MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Tổ chức Công đoàn luôn quan tâm đến công tác nâng cao kỹ năng, tay nghề của người lao động. Ngày 20.2.2018, Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Bùi Văn Cường đến thăm, chúc Tết cán bộ, công nhân lao động Tổng Công ty May 10.Ảnh: HẢI NGUYỄN

Không để người lao động “tự bơi”

LINH NGUYÊN - QUẾ CHI LDO | 30/04/2018 07:30

Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang diễn ra trên toàn cầu, trí tuệ nhân tạo, robot sẽ dần sẽ thay thế lao động giản đơn, thì yêu cầu công nhân lao động có trình độ học vấn, chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp, có khả năng tiếp thu nhanh và làm chủ công nghệ mới càng trở nên cấp thiết. Tuy nhiên, việc nâng cao trình độ - không thể để cho người lao động tự lo một mình.

Tự tìm “chìa khóa”

Theo Viện Công nhân Công đoàn, cách mạng công nghiệp 4.0 diễn ra với đặc trưng giảm sức cơ bắp, tăng sự kết nối, tăng tốc độ tự động hóa hoàn toàn… Điều này dẫn đến hệ quả là lao động trong công việc giản đơn, lặp đi lặp lại (trong lĩnh vực dệt may, da giày, điện tử…) dễ bị thay thế hoàn toàn bởi máy móc.

Không ít CN trong các ngành bị tác động mạnh mẽ trên đã chủ động tìm hiểu về cách mạng công nghiệp 4.0 và chủ động tự bồi dưỡng, nâng cao tay nghề của mình. Anh Nguyễn Mạnh Thắng - CN trong một doanh nghiệp điện tử tại Khu công nghiệp Bắc Thăng Long - chia sẻ, cách mạng công nghiệp 4.0 tưởng chừng rất lạ lẫm, xa vời, nhưng tìm hiểu qua báo chí, anh được biết một ngày không xa trong tương lai, công việc tay chân như anh đang làm sẽ bị thay thế bởi robot. “Tôi mới ở độ tuổi đôi mươi, ngay cả khi cuộc cách mạng 4.0 đã được ứng dụng rộng rãi, tôi vẫn còn trong tuổi lao động, thậm chí còn khá nhiều năm lao động ở phía trước. Vì vậy, cứ tưởng tượng đến một ngày nào đó mình sẽ bị robot “tranh” mất việc, mình phải ra đường mà không biết đi đâu về đâu. Đó là một viễn cảnh khá đáng sợ” - anh Thắng nói.

Làm sao để vẫn có việc làm nếu như điều trên trở thành thực tế? Không còn cách nào khác là phải nâng cao trình độ, khả năng của mình. Anh Thắng nghĩ về điều đó và quyết định mày mò học thêm tiếng Anh, bởi anh nghĩ, tiếng Anh sẽ là chìa khóa để mở ra các cánh cửa khác. “Giả sử sau này nhà máy tự động hóa bằng robot, thì mình lúc đó, nếu có khả năng tiếng Anh sẽ tiếp cận được các tài liệu hay hướng dẫn để có thể điều khiển robot chẳng hạn. Mình cứ chuẩn bị, chứ nếu đến lúc đó cần mà không có thì không làm sao xoay xở được” - anh Thắng nói.

Ngoài giờ làm việc trong công xưởng, anh mày mò lên mạng, vào You Tube, các trang web dạy tiếng Anh để tự học. Cũng may anh đã có chút vốn tiếng Anh hồi học phổ thông, nên việc mày mò học cũng đỡ hơn.

Tuy nhiên, không phải ai cũng có được nhận thức và quyết tâm như anh Thắng. Việc nâng cao trình độ, kỹ năng, tay nghề của CN không thể để NLĐ tự bơi, mà cần phải có sự chung tay vào cuộc của các cơ quan chức năng từ cấp cao nhất cũng như của tổ chức CĐ.

Không thể để người lao động tự đối mặt

Trao đổi với Báo Lao Động, ông Chang - Hee Lee, Giám đốc ILO Việt Nam cho biết, cách mạng công nghiệp 4.0 và các FTA sẽ kết hợp cùng nhau đẩy nhanh sự thay đổi trong nền kinh tế và thị trường lao động. Nhìn chung, chúng ta có thể mong đợi cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và các FTA sẽ đem lại tiềm năng tích cực để tạo điều kiện chuyển đổi cơ cấu của nền kinh tế và đồng thời nâng cao năng suất và năng lực của các ngành công nghiệp của Việt Nam.

Hiệp định CPTPP (Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương) và EU - Việt Nam FTA, một khi được phê chuẩn, sẽ mang lại những lợi ích về kinh tế cho Việt Nam, thông qua việc tăng tính cạnh tranh về giá của các mặt hàng xuất khẩu Việt Nam trên những thị trường chính và đẩy mạnh FDI, thúc đẩy phát triển kinh tế và tạo ra hàng triệu việc làm, bao gồm cả trong các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Đồng thời, thay đổi công nghệ - đặc điểm đặc trưng của cách mạng công nghiệp 4.0 - sẽ tái cấu trúc sâu sắc bản chất của việc làm, về cả số lượng và chất lượng, trong các ngành sản xuất và dịch vụ. Nghiên cứu của ILO chỉ ra rằng những thay đổi công nghệ sẽ ảnh hưởng tới hầu hết các ngành, nhất là các ngành công nghiệp sản xuất. Ví dụ, ILO ước tính rằng 86% lao động làm công ăn lương trong ngành dệt may - da giày của Việt Nam có thể phải đối mặt với nguy cơ cao bị tự động hóa trong tương lai. Cách mạng 4.0 sẽ làm một số công việc biến mất nhưng đồng thời sẽ tạo ra nhiều công việc mới.

Đây là một thách thức phức tạp đối với cá nhân người lao động, những người không được chuẩn bị kỹ càng để ứng phó với sự thay đổi đó. Cá nhân người lao động không thể đoán trước được những công việc nào sẽ biến mất và những kỹ năng mới nào sẽ cần trong tương lai. Khi người lao động mất việc do thay đổi cấu trúc và công nghệ, họ không thể bị bỏ mặc và tự tìm công việc mới.

Với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, nhiều công việc giản đơn, lặp đi lặp lại có thể sẽ bị thay thế bởi robot. Trong ảnh: Công nhân đang làm việc tại một công ty chế tạo máy. Ảnh: QUẾ CHI

Từ trước đến nay, tổ chức Công đoàn luôn quan tâm đến công tác nâng cao kỹ năng, tay nghề của người lao động. Công tác này lại càng được quan tâm hơn trước bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra. Nghị quyết Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ XI được Tổng LĐLĐVN cụ thể hóa bằng Chương trình 1464/CTr-TLĐ ngày 8.10.2013 về “Nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp của đoàn viên và người lao động”. Trong những năm vừa qua, thực hiện chương trình này, Công đoàn đã tuyên truyền về tầm quan trọng của học tập nâng cao kỹ năng nghề nghiệp cho hơn 5,2 triệu đoàn viên và người lao động, chiếm tỷ lệ 50% trên tổng số đoàn viên Công đoàn cả nước. Cùng với đó, hơn 2,7 triệu đoàn viên và người lao động được nâng cao kỹ năng nghề nghiệp, chiếm tỷ lệ 26% trên tổng số đoàn viên Công đoàn cả nước. Số đoàn viên và người lao động được luyện tay nghề, thi thợ giỏi là 729.083 người.

Trong quá trình triển khai thực hiện chương trình, các cấp Công đoàn đã tích cực triển khai Quyết định 231/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh các hoạt động học tập suốt đời cho CNLĐ khu công nghiệp, đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, tổ chức cho đoàn viên và người lao động học tin học, ngoại ngữ, kỹ năng sống, kỹ năng nghề nghiệp…

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn