MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Người lao động Công ty Nidec Việt Nam (TPHCM) khai báo y tế trước khi vào làm việc. Ảnh: Đức Long

Không để sản xuất bị đứt gãy bởi dịch COVID-19

Nam Dương - Hà Anh Chiến LDO | 19/02/2021 08:21
Để vừa đảm bảo hoạt động sản xuất kinh doanh vừa phòng chống dịch COVID-19 hiệu quả sau khi công nhân lao động từ các tỉnh, thành khác quay lại làm việc sau Tết, các doanh nghiệp và tổ chức Công đoàn trên địa bàn các tỉnh, thành phía Nam như: TPHCM, Đồng Nai, Bình Dương... đã tăng cường nhiều giải pháp tổ chức sản xuất, siết chặt công tác phòng chống dịch.

Doanh nghiệp trả tiền cho công nhân phải cách ly

Trao đổi với phóng viên Báo Lao động trưa 18.2, ông Nguyễn Hữu Tuấn - Chủ tịch CĐ Cty Cổ phần Dệt may - Đầu tư thương mại Thành Công (Khu Công nghiệp Tân Bình, TPHCM) - cho biết, Cty đã tổ chức làm việc lại từ ngày 17.2 (mùng 6 Tết). Tỉ lệ công nhân đi làm lại trong ngày đầu tiên gần 90%. Số còn lại chủ yếu là nghỉ phép đến hết chủ nhật (21.2), một số ít nghỉ việc không phép. Ngay từ trước Tết, Cty đã khuyến cáo các CN có quê ở tỉnh Gia Lai và từ tỉnh Thanh Hóa trở ra không nên về quê mà ở lại TPHCM ăn Tết để góp phần phòng chống dịch COVID-19. Cty đã trả lại tiền vé tàu, xe cho các CN đã mua vé trước với số tiền gần 400 triệu đồng cho nhiều CN để họ không bị thiệt thòi khi ở TPHCM ăn Tết.

“Ngày đầu đi làm, Cty yêu cầu tất cả NLĐ phải khai báo y tế, những trường hợp đủ điều kiện vào làm việc ngay thì khi vào xưởng sẽ phải thực hiện đo thân nhiệt, đeo khẩu trang, rửa tay sát khuẩn. Cty vẫn duy trì vách ngăn trong phòng ăn để hạn chế giao tiếp khi ăn cơm.

Đối với các trường hợp NLĐ ở những vùng có dịch sau khi trở lại Cty làm việc, đều được yêu cầu cách ly ở nhà 14 ngày. Cty sẽ trả tiền lương cho những người phải về quê trong dịp Tết vì có lý do chính đáng, còn những người không có lý do chính đáng sẽ không được trả tiền” - ông Tuấn nói.

Tại Cty Nidec Việt Nam (Khu công nghệ cao, TP.Thủ Đức, TPHCM), ông Lưu Kim Hồng - Chủ tịch CĐ Cty cũng cho biết đã yêu cầu tất cả NLĐ khai báo y tế trước khi điểm danh bằng vân tay. Tại nơi điểm danh, những CN nào đã khai báo y tế, thì đèn sẽ báo xanh và qua cổng vào xưởng. Còn người chưa khai báo thì đèn báo đỏ, không qua cổng được và phải quay trở lại khai báo y tế.

Đối với một số CN trở lại từ 8 tỉnh, thành phía Bắc và Gia Lai, những nơi đang có dịch COVID-19, Cty yêu cầu chưa vào làm việc ngay mà cách ly tại nhà 14 ngày. Những CN này được hưởng 70% tiền lương cơ bản của từng người trong thời gian cách ly. Ngoài các biện pháp đo thân nhiệt, rửa tay sát khuẩn, đeo khẩu trang, Cty đã lắp đặt lại vách ngăn trong khu nhà ăn để tăng cường bảo vệ sức khỏe cho NLĐ.

Trang bị máy đo thân nhiệt, lắp vách ngăn tại bàn ăn ngăn ngừa COVID-19

Đồng Nai có trên 1,2 triệu lao động. Nếu chỉ tính riêng các khu công nghiệp (KCN) đã có hơn 535.000 lao động làm việc tại các công ty, nhà máy và có những doanh nghiệp có số lao động lên tới gần 40.000 người. Do đó, ngay từ những ngày làm việc đầu năm, công tác phòng chống dịch bệnh COVID-19 đã được các doanh nghiệp thắt chặt trở lại.

Tại Cty Taekwang Vina (có 35.000 công nhân) đã thành lập ban chỉ đạo để phòng chống dịch COVID-19, trong đó, tổ chức công đoàn là thành viên chủ chốt đưa ra các giải pháp sáng kiến để kiểm soát, phòng chống dịch bệnh.

Ông Đinh Sỹ Phúc - Chủ tịch CĐCS Cty Taekwang Vina - cho biết, để bảo vệ CN khỏi dịch bệnh, công đoàn cùng Cty đã tăng cường tuyên truyền cho NLĐ thực hiện đầy đủ các bước tự bảo vệ theo khuyến cáo của Bộ Y tế, thông qua rất nhiều kênh tuyên truyền như: Thông báo qua loa tại cổng, phát loa tại xưởng, phát video clip cho công nhân xem, phát tờ rơi… Ngoài ra, các trang bị khác như nước rửa tay sát khuẩn, máy sấy khô tay, máy rửa tay diệt khuẩn cũng được đặt tại tất cả nhà vệ sinh.

Tại Cty Taekwang Vina, các máy đo thân nhiệt trị giá hàng chục triệu đồng/máy cũng được trang bị.

“Công đoàn Cty cũng mua các máy camera tầm nhiệt, trang bị ngay tại cổng ra vào Cty để kiểm soát thân nhiệt của CNLĐ. Sau đó, những trường hợp cần thiết mới phải đo thân nhiệt trực tiếp bằng tay. Điều này giúp việc kiểm soát tốt hơn, nhanh hơn và tránh được phiền phức cho NLĐ” - ông Đinh Sỹ Phúc chia sẻ.

Trong khi đó, tại Công ty Changshin VN, Công đoàn cơ sở đã phối hợp với Ban giám đốc Công ty đã chủ động thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh và bắt buộc công nhân thực hiện nghiêm túc khuyến cáo của Bộ Y tế về “5K”: khẩu trang - khử khuẩn - khoảng cách - không tập trung đông - khai báo y tế...

Ngoài ra, công nhân khi đến công ty phải khai báo y tế chi tiết, đo thân nhiệt và sát khuẩn tại cổng công ty mới được vào làm việc. Nếu công nhân có biểu hiện ho, sốt sẽ được theo dõi tại phòng y tế công ty hoặc được nghỉ làm tự theo dõi, cách ly ở nhà hoặc đến các Trạm y tế xã, phường để khai báo y tế, theo dõi. Ngoài ra, công ty còn triển khai các vách ngăn tại các bàn ăn trong bữa ăn giữa ca của công nhân, chia các bữa ăn thành nhiều khung giờ khác nhau… để đảm bảo việc phòng chống dịch bệnh COVID-19 tốt nhất.

Bình Dương: Nắm chắc tình hình lao động, tạo điều kiện cho Doanh nghiệp sản xuất đầu năm

Tại cuộc họp đầu năm mới vào ngày 17.2, ông Trần Văn Nam - Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương cho rằng, sau Tết, người lao động trở lại Bình Dương làm việc đông nên nguy cơ dịch bệnh COVID-19 có thể bùng phát bất cứ lúc nào. Do đó, các cấp, ngành, địa phương không chủ quan lơ là, phải nắm chắc tình hình lao động, thực hiện việc khai báo y tế, chú trọng đến việc giãn cách xã hội hợp lý, nhằm đảm bảo vừa phòng, chống dịch vừa gắn với phát triển kinh tế. Các ngành chức năng, địa phương cần có phương án tháo gỡ khó khăn doanh nghiệp kịp thời ổn định sản xuất.​

Ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh đã triển khai yêu cầu các doanh nghiệp, nhà máy, xí nghiệp thực hiện nghiêm công tác phòng, chống dịch. Các doanh nghiệp áp dụng các biện pháp cần thiết như đeo khẩu trang, đo nhiệt độ, sát khuẩn... trước khi vào nhà xưởng; lập vách ngăn khi ngồi ăn ca, tiến hành phun khử khuẩn nhà máy mỗi ngày...

Bà Nguyễn Kim Loan - Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Bình Dương đã yêu cầu công đoàn cấp trên, công đoàn cơ sở phối hợp với doanh nghiệp thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch bệnh. Kịp thời phát hiện những lao động về từ vùng dịch (nhất là Hải Dương), nắm thông tin và báo cho địa phương và Liên đoàn Lao động tỉnh biết để có phương án xử lý kịp thời. Đình Trọng

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn