MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Người lao động ngành hàng không sẵn sàng chia sẻ với doanh nghiệp trong lúc khó khăn. Ảnh: PV

Khó khăn nhưng không để người lao động ngành hàng không mất việc làm

Đặng Tiến LDO | 23/03/2020 15:01
Theo thống kê sơ bộ của các hãng hàng không, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, thị trường vận tải hàng không bắt đầu giảm mạnh từ cuối tháng 1.2020. Thiệt hại ban đầu của việc dừng các đường bay do ảnh hưởng của dịch COVID-19 là khoảng hơn 30.000 tỉ đồng. Điều đó khiến các hãng hàng không phải cắt giảm tất cả chi phí, trong đó có cắt giảm tiền lương.

Không để người lao động mất việc làm

Theo Tổng Giám đốc Vietnam Airlines - ông Dương Trí Thành, để giảm thiểu tối đa thiệt hại vì máy bay nằm chờ, hãng đã tìm được nguồn đối tác Châu Âu để cho thuê máy bay từ tháng 1.2020. Hai bên đã đàm phán, làm gần xong hợp đồng cho thuê 10 chiếc máy bay. Nhưng sau đó, phía đối tác đã hủy thuê máy bay với lý do Châu Âu cũng đang bị dịch bệnh nên khách đi lại giảm.

Ông Thành nói rằng, mục tiêu của Vietnam Airlines bây giờ không còn nói chuyện tới lợi nhuận mà là dòng tiền để tồn tại được trong bối cảnh hiện nay. Việc cắt giảm khai thác làm giảm doanh thu, giảm lợi nhuận đối với hoạt động vận tải của hãng và 17 doanh nghiệp thành viên, đồng thời gây ra những biến động lớn khác như về khai thác tàu bay, phi công, tiếp viên, tài chính, dòng tiền cũng như các hoạt động với các bên cung ứng.

Mới đây, tại cuộc họp đánh giá thiệt hại của ngành vận tải do dịch COVID-19 của Bộ Giao thông Vận tải, đại diện Vietnam Airlines cho biết, thay vì dự kiến thiệt hại 10.000 tỉ đồng như trước đây của Cục Hàng không Việt Nam, các hãng hàng không trong nước sẽ thiệt hại, giảm doanh thu khoảng 30.000 tỉ đồng.

Ông Tạ Thiên Long - Chủ tịch Công đoàn (CĐ) Tổng Công ty Hàng không Việt Nam - cho hay, đây là thời điểm khó khăn nhất của ngành hàng không. Nhưng tổng công ty không cắt giảm bất kỳ một lao động nào và tập trung sắp xếp lại nhân sự, bố trí làm việc luân phiên quay vòng và sẽ hưởng khoảng 50% mức lương. Do đó, doanh nghiệp cần sự chia sẻ của người lao động (NLĐ). Hiện do phải tiết giảm chi phí, CĐ khuyến khích NLĐ tự học tập nâng cao trình độ. Đồng thời, CĐ tăng cường phối hợp với chuyên môn trong việc dự báo toàn bộ tình hình sản xuất kinh doanh, đặc biệt là đối với nhân lực và tiền lương của NLĐ.

Các nhân sự cấp cao (từ phó trưởng phòng) làm việc như bình thường trực tiếp và trực tuyến nhưng chỉ được hưởng mức lương từ 40%-70% tuỳ thuộc vào từng vị trí chức danh được phân công. “Lãnh đạo cấp cao trong hội đồng quản trị, lãnh đạo tổng công ty sẽ giảm lương 40%, cấp dưới hơn là 30%, dưới nữa là 20%. Nhân viên chưa áp dụng giảm lương nhưng sẽ nghỉ luân phiên để tiến tới giảm lương” - ông Long cho hay.

Người lao động cùng chia sẻ khó khăn 

Ông Tạ Thiên Long cho biết, từ ngày 24.3, Vietnam Airlines dừng toàn bộ tuyến bay quốc tế và nội địa sẽ chỉ hoạt động khoảng 30%-40%. Như vậy, Vietnam Airlines chỉ hoạt động khoảng 10%-20% công suất, ảnh hưởng trực tiếp đến việc làm của NLĐ. Trước khi có dịch COVID-19, trung bình Vietnam Airlines bay khoảng 500 chuyến/ngày, hiện nay giảm còn khoảng 200 chuyến/ngày nhưng phần lớn đã đổi sang tàu bay thân hẹp bởi vắng khách. Báo cáo mới nhất của Vietnam Airlines cho thấy, trung bình hãng đang lỗ từ 500-600 tỉ đồng mỗi tuần.

Nhiều chuyến bay thân rộng A350 chỉ có 18 hành khách nhưng vẫn phải thực hiện vì nhiệm vụ. Trước tình hình khó khăn do dịch COVID-19, vừa qua, khoảng 700 tiếp viên thuộc Đoàn tiếp viên của Vietnam Airlines đã làm đơn xin nghỉ việc không lương hoặc không nhận lương chức danh để đồng lòng với doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn khi dịch COVID-19 đang có diễn biến phức tạp khiến nhiều đường bay của hãng phải tạm dừng khai thác.

Tiếp viên trưởng Phạm Hải Bằng - Liên đội phó Đoàn tiếp viên Vietnam Airlines - cho biết, số lượng tiếp viên của Vietnam Airlines là 3.200 người. Hiện khoảng 700 tiếp viên xin không nhận lương chức danh và tạm nghỉ việc không lương đến tháng 5.2020. Đây là việc làm hoàn toàn tự nguyện của tiếp viên để chung tay với doanh nghiệp trong thời điểm khó khăn.

Cũng theo ông Bằng, lương trung bình tiếp viên cơ hữu 20-25 triệu đồng/tháng. Ngoài số tạm nghỉ, nhiều tiếp viên làm toàn thời gian nhưng tình nguyện không nhận lương chức danh (mức lương này chiếm 1/4 thu nhập, khoảng 7-8 triệu đồng/tháng). “Từ giữa tháng 2.2020, đoàn tiếp viên bắt đầu nhận được đề xuất xin không nhận lương chức danh của một số tiếp viên và khá bất ngờ vì điều này” - ông Bằng cho hay. 

Trong trường hợp khả quan nhất, dịch bệnh được kiểm soát trước tháng 4.2020, Cục Hàng không Việt Nam đưa ra kịch bản tổng thị trường sẽ đạt 67 triệu khách (giảm 15,4% so với năm 2019). Trong đó, các hãng Việt Nam vận chuyển 12,7 triệu khách quốc tế (giảm 28,3%) và 35,3 triệu khách nội địa (giảm 5,5%), tổng vận chuyển chỉ đạt 48 triệu khách (giảm 9,2% so với cùng kỳ).

Trong trường hợp xấu hơn, dịch bệnh được kiểm soát trước tháng 6.2020, có tính đến hủy toàn bộ chuyến bay đi, đến Hàn Quốc, tổng thị trường chỉ đạt 62,1 triệu khách (giảm 22,6% so với 2019). Trong đó, các hãng Việt Nam vận chuyển được 10,4 triệu khách quốc tế (giảm 41,2%) và 35,3 triệu khách nội địa (giảm 5,5%), tổng vận chuyển chỉ đạt 45,7 triệu khách (giảm 17% so với cùng kỳ).

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn