MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
LĐLĐ thành phố Bảo Lộc trao khẩu trang và quà hỗ trợ người lao động. Ảnh Hoàng Thanh

Không để người lao động nào bị bỏ lại phía sau

Đố Đức Thiệm LDO | 14/08/2020 14:33

Các cấp công đoàn tỉnh Lâm Đồng tập trung mọi nguồn lực để chăm lo cho đoàn viên và người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19 với mục tiêu "không để người lao động nào bị bỏ lại phía sau".

Hiện, toàn tỉnh Lâm Đồng có khoảng trên 70 ngàn công nhân viên chức lao động (CNVCLĐ) trong đó có trên 65 ngàn đoàn viên công đoàn sinh hoạt tại 1.517 công đoàn cơ sở (CĐCS).

Với đặc thù kinh tế phát triển mạnh về dịch vụ du lịch và nông nghiệp công nghệ cao kết hợp với hình thức du lịch canh nông nên thời gian qua nhiều người lao động trong các doanh nghiệp của tỉnh bị ảnh hưởng trực tiếp của dịch bệnh COVID-19. Vì vậy, các cấp công đoàn trong tỉnh đã tập trung mọi nguồn lực ổn định tư tưởng cho đoàn viên và người lao động tích cực tham gia công tác phòng chống dịch bệnh đồng thời đảm bảo việc làm tiền công tiền lương cũng như quyền và lợi ích hợp pháp cho người lao động.

Xác định ổn định sản xuất của doanh nghiệp là giải pháp hiệu quả nhất để ổn định đời sống người lao động nên ngay từ khi chỉ đạo của Chính phủ về công tác phòng chống dịch COVID-19 Liên đoàn Lao động tỉnh đã kịp thời chỉ đạo và hướng dẫn các cấp công đoàn trong tỉnh chủ động bám sát cơ sở nắm chắc tình hình của doanh nghiệp và người lao động qua đó phối hợp với người sử dụng lao động tuyên truyền hướng dẫn người lao động chủ động thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch bệnh cho bản thân, gia đình và doanh nghiệp đảm bảo an toàn sức khỏe người lao động gắn với an toàn "sức khỏe" của doanh nghiệp.

Theo đó, các cấp công đoàn đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn tực tiếp cho người lao động kiến thức cơ bản và cơ chế lây lan cũng như cách phòng chống dịch bệnh COVID-19 để người lao động bình tĩnh không hoang mang lo sợ mà chủ động cùng người sử dụng lao động thực hiện các giải pháp đảm bảo cho sản xuất an toàn tại doanh nghiệp.

Ông Phạm Văn Được - Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh cho biết với tinh thần "chống dịch như chống giặc" ngoài việc phân công cán bộ công đoàn trực tiếp bám sát "cùng ăn cùng ở cùng chống dịch" với cơ sở thì công đoàn các cấp còn tăng cường sử dụng hiệu quả công nghệ thông tin trong tuyên truyền hướng dẫn người lao động thông qua hàng vạn tin bài và hình ảnh chính thống về phòng chống dịch bệnh được đăng tải chia sẻ trên trang thông tin điện tử, Facebook, Zalo của các cấp công đoàn đã được chuyển tải đến hầu hết người lao động trong tỉnh. Chính nhờ vậy, đã góp phần không nhỏ cùng với các cấp ủy Đảng chính quyền và ngành y tế địa phương làm tốt công tác phòng chống dịch không để xuất hiện ca dương tính với SARS-COV2 trên địa bàn tỉnh.

Cùng với đó công tác chăm lo đời sống cho người lao động cũng được các cấp công đoàn xây dựng với nhiều phương án kịch bản phù hợp với tình hình diễn biến của dịch bệnh và điều kiện ở mỗi cấp công đoàn và mỗi công đoàn cơ sở đảm bảo luôn chủ động nguồn lực kịp thời cả trước mắt và lâu dài với mục tiêu "không để người lao động nào bị bỏ lại phía sau".

Trao đổi với chúng tôi, bà Phạm Thị Phúc - Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh chia sẻ: ngoài nguồn lực tài chính của công đoàn thì các cấp công đoàn trong tỉnh đã chủ động huy động sự ủng hộ chung sức của người sử dụng lao động người lao động và cả xã hội hỗ trợ kịp thời cho người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19 cả về vật chất và tinh thần.

Cũng theo bà Phúc, thời gian qua đã có không ít doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh phải thu hẹp sản xuất hoặc tạm đóng cửa ngừng hoạt động do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 vì vậy đã ảnh hưởng đến việc làm và đời sống của hàng ngàn người lao động phải làm việc giãn ca, nghỉ luân phiên nghỉ phép năm hay nghỉ việc không hưởng lương thậm chí là bị chấm dứt hợp đồng lao động... các cấp công đoàn đã chủ động thương lượng với người sử dụng lao động thực hiện các giải pháp đồng hành cùng doanh nghiệp đảm bảo quyền lợi ích hợp pháp cho người lao động trong tình hình doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.

Các cấp công đoàn trong tỉnh đã phối hợp với ngành Lao động Thương binh và xã hội rà soát tổng hợp các trường hợp người lao động mất việc hoặc thiếu việc làm đề xuất UBND tỉnh hỗ trợ cho 133 người lao động bị mất việc làm với 193 triệu đồng. Đồng thời từ nguồn tài chính công đoàn và xã hội hóa các cấp công đoàn cũng đã kịp thời hỗ trợ trên 25.000 khẩu trang, trên 2.000 chai dung dịch rửa tay sát khuẩn và trên 05 tấn gạo, 220 thùng mỳ tôm, 680 thùng sữa cho các doanh nghiệp và người lao động thăm hỏi tặng quà tổ chức các "gian hàng không đồng"... cho 12.540 người lao động với số tiền trên 2,5 tỉ đồng.  

Bên cạnh đó cán bộ công đoàn chuyên trách toàn tỉnh đã ủng hộ 3 ngày lương trong trong 3 tháng để tập trung cùng với nguồn tài chính công đoàn hỗ trợ 762,5 triệu đồng cho 1.525 người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19 nhưng không đủ điều kiện nhận trợ cấp từ ngân sách nhà nước. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn