MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ông Nguyễn Chí Trường (phải) - Vụ trưởng Vụ Kỹ năng nghề - Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp. Ảnh: Hạnh An

Khoảng trống nghề giúp việc gia đình

HẠNH AN THỰC HIỆN LDO | 09/02/2024 15:20

Nghề giúp việc gia đình là một trong những nghề “hot” mỗi dịp lễ, Tết khi nhiều gia đình đều có nhu cầu sử dụng dịch vụ dọn dẹp, chăm sóc. Báo Lao Động đã có cuộc phỏng vấn với ông Nguyễn Chí Trường - Vụ trưởng Vụ Kỹ năng nghề - Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) liên quan đến vấn đề này.

- Ông có nhận định như thế nào về nhu cầu của thị trường với nghề giúp việc gia đình trong thời gian hiện nay?

Tôi cho rằng phân khúc việc làm của nghề giúp việc gia đình có tiềm năng rất lớn, nhất là trong thời kỳ khoa học - công nghệ phát triển mạnh mẽ. Ngoài ra, sự dịch chuyển lao động từ lĩnh vực này sang lĩnh vực khác cũng diễn ra rất nhanh. Bản thân người lao động rơi vào tình trạng căng thẳng khi tìm kiếm được việc làm, đảm bảo có thu nhập, phát triển ổn định.

Một gia đình có con nhỏ, sau 6 tháng nghỉ thai sản, người mẹ đi làm thì ai sẽ là người chăm sóc trẻ nhỏ? Nếu không có người trông con, người mẹ buộc phải gửi con đến các cơ sở, trong khi chi phí để trông giữ trẻ nhỏ thường rất cao. Ngoài ra, hầu hết các gia đình chưa hoàn toàn yên tâm khi gửi con.

Cách thứ hai là phải thuê người trông trẻ. Một người trông trẻ thiếu kỹ năng, không được đào tạo bài bản sẽ ảnh hưởng rất lớn để sự hình thành tâm lý của một đứa trẻ ngay từ ban đầu.

Về vấn đề chăm sóc người già, một gia đình có bố mẹ già, làm sao để chăm sóc người già đúng cách, đảm bảo dinh dưỡng, tâm lý ổn định, an toàn rất quan trọng.

Hơn nữa, người lao động trở về nhà sau một ngày dài đi làm, thấy một căn nhà ngăn nắp, sạch sẽ, sẽ cảm thấy thoải mái, yên tâm làm việc.

Do đó, nhu cầu tuyển được người giúp việc là vô cùng cần thiết cả ở hiện tại và trong tương lai.

- Nhu cầu người giúp việc là có và rất cần thiết, vậy người giúp việc gia đình có cần được đào tạo bài bản, có quy chuẩn cụ thể hay không, thưa ông?

Việc này, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã nhìn thấy khoảng trống ở giúp việc gia đình, để người lao động nâng cao hiệu quả công việc tại cơ quan doanh nghiệp thông qua việc tối ưu hoá các công việc nhà.

Do đó, Bộ đã ban hành Quyết định số 806/QĐ-LĐTBXH về việc công bố Tiêu chuẩn kỹ năng nghề quốc gia năm 2020 đối với 19 nghề. Theo đó, nâng tổng số nghề có tiêu chuẩn kỹ năng nghề quốc gia được công bố đến nay là 199 nghề.

Trên cơ sở Tiêu chuẩn được công bố, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp sẽ có chương trình đào tạo phù hợp và giúp doanh nghiệp có căn cứ đánh giá, cơ sở tuyển dụng. Thay vì tuyển dụng dựa trên bằng cấp, doanh nghiệp có thể tuyển dụng trên kỹ năng.

Tại Quyết định số 806, có 6 nghề mới lần đầu tiên có tiêu chuẩn kỹ năng nghề quốc gia là: Khai thác thủy sản biển, Giám sát thi công công trình xây dựng dân dụng và công nghiệp, Giúp việc gia đình, Chăm sóc da, Phay vạn năng, Vệ sinh lau dọn các công trình cao tầng.

Đây là cơ sở để các nhà đào tạo căn cứ tổ chức đào tạo, hình thành lực lượng lao động chuyên nghiệp giúp cho các gia đình tuyển được người giúp việc yên tâm, an toàn.

- Theo ông, tầm quan trọng của việc công bố Bộ Tiêu chuẩn kỹ năng nghề quốc gia trong đó có nghề giúp việc gia đình như thế nào?

Khi nhà tuyển dụng có nhu cầu tuyển người giúp việc, họ có thể căn cứ vào bộ tiêu chuẩn này để hoạch định công tác sử dụng lao động, nhất là khi họ có dự kiến kinh doanh trong lĩnh vực quản gia, giúp việc gia đình.

Ngoài ra, các nhà tuyển dụng khi đào tạo tại cơ sở cũng dựa vào bộ tiêu chuẩn để đào tạo theo đúng nhu cầu của các gia đình.

Với bản thân người lao động, khi họ có nhu cầu tìm việc làm trong lĩnh vực này, họ sẽ biết thêm các thông tin như: Công việc cần kỹ năng gì? Tìm cơ sở đào tạo ở đâu? Học như thế nào?...

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội sẽ tiếp tục đánh giá, mức độ ảnh hưởng của công việc này đến an toàn, sức khoẻ trực tiếp của người lao động, người sử dụng lao động và các bên liên quan. Từ đó, tiếp tục nghiên cứu, đề nghị các bộ ngành liên quan đưa vào danh mục nghề cần cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia.

Nhà nước sẽ quản lý chặt chẽ để đảm bảo an toàn cho cả người lao động và người sử dụng lao động.

- Xin cảm ơn ông!

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn