MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Khu nhà lưu trú cho công nhân tại KCX Tân Thuận. Ảnh: P.V

Khoảng cách quá xa giữa cung và cầu

BẢO CHƯƠNG LDO | 23/05/2019 07:00

Mong ước “có được một mái ấm” thật sự là giấc mơ xa xỉ đối với hầu hết công nhân (CN), đặc biệt là công nhân làm việc tại các khu chế xuất (KCX), khu công nghiệp (KCN) ở TPHCM khi mà nhu cầu quá lớn, nguồn cung thì nhỏ giọt.

Tìm một nơi ở đàng hoàng không đơn giản

Nhu cầu về chỗ ở của CN trong các KCX-KCN ở TPHCM đang rất lớn nhưng thành phố hiện mới chỉ đáp ứng gần 15.000 trên tổng số 260.000 chỗ ở cho CN. Phần lớn nguồn cung chỗ ở cho các CN đều đến từ các nhà trọ do tư nhân xây dựng. Các khu nhà trọ đều chưa đảm bảo điều kiện sinh sống cơ bản cho CN. Đó là thông tin được ông Trần Công Khanh - Trưởng phòng Quản lý các khu công nghiệp TPHCM (Hepza) - cho biết tại buổi hội thảo “Nhà ở cho công nhân KCX-KCN” được tổ chức vào ngày 21.5.

Đi thực tế các khu nhà trọ tại quận Thủ Đức, chúng tôi đều ghi nhận các khu trọ dành cho CN khá cũ kỹ, gồm hai dãy nhà úp mặt vào nhau với hàng chục phòng có diện tích 12m2. Chị Nguyễn Thị Thuyết (quê Quảng Trị, công nhân làm việc tại KCX Linh Trung 1, thuê phòng trọ ở đây) tâm sự, vì gia đình có con nhỏ nên với mức thu nhập thấp, chị chỉ có thể thuê những phòng trọ dạng này. Mức giá thuê ở đây rẻ hơn các khu nhà trọ khang trang khác 30% và chị để dành chi phí đó để nuôi con, gửi con đi nhà trẻ. Tuy nhiên, giá rẻ đồng nghĩa chất lượng cũng không đảm bảo.

TPHCM thời gian qua đã triển khai một số khu nhà lưu trú CN do các doanh nghiệp (DN) đầu tư đã phần nào giải quyết tốt nhu cầu chỗ ở cho CN. Trong số này, nhiều nơi CN được ở miễn phí, chỉ phải trả tiền điện và nước sử dụng. Song, dựa trên số người lao động hiện có, lượng nhà ở kiểu này ra đời không đáp ứng nổi, chỉ như “muối bỏ bể”. Không những vậy, với những CN có gia đình, mô hình nhà lưu trú lại không phù hợp.

Anh Nguyễn Quốc Hưng (Công ty Sài Gòn Precision, KCX Linh Trung 1) cho rằng, nhà lưu trú đa số dành cho CN độc thân theo kiểu ghép 6-8 CN/phòng. Sau lập gia đình, họ phải ra ngoài ở. Có một DN tại KCX Linh Trung 1 xây dựng nhà lưu trú cho 2.000 CN ở nhưng công suất cũng chỉ ở mức 50% vì họ không dành cho CN đã lập gia đình. So về số lượng, CN có gia đình vẫn lớn hơn gấp nhiều lần CN độc thân. Vì vậy, họ rất mong Nhà nước xây dựng các khu nhà giá rẻ cho các đối tượng CN có gia đình.

Nghĩ dễ làm khó

Theo ông Trần Công Khanh - Trưởng phòng Quản lý lao động Hepza, hiện có 4 nguồn cung cấp chỗ ở cho CN. Một là các chủ DN có sử dụng lao động tự xây nhà lưu trú cho CN. Hai là công ty đầu tư hạ tầng kỹ thuật của thành phố đầu tư. Thứ ba là các DN tự bỏ vốn ra xây dựng nhà ở xã hội, nhà lưu trú CN. Một nguồn rất lớn nữa là các cá nhân xây phòng trọ để cho CN thuê.

Thực tế, có rất nhiều DN vẫn mong muốn tham gia vào chương trình xây dựng nhà giá thấp, nhà lưu trú cho CNLĐ nhưng án ngữ trước mặt họ lại là những rào cản. Đại diện một DN xây dựng nhà lưu trú ở TPHCM cho biết, thủ tục hành chính là một vấn đề rất đáng quan ngại. Theo quy định, để UBND thành phố ra một quyết định thì phải qua rất nhiều sở, mỗi sở lại mất 20-30 ngày làm việc. Tổng thời gian cũng mất gần cả năm trời, vì vậy chúng tôi rất mong các sở, ngành thành phố làm sao để tinh giản nhất.

Ông Trần Đức Vinh - Tổng Giám đốc Trần Anh Groups, một doanh nghiệp chuyên phát triển dòng nhà giá rẻ cho NLĐ - cho biết, theo kế hoạch, công ty mong muốn xây dựng khoảng 10.000 căn nhà giá rẻ cho CNLĐ ở khu vực giáp ranh Long An và TPHCM, nơi có nhiều KCN. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất là vấn đề quỹ đất để xây dựng nhà ở. Vì theo quy định, đất làm nhà ở phải nằm ngoài ranh KCX-KCN. DN phải bồi thường, giải phóng mặt bằng mất rất nhiều thời gian mới triển khai được. Do đó, điều này đòi hỏi nhà quy hoạch phải có chiến lược xây dựng quỹ đất, trong đó việc phát triển mô hình KCN gắn liền khu dân cư cần được nhìn nhận là mô hình đầu tư phù hợp, đáp ứng được số lượng lớn nhu cầu ngày càng cao. Cơ quan chức năng cần mạnh dạn cho phép các nhà đầu tư chuyển một phần đất KCN sang đất xây dựng nhà ở cho CN, chuyên gia với tỉ lệ chỉ chiếm 5-10%.

Ông Phạm Chí Tâm - Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động TPHCM: Giải pháp đặt ra trước mắt trong bối cảnh nguồn cung thấp hơn nhu cầu như hiện nay đó là tạo điều kiện tối đa từ thủ tục, tài chính,… cho các DN phát triển các khu nhà lưu trú để giải quyết vấn đề cấp bách về chỗ ở cho NLĐ. Song song đó, cần phải có quy định tiêu chuẩn xây nhà trọ cho CN. Nên thành lập quỹ hỗ trợ cho các chủ nhà trọ nâng cao, xây mới các khu nhà trọ đảm bảo chất lượng.

Ông Trần Công Khanh - Trưởng phòng Quản lý lao động, Ban Quản lý các KCX, KCN TPHCM: Xây nhà lưu trú cho CN là một vấn đề hết sức bức bách, cần thiết. Bởi lẽ, số lượng CN là dân nhập cư vào TPHCM ngày càng tăng cao, nhu cầu chỗ ở ngày càng “nóng”. Để giải quyết được vấn đề này, trách nhiệm chính thuộc về các nhà đầu tư cơ sở hạ tầng. Mặt khác, “kênh chủ lực” xây dựng nhà lưu trú cho CN cũng có thể là các DN sử dụng lao động. Việc xây dựng nhà lưu trú cho CN trong các KCX, KCN cần phát huy hơn nữa trong thời gian tới.

Ông Trần Quốc Đạt - Phó phòng Phát triển nhà (Sở Xây dựng TPHCM): Hiện nay, TPHCM đang triển khai 15 dự án nhà giá rẻ với quy mô 47ha, nhưng có đến 6 dự án đang trong giai đoạn đền bù giải tỏa, rất khó khăn. Nếu các dự án này được triển khai hoàn thiện sẽ giải quyết chỗ ở cho 95.000 CN. DN tham dự vào dự án nhà giá rẻ bị kiểm soát giá cho thuê, giá bán, đối tượng mua nên DN nản vì thủ tục. Cái khó khăn lớn nhất hiện nay là quỹ đất để đầu tư loại hình nhà ở cho CN.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn