MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Trung bình cứ hai năm, Cty Samsung điều chỉnh giá bữa ăn ca cho NLĐ. Năm 2018, bữa ăn sẽ tăng thêm 3.000 đồng/suất lên 28.000 đồng/suất. Ảnh: HẢI NGUYỄN

Không đưa những chi phí khác vào chi phí bữa ăn ca

NHÓM PV LDO | 10/01/2018 11:00

Trong Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Tổng LĐLĐVN khóa XI về chất lượng bữa ăn ca của người lao động (NLĐ) nêu rõ: “Các CĐCS thực hiện giám sát chất lượng bữa ăn ca, đưa nội dung đảm bảo bữa ăn ca của NLĐ vào nội dung đối thoại, thương lượng tập thể và ký kết TƯLĐTT phù hợp với mục tiêu nghị quyết; tham gia với người sử dụng lao động không đưa những chi phí khác (gas, vận chuyển, phục vụ…) vào chi phí bữa ăn ca”.

Lấy lượng calo để xây dựng bữa ăn

Ông Đinh Sỹ Phúc - Chủ tịch CĐCS Cty Taekwang Vina, KCN Biên Hòa 2, Đồng Nai - cho biết: “Do chúng tôi mua thực phẩm với số lượng lớn nên giá rẻ hơn, nhưng vẫn đảm bảo thực phẩm tươi, sống, sạch, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, từ đó bữa ăn của công nhân mới đủ năng lượng, đủ chất. Tại Cty Taekwang Vina, mỗi ngày, công nhân được cung cấp bữa ăn đảm bảo đủ 2.400 calo, trong đó mỗi bữa ăn phải đảm bảo từ 980 -1.200 calo, phục vụ cho 35.000 công nhân.

Ngoài ra, hằng ngày chúng tôi còn phỏng vấn công nhân về các món ăn, món nào không thích thì thay đổi, món nào công nhân thích thì tăng lên; tổ chức thử bữa ăn hằng tháng theo tiêu chí bếp ăn phải đảm bảo đủ năng lượng, đảm bảo chất lượng bữa ăn cho NLĐ”.

Một đại diện doanh nghiệp (DN) cũng cho biết: “Nếu tính ra tiền thì hiện nay suất ăn của mỗi công nhân đạt 20.000 đồng/suất ăn. Tuy nhiên, căn bản chúng tôi dựa vào lượng calo công nhân được tiêu thụ trong mỗi bữa ăn để đánh giá bữa ăn đó đảm bảo chất lượng. Cụ thể tại Cty, mỗi bữa ăn có giá trị 1.960 calo, thực đơn thay đổi liên tục và phải đảm bảo công nhân được ăn đồ tươi, sạch, bao gồm cả món tráng miệng. Ngoài ra, chúng tôi có tới 3 đơn vị giám sát chất lượng bữa ăn công nhân”.

Theo bà Kiều Ngọc Hoa - Chủ tịch CĐ Cty TNHH Samsung Electronics HCMC CE Complex: Để có được sự hài lòng của NLĐ về chất lượng bữa ăn, Cty đã thực hiện nhiều chương trình lấy ý kiến, khảo sát và làm việc với nhà bếp. Sau khi rời nhà ăn, mỗi người sẽ dùng thẻ nhân viên của mình để đánh giá chất lượng bữa ăn theo cấp độ: Tốt - Bình thường - Không tốt tại máy đo chất lượng bữa ăn. Mỗi ngày, bộ phận quản lý căng tin sẽ lấy kết quả để làm việc với nhà bếp. Sau một tháng sẽ ra một biểu đồ, nếu món ăn nào NLĐ không hài lòng, đánh giá không tốt sẽ bị thay thế.

Về quản lý chất lượng bữa ăn, Cty có Ban An toàn lao động phụ trách kiểm tra chất lượng, nguồn gốc, xuất xứ thực phẩm đưa vào. Toàn bộ thực phẩm mua đều phải có nguồn gốc xuất xứ, hóa đơn của siêu thị mà Cty chỉ định mua. Cty còn có Ban Quản lý căng tin sẽ kiểm tra nhà bếp, nấu nướng. CĐ sẽ phối hợp với Ban An toàn lao động và Quản lý căng tin kiểm tra đột xuất và có ý kiến thay đổi nếu thấy có vấn đề hoặc nhận được phản ảnh của NLĐ về chất lượng bữa ăn.

“Trung bình cứ hai năm, Cty sẽ điều chỉnh giá bữa ăn ca cho NLĐ. Năm 2018, bữa ăn sẽ tăng thêm 3.000 đồng/suất tức 28.000 đồng/suất. Việc tổ chức tốt bữa ăn ca cho NLĐ góp phần giúp tâm lý NLĐ thoải mái, có sức khỏe, nâng cao hiệu quả công việc, gắn bó lâu dài hơn với Cty” - bà Hoa đánh giá.

Quyết tâm đưa nội dung bữa ăn ca vào TƯLĐTT

Các KCN-CX Hà Nội hiện có 311 DN có tổ chức CĐ, trong đó có 58,6% số đơn vị đã đưa mức bữa ăn ca vào TƯLĐTT. Việc đàm phán, thương lượng với người sử dụng lao động về TƯLĐTT nói chung, trong đó có nội dung về bữa ăn ca luôn được các cấp CĐ trong hệ thống CĐ các KCN-CX Hà Nội quan tâm.

Theo ông Nguyễn Đình Thắng - Phó Chủ tịch CĐ các KCN-CX Hà Nội - kinh nghiệm là dựa vào hai yếu tố để tổ chức chỉ đạo thương lượng về bữa ăn ca. Thứ nhất là dựa trên mức chung về bữa ăn ca của từng khu vực, từng KCN, bởi mặt bằng từng KCN có sự khác nhau; thứ hai là căn cứ theo ngành nghề lao động nặng nhọc, ít nặng nhọc để đàm phán, thương lượng với người sử dụng lao động ở các DN mới mang lại kết quả hơn.

Đối với những DN chưa có tổ chức CĐ, đơn cử như Cty TNHH Kein Hing Muramoto Việt Nam, trong năm 2016, CĐ các KCN-CX Hà Nội đã tổ chức hội nghị lấy ý kiến của NLĐ Cty, đóng góp sửa đổi, bổ sung nội quy lao động của Cty, đặc biệt là các nội dung dự thảo của bản TƯLĐTT; qua đó, bản TƯLĐTT lần thứ nhất của Cty đã được ký kết ngày 1.9.2016, trong đó có mức bữa ăn ca là 24.000 đồng/suất.

Sau một năm thực hiện, để chăm lo tốt hơn đời sống vật chất, tinh thần cho NLĐ, CĐ các KCN-CX Hà Nội tiếp tục tổ chức hội nghị lấy ý kiến NLĐ để sửa đổi, bổ sung TƯLĐTT nhằm mang lại lợi ích tốt hơn cho NLĐ. Trải qua quá trình đàm phán, thương lượng, bản TƯLĐTT năm 2017 của Cty TNHH Kein Hing Muramoto Việt Nam gồm 19 điều, trong đó có thêm các điều khoản mới có lợi hơn cho NLĐ; riêng tiền bữa ăn ca cho NLĐ được điều chỉnh tăng từ 24.000 đồng/suất lên 28.000 đồng/suất.

Ông Dương Văn Thái - Chủ tịch CĐ các KCN tỉnh Thái Nguyên - cho biết, tại các KCN tỉnh Thái Nguyên có 31/40 DN có bếp ăn ca cho NLĐ, đạt tỉ lệ 78%. Có 4 DN không có bếp ăn nhưng vẫn tổ chức ăn ca cho NLĐ tại các địa điểm khác. Tỉ lệ các DN tổ chức ăn ca cho NLĐ đạt 88%. Chất lượng ăn ca đều đạt và vượt tiêu chí do Tổng LĐLĐVN đề ra. Trong đó, 93,5% số DN có mức ăn ca đạt từ 18.000 - 30.000 đồng/suất.

Một số DN đặt suất ăn có giá cao để bảo đảm sức khỏe lâu dài cho NLĐ. Đáng chú ý, trong ký kết TƯLĐTT, 90% số CĐCS đưa nội dung cải thiện bữa ăn ca cho NLĐ. CĐCS các DN tích cực thương lượng, đối thoại, xây dựng quy chế phối hợp với người sử dụng lao động giám sát thực hiện, bảo đảm không để xảy ra ngộ độc tập thể do chất lượng bữa ăn giữa ca kém.

Bà Nguyễn Thị Như Ý - Phó Chủ tịch Thường trực LĐLĐ tỉnh Đồng Nai - cho biết: “Có 91% số DN trên địa bàn tỉnh thực hiện bữa ăn giữa ca với mức từ 16.000 - 23.000 đồng/suất/người. Nhìn chung, bữa ăn ca của NLĐ luôn được giám sát chặt chẽ từ khâu nhập nguyên liệu đến khâu chế biến. Các DN thực hiện suất ăn công nghiệp do các đơn vị được cơ quan chức năng cấp phép đều được lưu mẫu để kiểm tra về an toàn vệ sinh thực phẩm. Do vậy, kết quả trong những năm gần đây trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đã không xảy ra tình trạng công nhân bị ngộ độc thực phẩm”.

Cty TNHH Nidec Việt Nam (quận 9, TPHCM) tổ chức 3 bữa ăn cho công nhân gồm sáng - trưa - tối. Hai bữa ăn chính có giá 16.000 đồng. Ông Lưu Kim Hồng - Chủ tịch CĐ Cty - cho biết: 16.000 đồng là giá của thực phẩm, lương thực tạo nên bữa ăn mà Cty chi trả cho đơn vị nấu, không bao gồm chi phí điện, nước, phục vụ, cơ sở hạ tầng. Cty đưa chất lượng bữa ăn ca vào TƯLĐTT với nội dung “Đảm bảo bữa ăn đủ chất, hợp vệ sinh” mà không ghi cụ thể giá.
Theo ông Hồng, vì giá cả luôn biến động nên không thể chốt một mức giá. Chưa kể, giá cả ở các vùng miền khác nhau, 15.000 đồng ở các tỉnh thành thuộc khu vực I (tính theo khu vực của Nghị định Chính phủ về tiền lương tối thiểu) phải khác với giá cả ở khu vực III. Nếu doanh nghiệp ở khu vực I áp giá 15.000 đồng/suất, bao gồm cả tiền điện, gas thì bữa ăn của NLĐ không còn bao nhiêu. Cho nên, khi quy định về mức giá bữa ăn giữa ca cũng nên dựa trên mức tiền lương giữa các vùng để có mức giá phù hợp.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn