như một công nhân thực thụ. Bên cạnh đó, để thu thập được thông tin hấp dẫn, chân thực nhất, quá trình nhập vai này diễn ra trong một thời gian dài.

Ngay từ những ngày đầu tiên tìm kiếm thông tin tuyển dụng, tôi đã thấy rối bời. Trong “rừng” doanh nghiệp đang có nhu cầu tìm người với đủ yêu cầu bằng cấp, sức khoẻ như không bị cận, phải đứng sản xuất, phải đeo ủng bảo hộ, ngâm chân dưới nước trong nhiều tiếng đồng hồ… Quả thật, đó là công việc tôi chưa bao giờ tôi nghĩ mình sẽ bắt tay vào làm thật.

Sau nhiều ngày đi lại, tìm việc, cuối cùng, tôi cũng chọn được một công ty sản xuất linh kiện điện tử với mức lương cơ bản 4.980.000 đồng/tháng. Tôi được nhân viên tuyển dụng hứa hẹn nếu chịu khó “cày”, thu nhập có thể lên đến 10 triệu đồng/tháng. Một công việc yêu cầu đứng liên tục 8-12 tiếng và phải mặc quần áo bảo hộ kín mít trong môi trường vô trùng.

Nghe có vẻ rất “bùi tai”, nhưng khi bắt tay vào làm việc trong nhà máy, tôi mới thấu được những cơ cực, vất vả của những người công nhân. Sự khắc nghiệt khi làm cho doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thể hiện qua giờ giấc phải chính xác tuyệt đối. Đến thời gian uống nước, đi vệ sinh cũng bị trừ khỏi số giờ làm việc thực tế được trả lương.

2.Công nhân làm việc trong phòng sạch luôn phải mặc đồ bảo hộ kín mít.
Cùng với đó, công việc dán linh kiện điện tử lặp đi lặp lại, thao tác được tính bằng giây khiến tôi phải luôn tay, luôn chân, làm việc như cái máy. Vì chưa thạo việc, tôi liên tục bị trưởng ca nhắc nhở thậm chí còn nặng lời. Đã có lúc, tôi tưởng chừng mình không thể chịu đựng được với công việc này.

Dọc khắp hành lang nhà máy đều có biểu ngữ, khẩu hiệu động viên tinh thần công nhân; những quy định, hướng dẫn nghiêm ngặt đảm bảo an toàn vệ sinh lao động. Dòng chữ “you can do it - we can do it” ngay cổng vào phân xưởng được trưng bày to, rõ nét. Trong đầu tôi chỉ quanh quẩn một suy nghĩ duy nhất: “Công nhân khác họ làm được thì mình cũng phải làm được”.

Ở trong nhà máy, chúng tôi không nhìn thấy mặt nhau. Ngay cả khi ăn cơm, mỗi người đều ngồi riêng một bàn có vách ngăn để phòng chống dịch COVID-19. Thời gian duy nhất tôi tiếp cận được với công nhân là tranh thủ những lúc di chuyển từ phân xưởng lên nhà ăn. Tôi chịu khó hỏi han, lắng nghe câu chuyện của họ, của gia đình họ.

Như vậy, tôi đã gặp gỡ và khai thác được rất nhiều câu chuyện, tâm tư của công nhân về điều kiện làm việc, gia cảnh... Mỗi người một hoàn cảnh khác nhau, nhưng tựu chung lại đều khó khăn, muốn kiếm tiền trang trải cuộc sống. Có công nhân là mẹ đơn thân, gắng “cày cuốc” để có tiền sinh nở, có người tốt nghiệp đại học loại giỏi, nhưng cũng cất tấm bằng đi để kiếm sống, có những chị là công nhân “cứng”, đi khắp dải đất nước xin việc... Nếu chỉ là cuộc phỏng vấn đơn thuần, sẽ khó để họ bộc bạch được hết những điều gan ruột.

Trải qua những ngày tháng căng mình làm việc như cái máy, đứng nhiều đến sưng chân, nghỉ giữa ca vội vã ăn suất cơm nguội ngắt, tôi mới thấu hiểu được những công nhân làm việc lâu năm có sức chịu đựng, sự kiên nhẫn, bền bỉ đến mức nào.

Bài học để đời

Nhớ lại sau buổi phỏng vấn tại công ty, tôi quay lại khu vực thôn Bầu (xã Kim Chung, Đông Anh, Hà Nội”- “đại bản doanh” của biết bao công nhân tỉnh lẻ lên Hà Nội thuê trọ. Trước đây, tôi tìm đến phòng trọ nhỏ hẹp để phỏng vấn công nhân. Như nay, vai trò của tôi lại hoá thân thành một người lao động đi tìm nhà trọ.

Hầu hết các dãy nhà đều chật kín người. Nhiều chủ trọ cho biết cứ “hở ra phòng nào là hết phòng đó”. Mất cả buổi đi tìm, cuối cùng tôi cũng thuê được phòng trọ khép kín nhưng tường vôi, cũ kĩ, ẩm thấp với giá 800.000 đồng/tháng, điện, nước tính giá riêng. Ấy vậy mà những người “hàng xóm” của tôi nói rằng đây là phòng “vip” trong dãy, còn hơn chục phòng khác nhỏ hơn và chung nhau 2 nhà vệ sinh, một nhà tắm.

Căn phòng “vip” đã lâu không có người ở, lạnh lẽo đến gai người. Nỗi nhớ gia đình, bạn bè ập đến trong tôi kèm nỗi tủi thân khi đơn độc và phải nghe những lời mắng nhiếc từ quản lý. Tôi chìm vào giấc ngủ với ngập tràn sự mệt mỏi và lo lắng. Dần dần, tôi cũng làm quen được những công nhân ở trọ xung quanh mình. Trò chuyện, giao tiếp, mới thấy họ sống tằn tiện, chắt bóp, cân đong đo đếm rất nhiều để đồng lương đủ trang trải cuộc sống.

Ám ảnh phòng trọ.

Có những vợ chồng trẻ từ Nghệ An ra Hà Nội làm công nhân, gửi con cái ở quê ông bà trông nom, có những công nhân u mụn đầy người nhưng còn phải trăm thứ lo khác nên chưa thể đi chữa bệnh... Đời sống tinh thần của họ vô cùng nghèo nàn. Chỉ có chiếc điện thoại để theo dõi thông tin, gọi điện về nhà, toàn bộ thời gian còn lại họ vùi vào giấc ngủ để lấy sức làm ca ngày, ca đêm. Những ngày cuối tuần đi cà phê, lên phố đi bộ... là hoạt động chưa bao giờ họ có.

“Người ta bảo đi làm công nhân sướng lắm. Lương cao hơn sinh viên tốt nghiệp đại học. Lương đều đặn 7 triệu đồng đến 8 triệud đồng/tháng. Nhưng đâu có ai biết, làm công nhân là làm gì đâu em” - Tôi vẫn nhớ mãi lời một công nhân mới đã nói.

Tất cả những điều trải qua trong công việc, sinh hoạt nơi phòng trọ tồi tàn được tôi khắc cốt, ghi tâm, đưa vào loạt bài viết của mình một cách sinh động nhất. Những chia sẻ thật thà của những công nhân mà tôi đã gặp gỡ cũng được tái hiện lại. Có nhập vai kỹ lưỡng như vậy, mỗi bài viết của tôi đều chất chứa hơi thở cuộc sống, sự sống động và sức lay động bạn đọc về đời sống công nhân, người lao động.

Đến tận bây giờ, đã hơn 1 tháng kể từ khi loạt bài “Chuyện chưa kể đằng sau cánh cổng nhà máy” được đăng tải trên Báo Lao Động, tôi vẫn không thể nào quên những trải nghiệm khi ấy, những công nhân đã gặp, những câu chuyện họ đã kể. Mỗi lần bắt gặp công nhân mặc đồng phục của công ty cũ, lòng tôi lại xôn xao một cách kỳ lạ - như chính tôi vừa mới đi làm công nhân ngày hôm qua. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn