MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người lao động tỉnh Hải Dương. Ảnh: linh nguyên

Khó khăn vẫn đeo đuổi công nhân

Linh Nguyên LDO | 05/04/2021 12:30
Những khó khăn do dịch COVID-19 vẫn bám theo công nhân lao động. Mong muốn của người lao động hiện nay là vừa có được chính sách hỗ trợ, vừa có hỗ trợ bằng hiện vật, trong đó tốt nhất là hỗ trợ được thiết kế theo gói.

Chi phí sinh hoạt vẫn cao

Chị Nguyễn Thị Vân, đang làm việc cho 1 doanh nghiệp tại khu công nghiệp Nomura (Hải Phòng), ở trọ tại xã Tân Tiến, huyện An Dương, Hải Phòng chia sẻ: Trước COVID-19, thu nhập của chị khoảng 9-12 triệu đồng/tháng, hiện chỉ có 6 triệu đồng/tháng vì không có cơ hội tăng ca, làm thêm. Khi đi làm, vào những ngày tăng ca, chị Vân cũng như những công nhân khác ăn ca tại công ty, còn bây giờ các bữa ăn ở tại nhà nên khoản tiền chi cho lương thực, thực phẩm đã tăng lên. Chị Vân tính, mức chênh trong phí cho khoản này của 2 vợ chồng và 2 đứa con vào khoảng 2 triệu đồng/tháng… Trong lúc đó, tại khu trọ của chị vẫn phải đóng 4.000 đồng/số điện và 15.000 đồng/m3 nước. Trên giấy tờ, tiền điện người ở trọ vẫn chỉ đóng đúng quy định của nhà nước nhưng chủ nhà trọ thu thêm các loại hao mòn, phụ phí… nên tính ra vẫn là 4.000 đồng/số điện.

Với chị Nguyễn Thị Thùy Dung, công nhân KCN Thăng Long, đang ở xã Vĩnh Ngọc (Đông Anh, Hà Nội) thì khó khăn tới mức gần như phải cắt giảm toàn bộ chi tiêu. Trước dịch thu nhập của chị Dung được 7-8 triệu đồng/tháng, sau dịch chỉ còn lương cơ bản khoảng 4 triệu đồng/tháng. Chị Dung nói: “Trước dịch, công ty rất nhiều việc, công nhân liên tục được tăng ca, đến mức còn yêu cầu công nhân tăng ca. Nhưng giờ thì không được như thế”.

Vợ chồng chị Dung có 2 đứa con, thu nhập của cả vợ chồng chỉ khoảng trên dưới 10 triệu đồng/tháng. Riêng tiền học của 2 con đã hết khoảng 2-3 triệu đồng/tháng, chưa kể tiền bỉm, sữa; tiền sữa khoảng 50.000 đồng/bé/ngày. Nỗi lo lắng về thu chi trong gia đình lúc nào cũng thường trực trong suy nghĩ của chị Dung. Chị Dung còn nửa đùa, nửa thật: “Có lúc còn phải giảm bớt sữa của đứa lớn”.

Hỗ trợ cần được thiết kế theo gói

Sáng 2.4, đại diện Viện Phát triển Sức khỏe Cộng đồng Ánh sáng (LIGHT) cho biết: COVID-19 làm tăng chi tiêu của người lao động tại các khu công nghiệp. Các chi tiêu tăng lên gồm tăng chi phí cho bữa ăn tại nhà hàng ngày; tăng chi phí sử dụng điện, nước tại nhà; giá thực phẩm tăng; tăng chi phí cho trang bị bảo hộ cá nhân (khẩu trang, nước rửa tay tăng giá); gửi con ở người trông trẻ tư nhân; xăng xe về quê do thời gian nghỉ làm nhiều. Đơn cử, tại huyện Đông Anh (Hà Nội) khi bị ảnh hưởng của COVID-19, mức thu nhập của người lao động là 4,5 triệu đồng/tháng nhưng mức chi tiêu là 6,5 triệu đồng/tháng; Tại phường Ái Quốc (TP.Hải Dương) thu nhập 4 triệu đồng/tháng nhưng mức chi tiêu là 10 triệu đồng/tháng.

Với những nghiên cứu thực tế của mình, một trong những khuyến nghị LIGHT đưa ra khuyến nghị với các cơ quan chính phủ là có chính sách hỗ trợ cho nữ lao động tại khu công nghiệp, đặc biệt người đang nuôi con nhỏ khi bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 và những rủi ro tương tự, ví dụ như chính sách hoãn hoặc miễn đóng bảo hiểm xã hội, hỗ trợ sữa, thực phẩm cơ bản cho con nhỏ; giảm tiền học phí, hỗ trợ tiền Internet đối với các gia đình có con nhỏ đang đi học. Có chính sách khen thưởng, vinh danh các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân nổi bật trong việc hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 và những rủi ro tương tự.

Với các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội và các tổ chức xã hội LIGHT khuyến nghị chủ động cung cấp thông tin cho lao động nữ, đặc biệt là người nuôi con nhỏ và hỗ trợ hoàn thành thủ tục giấy tờ theo quy định để được nhận chính sách kịp thời. Hỗ trợ cần được thiết kế theo gói: Thực phẩm, tiền mặt, đào tạo nghề, việc làm, phòng chống bạo lực, y tế… Các tổ chức đoàn thể chính trị-xã hội cần tăng cường vai trò trong giám sát và phản biện xã hội về quá trình triển khai các gói hỗ trợ của CP.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn