MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bà Phạm Thị Thực vất vả chất đồ đồng nát lên chiếc xe đạp cà tàng. Ảnh: Quế Chi

Không có lương hưu, nhiều người già nhặt đồng nát kiếm sống

Quế Chi LDO | 04/05/2023 14:39

Không có lương hưu, cuộc sống còn nhiều khó khăn nên bà Phạm Thị Thực (66 tuổi) vẫn thường xuyên cặm cụi trên chiếc xe đạp cà tàng đi nhặt nhạnh đồ đồng nát, phế liệu để kiếm tiền trang trải cho cuộc sống tuổi già. 

Cả đời bà Thực làm nông, không tham gia bảo hiểm xã hội, nên đến tuổi nghỉ hưu, bà không có lương hưu. Không muốn phụ thuộc hoàn toàn vào các con, vốn cuộc sống cũng gặp rất nhiều khó khăn, bà đi làm nghề đồng nát để có thêm “đồng ra đồng vào” mua rau, mua thịt. 

Quê ở huyện Mê Linh (Hà Nội) nhưng nơi bà Thực đi nhặt phế liệu, mua đồ đồng nát là xã Kim Chung (huyện Đông Anh, Hà Nội). Mỗi khi đi làm, bà bắt xe bus xuống xã Kim Chung rồi lấy xe đạp (đã được gửi tại đây từ trước) đi các ngõ ngách trong làng để nhặt, thu mua đồ đồng nát. 

Sáng 3.5 khi phóng viên gặp, bà Thực đang loay hoay với chiếc xe đạp cà tàng, trên xe chất sắt vụn, vỏ lon bia, các loại bao bì… Sức đã yếu, chậm chạp nên phải rất vất vả bà Thực mới chất được đống đồ lên xe. Đôi tay bà để trần, đen đúa; nắng nóng đầu hè khiến áo bà ướt đẫm mồ hôi...

Hiện bà Thực được hưởng chế độ người có công (vợ liệt sĩ tái giá) là 1,6 triệu đồng/tháng. Số tiền này bà phải chi vào rất nhiều khoản từ ăn uống đến mua thuốc thang, ma chay, hiếu hỉ. Các con bà Thực đều đã lớn, cuộc sống còn nhiều khó khăn, bà cũng không muốn dựa dẫm các con nên luôn cố gắng đi làm dù bị đau xương khớp, thường xuyên nhức đầu, chóng mặt… 

“Đi làm vất vả nhưng số tiền tôi có được chỉ để bù vào mua rau cỏ chứ không dư giả gì. Ngày nào may mắn kiếm được khoảng 200.000 đồng, có ngày không được đồng nào. Tôi cũng không đi làm thường xuyên mà tùy tình hình sức khỏe, có khi một tháng chỉ đi thu mua đồng nát một vài ngày", bà Thực nói.

Cũng theo bà Thực, bà không dám nghĩ lâu dài mà chỉ biết trước mắt, được ngày nào hay ngày đó. Sau này khi không thể đi làm nữa, bà chỉ biết trông chờ vào khoản trợ cấp và sự quan tâm chăm sóc của các con. Các con có cuộc sống khá, quan tâm thì được nhờ...

Đôi bàn tay chai sạn, lem luốc của bà Thực. Ảnh: Quế Chi 

Bà Thực chỉ là một trong số nhiều người già vẫn phải làm việc để có thêm thu nhập sau khi đã đến tuổi nghỉ hưu, sức khoẻ suy giảm. Không có lương hưu, họ buộc phải tiếp tục làm các công việc chân tay để có một khoản tiền lo cho cuộc sống. Đây là gánh nặng đối với chính bản thân người cao tuổi và cả xã hội. 

Vào thời điểm tháng 6.2022, chuyên gia cao cấp về an sinh xã hội của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) chỉ ra rằng, Việt Nam có 16,5 triệu người lao động đang tham gia bảo hiểm xã hội, chỉ 33% trong tổng số lực lượng lao động hơn 50 triệu người. Trong 11,4 triệu người cao tuổi, mới chỉ có 4,3 triệu người đang được hưởng lương hưu (2,6 triệu đồng từ bảo hiểm xã hội và 1,7 triệu đồng từ bảo trợ xã hội).

Với tốc độ già hóa dân số hiện nay, nếu không nỗ lực mở rộng bao phủ bảo hiểm xã hội thì đến năm 2030, Việt Nam sẽ đối mặt với nguy cơ có 12 triệu người cao tuổi không có lương hưu. Đây sẽ là gánh nặng lớn đối với hệ thống an sinh xã hội trong tương lai.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn