MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Tiền lương ít ỏi, nếu không được tăng ca, công nhân không thể đảm cho bảo cho mức sống tối thiểu. Ảnh: Minh Hương.

Không làm thêm, lương công nhân khó đảm bảo mức sống

Minh Hương LDO | 02/05/2022 12:12
Lương cơ bản của chị Lê Thị Thương - công nhân Khu công nghiệp Phú Nghĩa (huyện Chương Mỹ, Hà Nội) là 4,8 triệu đồng, cộng thêm 800.000 phụ cấp. 

Tiền lương hơn 5 triệu đồng, nếu không được tăng ca, chị Thương cho biết - không thể đảm cho bảo cho mức sống tối thiểu.

Làm công nhân 8 năm, chị Thương nói, niềm vui đi làm mỗi ngày là được làm thêm giờ. Vì chỉ như vậy, thu nhập của chị mới tăng thêm 2-3 triệu đồng mỗi tháng. 

Nữ công nhân 32 tuổi đã có 2 con, bé trai 7 tuổi tên Anh Tú, bé gái 4 tuổi tên Anh Thu. "2 con là động lực để tôi đi làm xa nhà. Nếu đã chấp nhận xa con mà không kiếm được tiền thì tôi thấy có lỗi quá" - chị Thương nói. Do vậy, chỉ có tăng ca mới giúp người mẹ 2 con này thấy nhẹ nhõm, dù có vất vả.

Nói về các khoản chi phí phải chi hàng tháng, chị Thương liệt kê: tiền thuê trọ 800.000 (cả điện, nước); chi phí ăn uống 1,5 - 2 triệu đồng; xăng xe, điện thoại 400.000 đồng. Với các khoản tiền cố định, chị Thương cho hay - nếu không chịu khó kham khổ, tiền gửi về cho con sẽ chẳng có nhiều.

Là phụ nữ, ai cũng thích mua sắm, nhưng vì tiền lương còn eo hẹp nên chị dường như từ bỏ gần hết sở thích trước đây. "Quần áo nửa năm tôi mua vài cái để thay đổi. Các món ăn vặt khoái khẩu hay thậm chí tụ tập bạn bè cũng rất ít" - chị Thương chia sẻ.

Làm ở công ty 8 tiếng, để tăng ca có thêm thu nhập, công nhân phải làm đến 12 tiếng. Kết thúc giờ làm việc, họ lại vùi vào giấc ngủ để quên đi mệt mỏi.

"Một tuần 3-4 ngày tăng ca. Đi làm về, tôi chẳng muốn ăn gì, chỉ muốn thật nhanh nhào đến chỗ nằm quen thuộc" - chị Bạch Thị Tuyết - công nhân Khu công nghiệp Thăng Long (Đông Anh, Hà Nội) chia sẻ.

Chị Tuyết có 5 năm làm công nhân, lương cơ bản của chị hiện ở mức 4,9 triệu đồng/tháng. Nếu được tăng ca, tiền nhận về cũng gần 8 triệu đồng. Chồng chị Tuyết cùng làm công nhân, lương cơ bản 5,3 triệu đồng, cộng thêm 1,1 triệu đồng phụ cấp, làm thêm giờ, thu nhập nhập tăng thêm 1-2 triệu đồng.

Chị Tuyết nói, nếu tăng ca, tiền nhận về có cao hơn nhưng cũng không tương xứng với sức lao động. Vì làm liên tục 12 tiếng, nữ công nhân cho hay "sức lao động bị vắt kiệt"; và dù có làm hết sức thì thu nhập cũng chỉ ở mức ở sống.

Báo cáo tình hình lao động, tiền lương, thu nhập, chi tiêu và đời sống của công nhân lao động năm 2022 do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam thực hiện trong tháng 3.2022 cho thấy: Nếu không làm thêm giờ, tiền lương cơ bản của công nhân chỉ ở mức trung bình 4,92 triệu đồng/tháng.

Có một nghịch lý khá phổ biến, mặc dù công nhân phải làm việc với cường độ cao, thời gian kéo dài nhưng lương và thu nhập không cao. Công nhân lao động ở một số ngành, lĩnh vực phải làm thêm giờ nhiều, có khi lên đến 60 – 70 giờ/tháng, như ngành dệt may, điện tử, da giày, chế biến thuỷ hải sản, sản xuất gỗ... Có lẽ vì vậy, làm việc vất vả nhưng lương thấp, nên có tới 72% không muốn con mình sau này theo nghề nghiệp của mình.

Định nghĩa của Oxfarm năm 2019 nêu rõ, lương đủ sống là mức lương mà người lao động nhận được cho thời gian làm việc bình thường đủ để duy trì mức sống đàng hoàng cho bản thân và gia đình.

Đó là mức lương thấp nhất được trả cho một người làm việc toàn thời gian (40 – 48 giờ/tuần) đủ để trang trải những chi phí cơ bản cần thiết – bao gồm thực phẩm đủ dinh dưỡng, nhà ở phù hợp, các tiện ích, chăm sóc sức khỏe, quần áo, đi lại và giáo dục, quan hệ xã hội...

TS Vũ Minh Tiến - Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn nhận định - chỉ khi tiền lương được quan tâm và tương xứng với sự cống hiến của công nhân lao động thì mới động viên và yêu cầu họ làm việc với năng suất, chất lượng, hiệu quả. Như vậy mới mang lại doanh thu và lợi nhuận lớn hơn cho doanh nghiệp, cho sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn