MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Giữa tiết trời giá rét, anh Tiên đem theo thuốc thang, đồ ăn... mà các F0 nhờ mua.. Ảnh: NVCC

Không công nhân là F0 nào bị bỏ lại

LƯƠNG HẠNH LDO | 26/02/2022 11:28
Cảnh xa nhà thuê trọ tại nơi đất khách, quê người vốn đã khiến nhiều công nhân tại Khu công nghiệp Thăng Long (Đông Anh, Hà Nội) chạnh lòng thì nay họ càng mệt mỏi hơn khi biết mình chẳng may “dính” phải COVID-19. Trong lúc khó khăn hoạn nạn, có những người  sẵn sàng đưa tay cứu giúp họ.

Lần đầu tiên là... F0

Chị Phan Thị Thu Thủy (SN 1994, quê Phú Thọ) Thủy làm công nhân tại KCN Thăng Long đã được 2 năm, còn chồng chị làm giao hàng tại quận Cầu Giấy, Hà Nội. Để tiện cho công việc, chị Thủy vào ký túc xá của công ty để ở. Chồng chị vẫn thuê trọ tại quận Cầu Giấy, cách vợ khá xa. Vợ chồng chị phải để con nhỏ cho ông bà nội ở quê trông nom giúp.

Tối ngày 17.2, chị Thủy phát hiện mình dương tính với virus Sar-CoV-2 và phải cách ly một mình. Chị Thủy nhớ lại, tối hôm ấy chị cũng tiếp xúc trực tiếp với chồng nên dặn chồng chú ý sức khỏe và tự giác cách ly tại phòng trọ. Gia đình mỗi người một nơi, anh em bạn bè thân thiết đều cách ly nên chị Thủy phải tự xoay xở.

“Tôi chuẩn bị tinh thần trước là chẳng may mình cũng mắc COVID-19. Tâm lý thì đã chuẩn bị sẵn nhưng lúc nhận tin mình mắc cũng hoang mang lắm. Tôi cũng xác định là ăn uống gọi cho quán rồi trả tiền ship cho họ, còn thuốc men thì nhờ những bạn công nhân khác mua cho. Khổ nỗi cái là các bạn ấy cũng là F0, F1 nên rất khó” - chị Thủy bày tỏ.

Rơi vào cảnh tương tự, chị N.T.X (SN 1992, quê Phú Thọ) hiện đang là F0 thuê trọ tại xã Kim Chung, huyện Đông Anh. Chị X làm công nhân tại đây được hơn 10 năm nay. Chồng và hai con nhỏ ở quê, một mình chị X cũng tự xoay xở khi biết mình mắc COVID-19.

Trước đó, chị X đã chuẩn bị tâm lý nếu mình chẳng may là F0. “Ngày 22.2, tôi phát hiện mình mắc COVID-19. Ngoài nhờ chủ trọ và những người trong xóm trọ ra thì tôi cũng đã chuẩn bị một số đồ ăn, thuốc trước đó” - chị X chia sẻ.

Không có người thân bên cạnh, chị X vẫn lạc quan. Tuy nhiên, điều mà chị X lo lắng hơn cả là sợ mình lây nhiễm cho những người xung quanh. “Việc hạn chế tiếp xúc tối đa là điều cần thiết nên tôi cũng rất ngại nhờ mọi người đi mua đồ hộ” - chị X nói.

Không có F0 bị bỏ lại

2 năm làm công nhân, chị Thủy, chị X chưa bao giờ nghĩ mình rơi vào cảnh trớ trêu như vậy. Lướt facebook hai chị thấy thông báo “mua đồ hộ” của một người dùng facebook, chị Thủy mạnh dạn nhắn tin để nhờ giúp đỡ.

“Hôm đó tôi không nhờ được ai mà gọi ship ở ngoài họ cũng không có người ship. Sau đó tôi liên lạc với người đăng thông báo trên trang facebook đó. Ban đầu tôi cứ nghĩ là anh ấy sẽ thu tiền nhưng anh ấy lại không lấy đồng nào cả. Ngược lại còn rất nhiệt tình hỏi rõ tình trạng, những thứ tôi cần mua” - chị Thủy nói.

Người đàn ông đăng thông báo trên facebook đó là anh Phạm Văn Tiên (SN 1993) trú tại thôn Bầu, xã Kim Chung, huyện Đông Anh, TP.Hà Nội.

Từng nhiều lần bệnh tật, ốm đau một mình, anh Tiên thấm thía nỗi khổ của những người bệnh không người thân, bạn bè. Anh Tiên chia sẻ: “Hôm đầu tiên tôi đi mua đồ hộ các bạn ở xóm trọ cùng nhưng đa phần các bạn ấy đều là F1 nên tự đi được. Tôi nghĩ còn các bạn F0 khác mà không nhờ được ai thì phải làm thế nào. Thế là tôi đăng bài lên facebook, chia sẻ vào các hội nhóm, đính kèm số điện thoại của tôi vào đó để họ cần thì sẽ gọi cho tôi”.

Với công việc giao hàng và kiểm hàng tại kho, anh Tiên phải làm thông đêm từ 18h đến 7h sáng hôm sau. “Cứ buổi tối hoặc đêm đến, các F0 sẽ chủ động nhắn tin cho tôi nhờ mua đồ. Ghi đầy đủ những gì cần mua vào tin nhắn. Sau đó, sáng hôm sau tan làm tôi sẽ chủ động mua và đi ship lần lượt đến cho họ. Khi nào không có F0 gọi thì tôi tranh thủ ngủ để còn đi làm” - anh Tiên bày tỏ.

Anh Tiên có một cô con gái 8 tuổi. Mỗi ngày khi đi làm, anh đều gọi video call về cho con gái. “Cháu phải tự lập sớm và ở nhà một mình khi tôi đi làm. Cháu cũng rất hiểu chuyện. Lúc nào cháu cũng tự hào về bố, khoe bố với các bạn bè của cháu. Tôi yên tâm và càng có động lực để làm việc tốt cho đời hơn nữa” - anh Tiên chia sẻ.

Đã một tuần trôi qua kể từ khi anh Tiên thực hiện công việc này. Anh đã hỗ trợ gần 50 công nhân F0 mua thuốc, đồ ăn, đồ dùng sinh hoạt cần thiết khi họ thực hiện tự cách ly.

Khi được hỏi về dự định tương lai, anh Tiên cho biết anh sẽ giúp đỡ đến khi nào không còn F0 thì mới dừng lại, đơn giản, anh sống vì tình người. Không chỉ vậy, anh Tiên cũng rất mong muốn lan tỏa việc làm này đến nhiều người khác với hy vọng không một F0 nào bị bỏ lại.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn