MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Thực phẩm bán ở khu chợ tự phát tại thôn Bầu, xã Kim Chung, huyện Đông Anh, Hà Nội. Ảnh: Phương Hân

Khó kiểm soát chất lượng thực phẩm trên mâm cơm mỗi ngày

Phương Hân LDO | 25/05/2024 07:35

Dù quan tâm tới vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm song với nhiều công nhân, họ không thể hoặc không có cách nào để kiểm soát chất lượng. Hơn nữa do lương thấp, họ phải chấp nhận mua thực phẩm ở chợ tự phát vì giá rẻ.

Mua đồ theo kiểu “hên xui”

Tại thôn Bầu (xã Kim Chung, huyện Đông Anh, TP Hà Nội), dù có chợ Mun là chợ chính thức, nhưng nhiều người dân, trong đó có công nhân vẫn thường xuyên mua thực phẩm tại chợ tự phát ở thôn này. Đây là những quầy hàng bày bán đầy đủ các loại thực phẩm, cả sống, chín; hoa quả; rau. Nhiều công nhân chỉ cần ra khỏi khu trọ là đã đến chợ tự phát này.

Khảo sát của phóng viên vào chiều 23.5 cho thấy, nhiều quầy hàng xảy ra tình trạng mất vệ sinh khi các loại thịt tươi không được che chắn, rất dễ bắt bụi, ruồi “tấn công”. Một số sạp bán đồ sống trang bị thêm quạt máy nhỏ gắn ở phía trên, còn lại phần lớn dùng túi nylon cột với gậy tre nhỏ để đuổi ruồi. Khi chủ hàng ngưng tay, ruồi lại tiếp tục đậu vào những thớ thịt trên bàn.

Tại một số sạp hàng, đồ ăn sống còn để sát với đồ ăn chín. Các loại hoa quả được bày biện rất bắt mắt, nhưng không ai dám chắc được đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Gần như các đồ thực phẩm bán tại sạp hàng này đều không biết được xuất xứ.

Sau khi kết thúc ca làm việc, chị Lường Thị Thúy - công nhân ở Khu công nghiệp Thăng Long, huyện Đông Anh (quê Yên Bái) ghé vào sạp rau, hoa quả ở lề đường để mua 2kg đào, giá 35.000 đồng/kg. “Sạp đào nhìn rất bắt mắt, thơm ngon, nhưng không ai dám chắc có còn dư lượng thuốc bảo vệ thực vật hay không” - chị Thúy nói.

Thuê trọ cùng với một đồng nghiệp tại thôn Bầu, chị Thúy rất ít khi nấu cơm ở nhà. “Tôi chủ yếu ăn ở ngoài và ăn vặt. Mua đồ như này “hên xui” thôi, tôi không dám chắc đảm bảo an toàn thực phẩm tuyệt đối. Nếu vào siêu thị có lẽ tôi sẽ an tâm hơn, nhưng mua ở lề đường tiện lợi hơn, đồng thời cũng rẻ hơn” - nữ công nhân cho biết.

Chủ cửa hàng bán rau, hoa quả nơi chị Thúy mua cho biết, đối với các mặt hàng hoa quả, chị thường nhập ở chợ đầu mối; còn rau thì thu mua tại các hộ dân trong làng. “Công nhân ở đây thích mua rau do người dân trong thôn trồng, do tin tưởng sẽ sạch hơn là mua rau từ các chợ đầu mối” - nữ tiểu thương cho hay.

Tuy nhiên, không thể dám chắc các loại thực phẩm được thu mua từ các hộ dân là sạch, không có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật. Theo nữ tiểu thương, chị chỉ biết nhập hàng bán, còn không biết và cũng không thể kiểm soát được chất lượng các loại thực phẩm.

Không mua ở chợ cũng không biết mua ở đâu

Anh Đ.T.K (công nhân Khu công nghiệp Thăng Long) cho biết, vợ chồng anh thường xuyên nấu ăn ở nhà. “Mỗi lần đi chợ tôi thường mua thịt lợn hoặc thịt gà và một loại rau nào đó. Bữa ăn của vợ chồng tôi rất đơn giản” - anh Đ.T.K cho biết. Anh K thừa nhận, không thể kiểm soát được chất lượng của thực phẩm ở trên mâm cơm của mình.

“Tôi cố gắng chế biến cẩn thận, rửa rau bằng nhiều lần nước hoặc ngâm với muối; chần thịt qua một nước trước khi nấu…” - anh K cho hay.

Thu nhập của vợ chồng công nhân dao động 17-18 triệu đồng/tháng, trừ đi chi phí sinh hoạt cộng với số tiền gửi về cho ông bà nuôi 2 con thì cũng chẳng còn dư là bao. Nhiều lần mua thực phẩm ngoài chợ, anh K tận mắt thấy đồ ăn bị ruồi bâu, có loại mua về nấu thì không còn được tươi như ở hàng, “không thấy đau bụng hay bị ngộ độc, lâu dần tôi cũng khuất mắt trông coi” - anh K nói và cho biết thêm, vốn dĩ với thu nhập của anh, không thể đến siêu thị lớn để mua rau, thịt, cá, hải sản... nên không mua đồ ở chợ cũng chẳng biết mua ở đâu.

Tại nhiều phòng trọ công nhân, nơi nấu ăn cũng là nơi không đảm bảo vệ sinh nhất khi dầu mỡ, thức ăn bám vào tường hay ngay trên kiềng của bếp gas. Đây là chỗ ưa thích của côn trùng, không được vệ sinh thường xuyên cũng là một trong những yếu tố gây mất an toàn vệ sinh thực phẩm.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn