MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Lấy mẫu test nhanh cho người lao động ở nhà trọ tại Sông Mây, xã Bắc Sơn, huyện Trảng Bom. Ảnh: CDC Đồng Nai

Không đủ xe buýt đưa rước, 4 công ty phải cho 34.000 công nhân nghỉ làm

HÀ ANH CHIẾN LDO | 18/07/2021 18:20

Mặc dù không nằm trong khu vực bị phong toả, nhưng do không đáp ứng được yêu cầu phải có xe đưa rước công nhân đi làm, 4 công ty trong Khu công nghiệp Sông Mây (huyện Trảng Bom, Đồng Nai) phải cho công nhân nghỉ làm một tuần.

Ngày 18.7, trao đổi với phóng viên Báo Lao Động, ông Lê Quốc Thanh, Tổng giám đốc điều hành Tập đoàn Phong Thái cho biết, Tập đoàn đã cho toàn bộ 34.000 công nhân làm việc tại 4 công ty trong Khu công nghiệp Sông Mây nghỉ việc trong thời gian 1 tuần, chờ thông báo mới.

Trước đó, UBND huyện Trảng Bom (Đồng Nai) đã thiết lập vùng cách ly y tế phòng chống dịch COVID-19 trên địa bàn phạm vi xã Bắc Sơn và xã Hố Nai 3, huyện Trảng Bom, nhưng trừ ra Khu công nghiệp Hố Nai, Khu công nghiệp Sông Mây, cụm công nghiệp Hố Nai 3 và Hải quan Thống Nhất. Thời gian áp dụng từ ngày 17.7.

Mặc dù Khu công nghiệp Sông Mây không nằm trong khu vực cách ly y tế, nhưng theo ông Thanh, địa phương có chủ trương yêu cầu khi NLĐ đến công ty làm việc phải di chuyển bằng xe buýt đưa rước công nhân, trong khi công nhân phần lớn là đi làm bằng xe máy.

"Chúng tôi đã thống kê tất cả số lượng xe buýt nhưng không đáp ứng đủ số lượng, vì xe buýt hiện nay chỉ được chở được 50% người nhằm đảm bảo công tác giãn cách chống dịch, trong khi số lượng công nhân quá lớn (34.000 công nhân) nên chúng tôi đành phải cho công nhân nghỉ làm. Trước hết là nghỉ 1 tuần", ông Thanh chia sẻ.

Ngoài ra, theo Liên đoàn Lao động huyện Trảng Bom, công nhân đi làm tại KCN Hố Nai mặc dù không bị phong toả nhưng cũng rất khó khăn, phải đi đường vòng. Ông Lê Đức Thụy, Chủ tịch Liên đoàn Lao động huyện Trảng Bom cho biết: Khu công nghiệp Sông Mây có khoảng 50 doanh nghiệp, trong đó Tập đoàn Phong Thái chiếm số lượng lớn nhất. Khu công nghiệp Hố Nai có 74 doanh nghiệp.

"Hiện chúng tôi đang tích cực hỗ trợ công nhân để đảm bảo công tác phòng dịch cũng như đảm bảo chuỗi sản xuất tại doanh nghiệp không bị đứt gãy", ông Thuỵ chia sẻ.

Trao đổi với phóng viên báo Lao động, bà Vũ Thị Minh Châu – Chủ tịch UBND huyện Trảng Bom cho biết, trọng tâm của huyện Trảng Bom hiện nay là tập trung vào công tác phòng chống dịch bệnh COVID-19 tại xã Bắc Sơn và xã Hố Nai 3. Do vậy, huyện vẫn làm đúng theo nguyên tắc phong toả.

Tập đoàn Phong Thái có 4 Công ty sản xuất trong Khu công nghiệp Sông Mây với 34.000 công nhân bao gồm: Công ty giày Việt Vinh (Việt Vinh 1), Công ty Dona Pacific (Việt Vinh 2), Công ty Đông Phương (Việt Vinh 3) và Công ty Dona Victor Molds.

Ngoài ra, Công ty giày Dona Standard, Khu công nghiệp Xuân Lộc, huyện Xuân Lộc (có 33.000 công nhân) – thuộc tập đoàn Phong Thái cũng đã cho 6.700 công là người thuộc tỉnh Bình Thuận tạm nghỉ việc để phòng chống dịch bệnh COVID-19.

Mọi chế độ tiền lương, phụ cấp trong thời gian tạm nghỉ sẽ được áp dụng chi trả theo đúng quy định của luật hiện hành.

Tập đoàn Phong Thái có số công nhân lao động đông nhất tại tỉnh Đồng Nai với số lượng 67.000 công nhân.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn