MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Sau Tết, không ít người lao động muốn "nhảy việc" vì muốn tìm kiếm cơ hội tăng thu nhập, đổi môi trường làm việc.

Không ít người lao động "nhảy việc" sau Tết do đâu?

Thư Phương LDO | 15/02/2022 19:00
Ông Lê Tuấn Anh - Trưởng phòng Nhân sự Công ty Trà Cozy - cho biết, trên thực tế, ở công ty nào cũng sẽ có những người lao động nghỉ việc sau Tết Nguyên đán. Ở công ty ông, đối với công nhân xin nghỉ, lý do họ ghi rất đơn giản là bận việc gia đình.

Theo ông Lê Tuấn Anh, sau Tết Nguyên đán năm 2022, Công ty Trà Cozy có 12 người nghỉ việc. Đây là những lao động có thâm niên thấp, chủ yếu làm công nhân sản xuất.

So với gần 500 công nhân đang làm việc tại công ty thì con số lao động nghỉ việc ở trên không ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Về việc lao động nghỉ việc, “ra vào” ở mỗi công ty đều không thể tránh khỏi trong năm. Sau khi lao động nghỉ việc, công ty trên thường có một biểu mẫu phỏng vấn. Ở đây, người lao động sẽ ghi rõ những lý do xin nghỉ. Từ đó, phía công ty có những tiếp thu, rút kinh nghiệm.

Chị Phạm Thu Hương (28 tuổi, Hà Nội) - nhân viên sale cho một công ty phân phối thực phẩm tại quận Bắc Từ Liêm (Hà Nội) - cũng vừa nộp đơn xin nghỉ việc sau 5 năm gắn bó với công ty. 

Chị Hương chia sẻ, lý do lớn nhất chị "nhảy việc" vì không cùng tiếng nói, quan điểm với nơi làm cũ. "Không còn thấy vui khi đi làm nên tôi quyết định chuyển việc. Tôi cũng đang tìm hiểu nhu cầu tuyển dụng tại công khác để xin ứng tuyển" - chị Hương nói.

Còn anh Lê Khắc Hưng (27 tuổi, quê Thanh Hoá) - nhân viên truyền thông ở Hà Nội - xin chuyển việc vì thu nhập không ổn định.

Lương của anh Hưng cố định ở mức 6,3 triệu đồng/tháng, nếu có sản phẩm, nhân viên sẽ được chiết khấu thêm % hoa hồng. Tuy nhiên năm 2021, tình hình dịch bệnh phức tạp, doanh thu của công ty giảm khiến lương của người lao động sa sút.

"Tết Âm lịch năm 2022, tôi chỉ được công ty thưởng 500.000 đồng. Sau 3 năm đi làm, đây là lần đầu tiên tôi có cái Tết "đói" như vậy. Mùng 7 đi làm trở lại, tôi đã viết đơn xin nghỉ việc" - anh Hưng tâm sự.

Theo đó, anh Hưng vẫn trong quá trình vừa làm việc, vừa tìm công việc khác có mức thu nhập cao hơn để ổn định cuộc sống.

Ông Vũ Quang Thành - Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội - đánh giá, đến thời điểm này, có thể dự báo, trên địa bàn Hà Nội sẽ không thiếu hụt lao động trong thời gian tới hoặc nếu có thì không đáng kể. Điều này thể hiện qua việc số lao động đến làm thủ tục nhận bảo hiểm thất nghiệp năm 2021 trên địa bàn Hà Nội giảm hơn so với các năm trước gần 20.000 lượt người.

Ông Vũ Quang Thành cho hay, sau Tết 2022, các doanh nghiệp cũng quan tâm tuyển chọn lao động có tay nghề, kỹ năng để hướng đến việc thích ứng lâu dài với dịch COVID-19 trong bối cảnh bình thường mới.

Người lao động muốn nhảy việc trước khi hết hạn hợp đồng cần thực hiện thủ tục báo trước cho người sử dụng lao động biết để tránh vi phạm luật lao động.

Theo Khoản 1 Điều 35 Bộ luật Lao động năm 2019, những ngành, nghề, công việc thông thường, người lao động phải báo trước: Tối thiểu 45 ngày: Hợp đồng lao động không xác định thời hạn; Tối thiểu 30 ngày: Hợp đồng lao động từ 12 - 36 tháng; Tối thiểu 03 ngày làm việc: Hợp đồng lao động dưới 12 tháng.

Trong khi đó, với các ngành, nghề, công việc đặc thù, Điều 7 Nghị định 145/2020/NĐ-CP cũng nêu rõ thời hạn báo trước như sau: Tối thiểu 120 ngày: Hợp đồng lao động từ đủ 12 tháng trở lên; Tối thiểu ¼ thời hạn hợp đồng: Hợp đồng lao động dưới 12 tháng.

Cũng theo Bộ luật Lao động năm 2019, người lao động nghỉ việc tùy trường hợp mà có thể được nhận các khoản tiền như: Tiền lương cho những ngày làm việc chưa được thanh toán; Tiền trợ cấp thôi việc; Tiền trợ cấp mất việc làm; Tiền phép năm chưa nghỉ hoặc chưa nghỉ hết; Tiền trợ cấp thất nghiệp.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn