MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Chỉ có khoảng 39% người cao tuổi được hưởng lương hưu, bảo hiểm xã hội tại Việt Nam. Ảnh minh họa: Hải Nguyễn.

Khoảng 61% người cao tuổi tại Việt Nam không có lương hưu và trợ cấp xã hội

HẠNH AN LDO | 12/12/2023 11:39

Việt Nam không nằm ngoài xu thế chuyển hướng sang kinh tế xanh và tăng trưởng xanh theo hướng chuyển dịch công bằng. Song, quá trình chuyển đổi tác động rất lớn đến các nhóm đối tượng yếu thế, dễ bị tổn thương trong đó có người cao tuổi không lương hưu.

Tại Hội thảo quốc tế về Thúc đẩy Việc làm và An sinh xã hội hướng tới chuyển đổi công bằng được tổ chức vào chiều 11.12, ông Nguyễn Sỹ Linh, Trưởng Ban Biến đổi khí hậu và các vấn đề toàn cầu, Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường, Bộ Tài Nguyên và Môi trường lí giải: Chuyển đổi công bằng là giải quyết đồng thời các vấn đề môi trường, xã hội và kinh tế.

Trọng tâm của các chính sách chuyển đổi công bằng trong thực hiện mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính là đóng góp vào mục tiêu việc làm thỏa đáng cho tất cả mọi người, bao trùm xã hội và xóa đói giảm nghèo.

Chuyển đổi công bằng đề cập đến các chiến lược, chính sách hoặc biện pháp để đảm bảo không ai bị bỏ lại phía sau, bền vững với môi trường. Chuyển đổi công bằng còn được hiểu là chuyển đổi xanh, chuyển đổi năng lượng.

Bà Trịnh Thị Nguyệt, đại diện Cục Bảo trợ xã hội, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội khẳng định, để hướng tới phát triển bền vững bao trùm, toàn diện trong đó có thực hiện các mục tiêu tăng trưởng xanh và dịch chuyển công bằng, Việt Nam luôn coi trọng công tác bảo đảm an sinh xã hội; đặt nhiệm vụ phát triển dân sinh trong mối tương quan hài hòa giữa đầu tư phát triển kinh tế với đầu tư bảo đảm phúc lợi xã hội và an sinh xã hội.

Theo bà Nguyệt, quá trình chuyển đổi tác động rất lớn đến các nhóm đối tượng yếu thế, dễ bị tổn thương và người có thu nhập thấp, dẫn đến nguy cơ bị bỏ lại phía sau như mất sinh kế, việc làm; giảm thu nhập, không đủ năng lực để cạnh tranh, thích ứng trên thị trường lao động đối với việc làm mới.

Một số chương trình đầu tư sẽ khiến lao động dễ mất việc làm trong khi một số chương trình khác có thể giúp tạo việc làm mới cho những nhóm lao động nhất định.

Bà Nguyệt dẫn chứng đối tượng người cao tuổi là một trong những đối tượng rất dễ bị ảnh hưởng. Theo đó, ở Việt Nam, nguồn thu nhập của người cao tuổi chủ yếu là từ hỗ trợ của con cái và từ việc làm hiện tại của người cao tuổi. Phần lớn người cao tuổi là đối tượng lao động tự làm hoặc lao động gia đình không được trả lương, trong khi tỉ lệ lao động làm công ăn lương thấp, họ tham gia lao động với vị thế của lao động dễ tổn thương.

"Thực tế, hệ thống chính sách an sinh xã hội tại Việt Nam mới chỉ hỗ trợ cho một bộ phận người cao tuổi. Hiện mới có khoảng 39% người cao tuổi được hưởng lương hưu, bảo hiểm xã hội, chính sách đối với người có công và trợ cấp xã hội; 61% còn lại sống dựa hoàn toàn vào kinh tế của chính mình" - bà Nguyệt thông tin.

Đại diện Cục Bảo trợ xã hội đưa ra một số giải pháp để đạt được chuyển dịch công bằng, ví dụ như: Nghiên cứu, khảo sát, đánh giá, phân tích tác động của quá trình chuyển đổi xanh đối với nhóm đối tượng yếu thế, dễ bị tổn thương và người có thu nhập thấp.

Xây dựng, hoàn thiện, phát triển hệ thống an sinh xã hội đối với nhóm đối tượng yếu thế, dễ bị tổn thương và người có thu nhập thấp; nghiên cứu, xây dựng sàn an sinh xã hội; Luật Trợ giúp xã hội, Luật sửa đổi, bổ sung Luật Người cao tuổi...

Cũng theo bà Nguyệt, việc hướng dẫn, hỗ trợ các địa phương xây dựng thực hiện các chương trình bảo đảm an sinh xã hội đối với nhóm đối tượng yếu thế và truyền thông nâng cao nhận thức về thực hiện cơ chế, chính sách, chương trình bảo đảm an sinh xã hội cho người dân cũng rất quan trọng.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn