MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Người lao động Công ty Cổ phần Dệt 19.5 Hà Nội chi nhánh Hà Nam đòi quyền lợi bảo hiểm xã hội. Ảnh: Hà Anh

Khó khăn khi công đoàn khởi kiện đòi nợ bảo hiểm xã hội

Quế Chi LDO | 04/08/2023 06:09

Theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội 2014 (có hiệu lực thi hành từ 1.1.2016), cơ quan Bảo hiểm xã hội (BHXH) không còn thẩm quyền khởi kiện đòi BHXH mà quyền này được chuyển cho công đoàn. Tuy nhiên, trong thực tế, như tại tỉnh Bắc Giang, việc thực hiện còn gặp rất nhiều khó khăn.

Điểm lại một số vụ việc công đoàn khởi kiện

Năm 2017, Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh Bắc Giang phối hợp với BHXH tỉnh thiết lập hồ sơ để khởi kiện 6 doanh nghiệp ra Tòa án nhân dân (TAND) cấp huyện. Tuy nhiên khi nộp hồ sơ khởi kiện Công ty TNHH Hồng Điều nợ BHXH đã bị TAND thành phố Bắc Giang trả lại đơn khởi kiện với lý do LĐLĐ tỉnh không có quyền đại diện cho cơ quan BHXH kiện đòi BHXH và việc kiện đòi BHXH cũng không thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa án.

Năm 2018, LĐLĐ tỉnh Bắc Giang đã chỉ đạo, hướng dẫn, hỗ trợ CĐCS Công ty Cổ phần Thương mại và Dịch vụ Trường Thành (Công ty Trường Thành) khởi kiện doanh nghiệp ra TAND huyện Lạng Giang yêu cầu công ty thanh toán các khoản nợ lương, BHXH.

Sau khi Cục Thi hành án dân sự tỉnh Bắc Giang tiến hành kê biên, đấu giá tài sản của Công ty Trường Thành, số tiền không đủ trả nợ ngân hàng. Do đó, không có tiền để thi hành án trả tiền nợ lương, thưởng, nghỉ phép năm, ăn ca của người lao động và tiền nợ cơ quan BHXH.

Năm 2019, LĐLĐ tỉnh đã hướng dẫn, hỗ trợ người lao động khởi kiện ra TAND tỉnh đối với 2 công ty. Tuy nhiên, những người đại diện theo pháp luật của cả hai công ty đã xuất cảnh khỏi Việt Nam, tài sản của công ty đã được thế chấp tại ngân hàng, nhà xưởng đi thuê, không còn tài sản có giá trị nên không đủ điều kiện để tiến hành hòa giải ngoài tòa án và đảm bảo để thi hành án.

Nhiều khó khăn, vướng mắc

Trao đổi với phóng viên ngày 3.8, ông Nguyễn Khắc Điều - Phó Trưởng ban Chính sách - Pháp luật (LĐLĐ tỉnh Bắc Giang) - cho biết, từ các vụ việc nêu trên cho thấy, trong thời gian qua LĐLĐ tỉnh đã tích cực hướng dẫn, hỗ trợ người lao động bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của của họ. Tuy nhiên, việc LĐLĐ tỉnh khởi kiện doanh nghiệp ra tòa án đối với hành vi nợ tiền BHXH, BHYT, BHTN gặp phải một số khó khăn.

Cụ thể, theo ông Điều, thẩm quyền khởi kiện ra Tòa án là của CĐCS tại doanh nghiệp. Trong khi đó, cán bộ CĐCS là người được chủ doanh nghiệp tuyển chọn, đang hưởng lương từ người sử dụng lao động, cho nên rất khó thuyết phục họ đứng tên đại diện cho CĐCS khởi kiện chủ doanh nghiệp khi có hành vi nợ tiền BHXH. Chỉ đến khi các doanh nghiệp gần như phá sản hoặc các ông chủ vắng mặt dài ngày tại doanh nghiệp, dừng sản xuất kinh doanh thì cán bộ CĐCS mới dám chấp nhận khởi kiện doanh nghiệp.

Ngoài ra, thủ tục để CĐCS khởi kiện doanh nghiệp phải được sự ủy quyền của từng người lao động, trong khi doanh nghiệp dừng sản xuất, người lao động đã đi tìm việc làm ở nhiều doanh nghiệp khác...

Không chỉ vậy, có trường hợp không có người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp (do đã xuất cảnh khỏi Việt Nam) để tiến hành hòa giải với CĐCS, đây là căn cứ để tòa án ra quyết định công nhận kết quả hòa giải thành ngoài tòa án và tiến hành thi hành án; điều kiện về tài sản của doanh nghiệp để đảm bảo thi hành án gần như không có bởi tài khoản gần như không có tiền; nhà xưởng của các doanh nghiệp chủ yếu là thuê; máy móc, tài sản đã thế chấp ngân hàng.

Ông Điều cho biết thêm, thời gian qua, để góp phần giảm thiểu tình trạng nợ BHXH, bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng của người lao động, LĐLĐ tỉnh đã đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật lao động, BHXH; tư vấn pháp luật cho người lao động, đối thoại về chính sách tiền lương, BHXH; thường xuyên nắm bắt tình hình của doanh nghiệp, người lao động. Bên cạnh đó, kịp thời cung cấp các chính sách BHXH trong các doanh nghiệp...

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn