MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Người lao động được tiếp cận gói vay vốn từ Công đoàn Hải Phòng. Ảnh: Mai Dung

Không để tín dụng đen tiếp cận công nhân lao động Hải Phòng

Mai Dung LDO | 30/05/2023 11:21
Tăng cường tuyên truyền, cảnh báo, đa dạng gói vay vốn hợp pháp… là những giải pháp các cấp Công đoàn Hải Phòng cùng các ban, ngành liên quan triển khai nhằm đẩy lùi, ngăn chặn “tín dụng đen” trong công nhân, lao động.

Nguy cơ công nhân mất việc làm tìm đến tín dụng đen

Thông tin tại buổi đối thoại giữa Thường trực Thành uỷ với công nhân viên chức, lao động (CNVCLĐ) ngày 27.5, đại tá Phạm Viết Dũng - Phó Giám đốc Công an thành phố - cho biết, đầu năm 2023, nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn trong sản xuất kinh doanh do thiếu đơn hàng, phải cắt giảm lao động hoặc cho công nhân nghỉ việc luân phiên, không làm tăng ca ảnh hưởng đến thu nhập và đời sống của công nhân, từ đó tiềm ẩn nguy cơ công nhân mất việc làm tìm đến vay mượn tín dụng đen.

Năm 2022 và đầu năm 2023, Công an TP.Hải Phòng đấu tranh xử lý 2 vụ việc liên quan đến tín dụng đen. Trong đó, có trường hợp người lao động vay với số tiền ban đầu là 50 triệu đồng nhưng phải trả cho đối tượng 917 triệu đồng….

Đáng nói, khi người lao động không có khả năng trả nợ, các đối tượng đòi nợ gửi thư, sử dụng sim rác, phần mềm đổi giọng để gọi điện, nhắn tin với lời lẽ thô tục, bất kể ngày đêm (số lượng lên đến hàng trăm cuộc) đến các lãnh đạo, phòng nhân sự, kế toán... nơi người lao động làm việc, nhằm gây áp lực buộc người vay phải trả tiền...

Lãnh đạo Công an TP.Hải Phòng thông tin về tình hình tín dụng đen trong công nhân lao động. Ảnh: Mai Dung

Cụ thể như tại Công ty TNHH Regina Miracle International Việt Nam (Khu công nghiệp VSIP), hàng chục cán bộ, công nhân viên (trong đó có cả tổng giám đốc người nước ngoài) thường xuyên nhận được các tin nhắn, cuộc gọi khủng bố, đe dọa, gây tâm lý bức xúc, bất an cho người lao động tại nhiều cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn.

Đa dạng gói vay hỗ trợ người lao động

Trước tình hình tín dụng đen ảnh hưởng đến đời sống người lao động, chị Nguyễn Thị Lan - công nhân Công ty TNHH Sao Vàng - mong mỏi: “Chúng tôi mong thành phố có những giải pháp hỗ trợ cho công nhân lao động, giúp cho công nhân lao động tiếp cận nguồn vốn hợp pháp để hạn chế tín dụng đen”.

Theo thông tin từ Ngân hàng nhà nước chi nhánh Hải Phòng, đối với đối tượng chính sách, người nghèo, người không có tài sản bảo đảm, người lao động có thu nhập thấp, Ngân hàng Chính sách xã hội - Chi nhánh Hải Phòng đang triển khai nhiều chương trình tín dụng chính sách để đáp ứng nhu cầu vốn sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng chính đáng với lãi suất ưu đãi, thấp hơn so với lãi suất cho vay thương mại của các ngân hàng thương mại, công ty tài chính và không cần tài sản bảo đảm. Người nghèo, người không có tài sản bảo đảm, người lao động thu nhập thấp, không thể chứng minh được tài sản bảo đảm có thể tiếp cận các khoản vay của công ty tài chính tiêu dùng, tổ chức tài chính vi mô, quỹ tín dụng nhân dân.

Quảng cáo tín dụng đen bủa vây các khu nhà ở công nhân. Ảnh: Mai Dung

Hải Phòng hiện có mô hình Tổ chức tài chính vi mô tình thương (TYM) - Chi nhánh Hải Phòng. Tính đến ngày 30.4.2023, tổ chức này có dư nợ cho vay đạt 131 tỉ đồng, các khoản cho vay này đều không yêu cầu tài sản bảo đảm.

Ngoài ra, theo thông tin từ Quỹ trợ vốn CNVCLĐ nghèo Liên đoàn Lao động TP.Hải Phòng, ngoài gói vay tối đa 50 triệu đồng để phát triển kinh tế, xây sửa nhà, mua sắm thiết bị… với thời hạn 36 tháng như đã triển khai nhiều năm qua, mới đây, quỹ bổ sung sản phẩm mới là gói cho vay ngắn hạn (thời hạn 12 tháng) cho người lao động có nhu cầu vay phát triển kinh tế, khám chữa bệnh cho bản thân, người thân… Lãi suất cũng được điều chỉnh thấp hơn so với trước, thời gian giải ngân có thể rút ngắn còn 24h để hỗ trợ tối đa người lao động trong lúc khó khăn, hạn chế người lao động tìm đến tín dụng đen để lại hệ quả nghiêm trọng…

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn