MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Chị Nguyễn Thị Thuỳ Linh sửa sang lại khoảng sân vườn của bố để sắp tới mở quán sau khi mất việc do dịch COVID-19. Ảnh: Đỗ Phương

Không để người lao động loay hoay tìm lối thoát

Đỗ Phương - Bảo Hân LDO | 29/06/2020 08:07
Đối với bất kỳ ai, thời gian sau khi mất việc đều rất khó khăn. Với những công nhân (CN), quãng thời gian này còn khó khăn chồng chất hơn nữa bởi họ vốn thu nhập thấp, nhiều người đã lớn tuổi, khó xin công việc mới.

Mừng rơi nước mắt khi kiếm được việc làm mới

Chị Lê Thị Tưởng (xã Vũ Vinh, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình) vốn làm công nhân (CN) Công ty (Cty) May Texhong (TP.Thái Bình). Chị cho biết, lương cơ bản của chị được trả là hơn 3,8 triệu đồng, nếu tăng ca (tuỳ mức) thì tổng thu nhập được từ 5-8 triệu đồng/tháng. Tuy vất vả nhưng thu nhập khá nên chị rất muốn gắn bó với công việc này. Song do tác động của dịch COVID-19, Cty không có đơn hàng nên chị bị mất việc làm từ ngày 21.3. 

Trong vòng 2 tháng sau khi bị mất việc, trừ quãng thời gian thực hiện giãn cách xã hội, chị Tưởng chạy nhiều Cty trong khu công nghiệp (KCN) để xin làm CN nhưng không được do nhiều nơi không có nhu cầu tuyển dụng. Ngoài ra, một lý do nữa là năm nay chị đã lớn tuổi (51 tuổi), rất khó để kiếm việc mới. Vì vậy, chị chỉ quanh quẩn ở nhà, dọn dẹp nhà cửa, trồng rau… thu nhập không có.

Có thời gian, chị nghĩ sẽ rất khó để kiếm được một công việc mới trong bối cảnh các DN đang bị tác động mạnh của dịch COVID-19. Phải đến ngày 18.5, chị mới xin được việc tại một Cty làm mành rèm... 

“Cty này nhỏ, chỉ có khoảng 300 CN thôi. Lương thử việc là 3,7 triệu đồng/tháng, thấp hơn so với Cty cũ. Tuy nhiên, Cty nhận cả những người đã lớn tuổi như tôi. Sau thời gian thử việc, Cty sẽ nhận chính thức và tôi được đóng nối bảo hiểm xã hội (BHXH)” - chị Tưởng nói. 

“Điều may mắn là tôi được đóng nối BHXH, chứ nếu không chắc là phải chấp nhận làm thủ tục hưởng BHXH một lần, sau này không có lương hưu” - chị Tưởng nói. 

Vay tiền mở quán nước 

Sau khi sinh bé thứ 2, chị Nguyễn Thị Thuỳ Linh (xã Thiệu Khánh, TP.Thanh Hoá, tỉnh Thanh Hoá) phải nghỉ hẳn ở nhà 2 năm để chăm con. Sau đợt nghỉ Tết Nguyên đán năm nay, khi cháu đã có thể đến trường, chị xin vào ở Cty TNHH Giầy Hồng Mỹ 1 (phường Tào Xuyên, TP.Thanh Hóa) làm CN. Vậy nhưng, vừa làm việc được hơn 1 tháng, vào cuối tháng 3, chị đã bị Cty cho nghỉ việc do ảnh hưởng của COVID-19.  

“Tôi không có việc làm, còn chồng tôi là thợ làm trần vách thạch cao, công việc bấp bênh, thu nhập không đều. Nếu chỉ trông chờ vào thu nhập của chồng, cuộc sống của gia đình sẽ rất chật vật. Nhưng, bây giờ, tôi muốn tìm việc mới cũng khá khó khăn…” - chị Linh nói.

Chị Linh cho hay, không thể chỉ ở nhà mà không làm gì nên đã quyết định vay mượn người thân để mở quán. Chị tận dụng khoảng sân vườn của bố mẹ để sắp tới mở quán bán nước ép, đồ ăn vặt, chỗ vui chơi cho trẻ nhỏ.

Để chuẩn bị cho việc mở quán, bước đầu chị Linh sẽ sửa sang và dọn dẹp lại khoảng sân của gia đình. Tiếp đến, chị tìm hiểu mua các thiết bị, máy móc, nguyên liệu cho quán; học cách ép nước từ hoa quả, cách làm đồ ăn vặt sao cho ngon ở trên Youtube.

“Tôi không có nhiều vốn, lại không đi học chuyên về ẩm thực nên phải chịu khó mày mò từ cái nhỏ nhất” - chị Linh cho biết thêm.

Ý kiến về đánh thuế thu nhập với khoản tiền trợ cấp công nhân nghỉ việc: Cần xem xét kỹ

Ông Trần Trọng Thái - Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Nam Định: Mặc dù đây là quy định của pháp luật, nhưng theo tôi, không nên thu thuế thu nhập tiền hỗ trợ thất nghiệp của công nhân (CN) khi họ bị mất việc do COVID-19. CN bị mất việc, đang lâm vào tình cảnh hết sức khó khăn, chưa biết sẽ kiếm việc làm trong thời gian sắp tới như nào, vì vậy, nên tạo điều kiện cho họ được hưởng 100% khoản tiền hỗ trợ thất nghiệp. Trong bối cảnh tác động của dịch COVID-19, DN còn được giảm thuế, thì Nhà nước cũng cần điều chỉnh quy định để người lao động (NLĐ) không cần phải nộp khoản thuế trên.

Chị Dương Thị Mai - CN KCN Thăng Long (huyện Đông Anh, Hà Nội): Theo tôi, đối với khoản tiền Cty hỗ trợ cho CN bị mất việc do COVID-19 không nên bị đánh thuế. Bản thân là CN nên tôi rất hiểu những sự khó khăn, thiếu thốn của CN. Do dịch COVID-19, công ty đang cho tôi nghỉ làm tháng 6-7, được hưởng 70% lương cơ bản. Trước đó, trong tháng 5, tôi chỉ đi làm 1,5 ngày. Tôi rất hiểu tình cảnh của những CN còn chịu cảnh khó khăn hơn khi bị mất việc. Hơn nữa, nhiều người trong số họ ở độ tuổi như tôi (35-40) sẽ rất khó xin việc mới sau khi bị mất việc. Vì vậy, khoản tiền hỗ trợ của công ty sẽ giúp CN rất nhiều trong thời gian khó khăn sắp tới. Nếu CN đi làm, hoặc có nguồn thu nhập vượt quá thì mới nên đánh thuế.

Anh Nguyễn Văn Tân - Chủ tịch CĐCS Công ty TNHH Hoisiden Việt Nam (huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang): Tôi biết, trong giai đoạn này, cả DN và NLĐ đều thiệt thòi vì dịch COVID-19. Tuy nhiên, nhiều loại thuế của DN đã được miễn, giảm, thì số tiền thuế thu nhập của khoản tiền hỗ trợ cho CN có ở mức phải thu hay không thì cần xem xét cho kỹ. Tôi thấy rằng, số tiền này không đáng là bao nhiêu. Quế Chi (ghi)

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn