MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bố mẹ đi làm, trẻ nhỏ trong khu trọ chơi với nhau. Ảnh: Đình Trọng

Khó khăn, nhiều công nhân chấp nhận xa con

Đình Trọng LDO | 23/04/2024 08:40

Tại Bình Dương, nhiều gia đình công nhân lao động vì điều kiện công việc và cuộc sống khó khăn nên phải gửi con nhỏ ở quê cho ông bà chăm sóc. Trong khi có gia đình đưa con theo thì phải để con ở nhà trọ hoặc gửi con ở cơ sở giữ trẻ không đảm bảo an toàn.

Công nhân phải gửi con về quê

Thành phố Thuận An là địa phương có nhiều khu công nghiệp ở Bình Dương, tập trung khoảng 180.000 công nhân lao động. Đa số người lao động ở Bến Cát là người dân đến từ các tỉnh miền Tây, miền Trung và Tây Nguyên.

Công nhân làm việc trong các nhà máy ở khu công nghiệp và thuê nhà trọ để ở. Do điều kiện kinh tế còn khó khăn, nhiều người không thể đưa theo con vào ở cùng.

Chị Võ Thị Thu Hằng (sinh năm 1990, quê Phú Yên) là một trong những người mẹ phải gửi 2 con ở quê cho bà ngoại chăm sóc để vào Bình Dương tìm việc làm. Dù xa quê đã 6 năm nhưng chị Hằng vẫn phải đi thuê trọ. Không gian chật hẹp, thu nhập thấp nên chị chưa có điều kiện để đưa các con vào ở cùng.

“Ba năm qua, công việc bấp bênh, hàng tháng tôi cố gắng làm chăm chỉ cũng chỉ có thu nhập khoảng 6-7 triệu đồng. Số tiền này em phải tằn tiện lắm để dư khoảng 3 triệu đồng gửi về quê cho bà ngoại lo 2 cháu ăn học. Nhiều lúc nhớ con, muốn đưa các cháu vào đây ở cùng nhưng phòng trọ chật chội. Chưa kể, các cháu vào đây chi phí rất cao, tôi thu nhập thấp, không thể lo nổi” - chị Hằng chia sẻ.

Theo chị Hằng, nếu các con vào Bình Dương thì mỗi tháng tiền ăn học cũng phải mất 5 triệu đồng. Số tiền này là quá lớn so với thu nhập của công nhân không được tăng ca. Nhưng để các con ở nhà chị cũng rất lo lắng.

“Con trai tôi đã học lớp 5, con gái thì lên lớp 8. Các cháu đang độ tuổi thay đổi tâm tính, nếu không được kèm cặp rất dễ theo bạn hư. Mẹ ở xa, tất cả trông chờ vào bà ngoại và dì dạy các cháu. Mỗi tối đi làm về chỉ biết gọi điện hối thúc các cháu học bài” - chị Hằng bày tỏ.

Để con ở nhà trọ hoặc gửi trẻ ở cơ sở thiếu điều kiện an toàn

Ở đối diện Khu công nghiệp Bình Đường, thành phố Dĩ An có nhiều khu trọ của công nhân lao động. Các phòng trọ ở đây được xây dựng cách đây khoảng 15 năm, không gian nhỏ hẹp. Dù là giờ hành chính nhưng vẫn có nhiều trẻ em ở phòng trọ. Những cháu lớn thì đi chơi trong khu trọ với bạn bè, cháu nhỏ thì gửi hàng xóm hoặc nhờ người quen trông.

Tại một phòng trọ chỉ khoảng 12m2 đang mở cửa sổ, cửa chính được chốt lại, chúng tôi bắt gặp 2 cháu bé đang học bài. Các cháu cho biết, cha đi làm ca mới về đang ngủ trên gác, còn mẹ thì đang làm việc trong công ty.

“Nhiều hôm cả mẹ và cha cùng đi làm, 2 chúng con ở nhà trọ với nhau. Con ở nhà vừa coi em vừa học bài” - bé gái khoảng 8 tuổi cho biết.

Trong khi đó, tại thị xã Bến Cát, nhiều gia đình công nhân lao động có con nhỏ phải gửi trẻ ở cơ sở tự phát không đảm bảo các điều kiện an toàn.

Anh Lê Văn Ngọc (36 tuổi, quê Nghệ An) phải gửi con gái 20 tháng tuổi ở nhóm trẻ gia đình, con gái lớn học lớp 6 rồi thì 1 buổi đến trường 1 buổi ở nhà.

“Các trường mầm non không nhận trẻ dưới 24 tháng tuổi nên tôi đành gửi con ở cơ sở giữ trẻ gia đình. Mỗi tháng tiền ăn, công giữ là 2,5 triệu đồng. Cơ sở không đầy đủ các thiết bị cũng như điều kiện an toàn, nhưng chúng tôi cũng phải chấp nhận. Trong khi đó, con gái lớn ở nhà chúng tôi cũng không yên tâm đâu. Cháu ở nhà 1 buổi thì nhờ hàng xóm trông, có khi cháu đi chơi với các bạn, chúng tôi cũng lo lắng” - anh Ngọc bày tỏ.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn