MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Anh Nguyễn Đức Anh (sinh năm 1995, quê Tiền Giang) gặp nhiều khó khăn sau khi vợ sinh con. Ảnh: Chân Phúc

Không để công nhân bỏ nhà máy về quê sinh sống

Chân Phúc LDO | 17/03/2022 12:01
Giá xăng dầu leo thang, đạt mốc gần 30.000 đồng/lít xăng từ 15h ngày 11.3 đã kéo theo giá các loại hàng hóa thực phẩm tăng theo, điều này đang khiến những người lao động phải “đánh vật” giữa “bão giá”.

Khi 15.000 đồng một bó rau

“Ngày thường mua bó rau muống có 5.000 - 8.000 đồng, nay đã tăng theo lên đến 15.000 đồng. Những bữa ăn hôm trước cả gia đình chi khoảng 50.000 đồng/bữa và một ngày tầm 100.000 đồng nhưng nay 100.000 đồng rất khó để mua đủ thực phẩm cho cả gia đình như trước” - chị Hiền Lương, ngụ TP.Thủ Đức chia sẻ.

15 năm trước, chị Lương vào TPHCM lập nghiệp, những ngày đầu mới vào chị xin vào làm công nhân tại một công ty đóng trên địa bàn quận 9 (nay là TP.Thủ Đức). Sau đó chị kết hôn và đến nay hai người đã có với nhau một đứa con, rồi từ đó chị chuyển sang làm tự do.

Chị Lương cho biết, sau kết hôn, hai vợ chồng cố gắng làm ăn, cuộc sống không đầy đủ gì nhưng cũng gọi là “có đồng ra đồng vào”, trừ đi các khoản ăn uống, chi tiêu hằng ngày cũng dành ra được chút ít gọi là để dành chuẩn bị cho những ngày ốm đau hay có việc đột xuất. Ấy vậy mà, đùng cái, đợt dịch COVID-19 đến, công việc hai vợ chồng phải tạm ngưng, mất đi thu nhập, ba miệng ăn trong nhà phải nhờ đến số tiền tiết kiệm bấy lâu nay.

“Không đi làm, dù đã tiết kiệm lắm nhưng không trụ nổi, nhà lại có con nhỏ, được mấy đồng tiết kiệm phải mang ra dùng hết. Sau đó còn phải đi vay mượn và nhờ sự giúp đỡ của người thân, bạn bè mới có thể vượt qua giai đoạn khó khăn ấy” - chị Lương nhớ lại.

Sau Tết, dịch COVID-19 dần được kiểm soát, công việc hai vợ chồng dần ổn định trở lại nhưng rồi xăng dầu liên tục tăng giá, kéo theo hàng tá thứ tăng giá theo trong khi thu nhập của chị và chồng vẫn đứng yên.

“Ngày xưa cầm 100.000 đồng đi chợ, không nói là mua được nhiều nhưng cũng gọi là tạm đủ ba miệng ăn trong ngày của gia đình. Còn mấy hôm nay số tiền ấy đã không đủ nữa. Đâu chỉ giá thực phẩm tăng mà tất cả chi phí sinh hoạt khác đều tăng theo. Thắc mắc hỏi người bán thì ai cũng bảo do chi phí vận chuyển tăng. Cuộc sống lại khó khăn hơn rồi” - chị Lương than thở.

Trời vừa chập tối, đồng hồ mới điểm sang 18h, anh Hoàng Bắc, tài xế xe công nghệ (ngụ quận Gò Vấp, TPHCM) đã vội tắt app, chuẩn bị đi về. Anh Bắc cho biết, liên tục “nổ đơn” gần, loanh quanh 4 - 5km, nếu hủy nhiều sẽ bị công ty phạt, còn không hủy chấp nhận chạy thì không đủ tiền xăng nên đành tắt app, nghỉ sớm.

Anh Bắc tâm sự: “Một đơn hàng với quãng đường dưới 5km có đơn giá là 15.000 đồng, với mức giá xăng gần 30.000 đồng như hiện nay, nếu trừ hết các khoản chi phí thì... chả còn gì. Trước đây cứ 2 ngày đổ 3 lần xăng, mỗi lần 80.000 đồng, nhưng giờ một lần đổ đầy bình là hết 120.000 đồng. Giá xăng lên như thổi nên thu nhập bị giảm 40-50%”.

Tính chuyện rời phố về quê

Chúng tôi gặp bà Liên (58 tuổi, ngụ quận Bình Thạnh) khi đang ra chợ để mua thêm thực phẩm cho bữa tối của gia đình. Vừa rảo bước, dẫn chúng tôi về căn phòng trọ, nơi bà đang thuê nằm trên con hẻm ở đường Nguyễn Xí, quận Bình Thạnh, bà Liên chia sẻ: “Giá xăng dầu tăng, kéo theo cái gì cũng tăng, cái nào ít thì tăng 2.000 - 3.000 đồng, cái nào nhiều tăng đến cả chục nghìn, mỗi thứ một ít thành ra giờ đi chợ khó khăn lắm”.

Bà Liên cho hay, gia đình bà có 6 người, tương ứng là 6 miệng ăn. Mỗi ngày cả gia đình chi 200.000 đồng cho tất cả các khoản từ thực phẩm ăn uống là gạo, mắm, muối cho đến tiền điện, gas... “Các con, các cháu đi làm, tôi ở nhà lo chuyện cơm nước, thỉnh thoảng có thời gian rảnh thì đi nhận việc nội trợ kiếm thêm. Mấy hôm nay giá thực phẩm bắt đầu tăng, việc đi chợ vì thế cũng khó khăn hơn” - bà Liên nói.

Cách căn phòng của Bà Liên hơn 10 bước chân là nơi ở của vợ chồng anh Nguyễn Đức Anh (sinh năm 1995) và chị Nguyễn Thị Phát đang thuê. “Hôm nay mua thịt, rau sống, gia vị… tổng hết gần 200.000 đồng”, Đức anh nhẩm tính rồi nói với chúng tôi.

Lên TPHCM học tập rồi ở lại làm việc đã 10 năm trôi qua. Tháng 5.2021, Đức Anh kết hôn rồi thuê trọ sống tại đây, hiện vợ anh đang mang bầu. Đức Anh cho biết, đang làm thợ sửa chữa điện lạnh, mỗi tháng thu nhập từ 10 - 15 triệu đồng. “Thu nhập của em cũng không quá thấp, vợ cũng đang có bầu nên ngày nào đi chợ cũng cố gắng mua thật đầy đủ thực phẩm để bồi dưỡng sức khỏe cho vợ con nên chi phí bữa ăn nhiều hơn trước kia. Những ngày trước, mua rau sống chỉ tầm 30.000 đồng cho một bữa ăn là đủ nhưng mấy hôm nay phải tăng lên 50.000 đồng mới đủ. Giờ thực phẩm tăng giá nên mỗi ngày thường phải chi từ 150.000 - 200.000 đồng, hôm nào mà muốn đổi vị, “ăn sang” hơn thì lại chi nhiều hơn” - Đức Anh cười nói.

Đức Anh tâm sự, sau khi vợ sinh con 2 vợ chồng anh sẽ chuyển về quê Tiền Giang để sinh sống. “Nhà em vườn tược khá rộng, em cũng có nghề, về quê đi làm, ở nhà nuôi thêm con gà, con vịt nữa là sống tốt. Còn ở trên thành phố này hằng tháng ngoài tiền ăn uống cũng mất thêm tiền thuê phòng trọ hơn 3 triệu đồng, lương không đủ chi tiêu” - Đức Anh chia sẻ.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn