MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Căn phòng trọ chật chội của một gia đình công nhân làm việc tại KCN Thăng Long (huyện Đông Anh, Hà Nội). Ảnh: Bảo Hân

Khó mua nhà, công nhân nhà trọ “tính kế” về quê

Bảo Hân LDO | 29/03/2021 09:35
Dù muốn có công việc lâu dài, gắn bó với nơi làm việc nhưng nhiều công nhân không thể mua được nhà để ổn định cuộc sống, không ít người đã tính đến chuyện về quê, hoặc ở nhà của bố, mẹ ở quê.

Không dám nghĩ đến mua nhà, dù là trả góp

Quê tại Thái Nguyên, chị Ma Thị N lên thuê nhà trọ, làm công nhân một công ty điện tử tại Bắc Ninh, còn chồng con vẫn ở quê. Khi được hỏi liệu có mua được nhà để “an cư” không, chị N than thở: “Tôi không dám nghĩ đến mua nhà tại nơi tôi làm việc, cũng như xây nhà ở quê. Thu nhập của tôi rất thấp, hiện tại chỉ được 4-5 triệu đồng/tháng. Trong khi đó, chồng tôi bị tai nạn, hiện không đi lại được, không có thu nhập. Tôi đang phải nuôi con nhỏ ở quê, đồng thời trang trải nhiều khoản khi phải làm việc xa quê”.

Theo chị N, hằng tháng, tiền thuê nhà, điện nước của chị hết 700.000 đồng; gửi về quê chăm chồng, nuôi con hết 3-4 triệu đồng. Chị lại hay phải đi về quê, nên chi phí càng phát sinh nhiều hơn. “Hằng tháng, tôi không để lại được đồng nào; đi làm công nhân 7 năm nay nhưng tôi không dành dụm được khoản nào, nhiều khi còn phải vay mượn bạn bè để chi tiêu, đợi đến khi có lương thì trả. Vì vậy, mua nhà là một điều gì đó rất xa vời, nếu không muốn nói là không thể. Tôi nghĩ, với mức thu nhập của tôi hiện nay, thì ngay cả được mua với giá ưu đãi, được trả góp, dù là 1-2 triệu đồng/tháng thôi, tôi cũng không dám nghĩ đến”- chị N chia sẻ.

Nói về tương lai, chị N cho hay, chị rất muốn làm nhà ở quê, nhưng với thu nhập hiện nay, điều đó cũng là không thể. “Thực sự tôi không biết tương lai của mình sẽ như thế nào? Tôi vẫn sẽ tiếp tục làm việc xa quê, làm đến ngày nào hay ngày đấy. Nếu không thể tiếp tục làm công nhân tại Bắc Ninh vì một lý do nào đó, tôi sẽ về quê ở nhà cùng bố mẹ chồng, chứ cũng không dám nghĩ đến xây nhà riêng, vì không có tiền”- chị N tâm sự.

Tiết kiệm để lo cho tương lai gia đình

Không như chị N, anh Hồ Viết L may mắn đã xây được ngôi nhà nhỏ ở quê. Vợ chồng anh đang cùng làm công nhân tại Khu công nghiệp Thăng Long (huyện Đông Anh, Hà Nội). “Hai vợ chồng tôi đang thuê phòng trọ 1 triệu đồng/tháng, chưa kể tiền điện nước; 2 cháu - một cháu đang học lớp 6, một cháu học mẫu giáo - đang được gửi ở quê nhờ ông bà trông”- anh L cho biết.

Cách đây 3 năm, sau khi dành dụm được 1 khoản tiền, anh L đã vay mượn thêm của anh em, họ hàng, đồng thời bố mẹ phụ giúp một phần để xây nhà riêng. Theo anh L, mảnh đất là do bố mẹ anh để lại cho, chứ nếu phải mua đất thì anh sẽ không thể đủ tiền để xây nhà. Anh đã từng tính mua đất hoặc chung cư ở Hà Nội, nhưng tính đi tính lại, nghĩ đến những khoản nợ lớn phải trả, trong khi thu nhập thấp, nên anh đành thôi, mà tính kế lâu dài là về quê. Ngôi nhà mới xây xong đang để không, thi thoảng bố mẹ sang dọn dẹp để đỡ vắng hơi người, trong khi đó, vợ chồng anh phải thuê ở một căn phòng trọ chật chội.

“Nếu bây giờ về quê luôn thì vợ chồng tôi không biết làm nghề gì để kiếm sống. Vì vậy, hai vợ chồng tự nhủ, khi còn trẻ thì cố gắng “cày cuốc”, đến khi có tuổi một chút thì sẽ về quê rồi tính tiếp. Lúc đấy, có thể hai vợ chồng sẽ mở cửa hàng nho nhỏ hay làm nghề tự do gì đó để kiếm sống”- anh L nói về dự định của mình.

Hằng tháng, thu nhập của cả 2 vợ chồng anh rơi vào khoảng 13-14 triệu đồng. Số tiền này anh dùng để gửi về cho ông bà nuôi 2 con; gửi tiền trả nợ xây nhà, trang trải các chi phí của cuộc sống tha hương. Vì vậy, hầu như anh chị không dành dụm được đồng nào. “Tuy nhiên, tôi vẫn còn may mắn hơn so với nhiều công nhân khác vì đã có sẵn nhà ở quê. Nhiều công nhân thuê trọ như tôi không có được điều đó, và với mức thu nhập của công nhân, rất ít người có thể có được ngôi nhà của riêng mình” - anh L nói.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn