MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Buổi làm việc của công đoàn cùng các cơ quan chức năng liên quan tại công ty sáng 2.8 để giải quyết vụ ngừng việc liên quan đến tăng lương cơ bản. Ảnh: NVCC

Không đồng tình mức tăng lương, 1.600 công nhân ngừng việc

Bảo Hân LDO | 02/08/2024 15:58

Công đoàn, các cơ quan chức năng tại tỉnh Bắc Giang tích cực vào cuộc giải quyết vụ việc 1.600 công nhân ngừng việc liên quan đến tăng lương cơ bản.

Sáng 2.8, khoảng 1.600 công nhân Công ty TNHH KD Sports Việt Nam (thị trấn Thắng, huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang) vẫn tiếp tục ngừng việc tập thể để đề nghị lãnh đạo công ty giải quyết các kiến nghị của người lao động.

Công ty TNHH KD Sports Việt Nam chuyên may công nghiệp, là doanh nghiệp 100% vốn Hàn Quốc, tổng số công nhân lao động khoảng 1.600 người, làm việc tại 3 xưởng.

Trao đổi với phóng viên sáng 2.8, ông Ngô Quang Tuấn - Chủ tịch Liên đoàn Lao động huyện Hiệp Hoà - cho biết, ông cùng đại diện các cơ quan chức năng đang tích cực vào cuộc giải quyết vụ việc.

Ông Tuấn cho biết, thực hiện Nghị định 74 của Chính phủ, ngày 22.7, công ty chủ động tăng lương cơ bản của công nhân thêm 220.000 đồng/người/tháng; tiền ăn ca điều chỉnh tăng từ mức 20.000 đồng/bữa lên mức 25.000 đồng/bữa.

Ngoài ra, công nhân làm việc tại phòng lông, bông, in… được tăng phụ cấp từ mức 6.000 đồng/người/ngày lên mức 10.000 đồng/người/ngày.

“Tuy nhiên, sau khi nhận được thông báo này, công nhân không đồng tình, muốn lương cơ bản tăng thêm 260.000đ/người/tháng; tăng phụ cấp từ 600.000 đồng/người/tháng lên 700.000 đồng/người/tháng” - ông Tuấn cho biết.

Ngoài ra, công nhân còn nêu lên một số đề nghị khác, nhưng công ty chưa giải quyết.

Sau đó, Ban Chấp hành Công đoàn cơ sở công ty sau khi tổng hợp các ý kiến kiến nghị gửi lên lãnh đạo doanh nghiệp. Tuy nhiên, cũng như lần trước, công ty chưa giải quyết các nội dung kiến nghị này.

Theo báo cáo của Liên đoàn Lao động tỉnh Bắc Giang, do chưa có kết quả giải quyết từ ban lãnh đạo công ty, khoảng 8 giờ ngày 1.8, toàn bộ công nhân lao động của xưởng 2 (600 người) ngừng việc tại chỗ. Đến 10 giờ, toàn bộ công nhân lao động của công ty (1.600 người) đã ngừng việc và ở trong khuôn viên của công ty, yêu cầu Ban Giám đốc giải quyết các kiến nghị của người lao động.

Khi sự việc xảy ra, Liên đoàn Lao động huyện, Phòng Lao động Thương binh và Xã hội huyện, Công an huyện và Ban chấp hành Công đoàn cơ sở, đại diện tập thể người lao động đã tổ chức làm việc với ban lãnh đạo công ty.

Ban lãnh đạo công ty đưa ra phương án giải quyết tăng lương cơ bản lên 235.000 đồng; từ tháng 8.2024, sẽ tính tiền tăng ca căn cứ vào tổng lương cơ bản cộng với tiền chuyên cần cộng với 50% tiền thâm niên hiện hưởng của công nhân, (từ tháng 1.2025) sẽ tính 100% tiền thâm niên của công nhân.

Công ty đồng ý đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc theo mức quy định của công ty đang thực hiện + phụ cấp trách nhiệm + phụ cấp thâm niên nhưng sẽ tăng sản lượng lên 15%.

Tuy nhiên, công nhân lao động không đồng ý các nội dung trên và tiếp tục đề nghị giải quyết các kiến nghị: Tăng lương cơ bản 260.000 đồng; tăng xăng xe, chuyên cần thêm 100.000 đồng; không tăng sản lượng; lương cơ bản thực lĩnh cộng với xăng xe, chuyên cần, thâm niên để chia tiền tăng ca; lương được tính theo mức lương cơ bản thực lĩnh, không áp dụng mức lương doanh nghiệp đang đóng bảo hiểm cho người lao động. Công nhân cũng đề nghị tất cả các khoản tăng trên được áp dụng từ 1.7.2024.

Sau khi thương lượng lần thứ 2, ban lãnh đạo công ty đã đồng ý tăng lương cơ bản lên 250.000 đồng từ 1.7.2024; từ tháng 8.2024 sẽ tính tiền tăng ca căn cứ vào tổng lương cơ bản cộng với tiền chuyên cần cộng với tiền thâm niên hiện hưởng của công nhân; đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc theo mức lương cơ bản của công ty với các phụ cấp được đóng bảo hiểm xã hội theo quy định từ 1.7.2024 nhưng sản lượng giao cho giám đốc xưởng quyết định.

Tuy nhiên, tập thể người lao động không đồng ý các nội dung trên và tiếp tục ngừng việc tập thể và đến 16 giờ 30 phút cùng ngày, cơ bản công nhân lao động rời khỏi công ty.

Ông Ngô Quang Tuấn cho biết, với mức tăng này, lương cơ bản dao động từ 4,4 triệu đồng - 5 triệu đồng/tháng, cao hơn mức lương tối thiểu vùng áp dụng trên địa bàn từ 15-28%. Hiện mức lương tối thiểu vùng áp dụng tại huyện Hiệp Hòa là 3.860.000 đồng/tháng.

Trao đổi với phóng viên sáng 2.8, ông Lê Đức Thọ - Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Bắc Giang - cho biết, Liên đoàn Lao động tỉnh sẽ phối hợp chỉ đạo nắm chắc tình hình và tiếp tục đàm phán với lãnh đạo công ty để giải quyết thỏa đáng kiến nghị của người lao động đồng thời tuyên truyền vận động công nhân đảm bảo an ninh trật tự, chấp hành quy định và trở lại làm việc.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn