MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Công nhân thuê trọ tại xã Kim Chung, huyện Đông Anh, Hà Nội. Ảnh: Quế Chi

Không làm thêm sẽ không đủ sống

Quế Chi LDO | 19/03/2022 10:01
Lương cơ bản thấp, nếu không làm thêm, nhiều người lao động không thể có mức thu nhập đủ để đảm bảo cuộc sống gia đình, nhất là đối với những người thuê trọ. Trong bối cảnh tác động của dịch COVID-19, giá cả tăng cao, nhiều người lao động càng có nhu cầu làm thêm, tăng ca.

Nhiều khoản chi tiêu trong tháng  

Làm công nhân tại một công ty điện tử thuộc Khu công nghiệp Thăng Long (Đông Anh, Hà Nội) đã 10 năm, hiện lương cơ bản của chị Nguyễn Thị Ngọc A. là 6 triệu đồng/tháng. Theo chị A, những người mới vào chỉ được 5,3 triệu đồng/tháng. Nếu không làm thêm, cộng vài khoản phụ cấp khác, tổng thu nhập của chị A. khoảng 7 triệu đồng/tháng. Theo chị A., mức thu nhập này chỉ đảm bảo sinh hoạt nếu công nhân ở một mình; còn khi lập gia đình, sinh con chắc chắn sẽ không đủ.  

Chị A. sắp sinh con thứ 3 nên rất áp lực về chuyện tiền bạc. Mỗi tháng, tiền thuê nhà, tiền điện nước tốn 2 triệu đồng; 2 con đi học 3 triệu đồng. “Đó là chưa kể cháu thứ 3 sắp sinh. Hết 6 tháng nghỉ thai sản, tôi phải gửi cháu thì cũng phải mất thêm 3 triệu đồng/tháng nữa” - chị A. cho hay.  

Ngoài ra, còn rất nhiều khoản phải chi trả khác, như tiền sữa, tiền bỉm, tiền tiêm vaccine cho các con, tiền ăn uống sinh hoạt cho gia đình... Nếu người nhà ở quê có hiếu hỷ hoặc chẳng may người trong nhà có bệnh tật, thì số tiền phải bỏ ra trong tháng còn nhiều hơn nữa.  

Thời gian gần đây, giá cả tăng cao khiến chị A. càng mệt mỏi. Trước đây, 1 ngày chị tiêu hết khoảng 100.000 đồng tiền ăn cho cả nhà (bữa sáng và bữa tối; bữa trưa anh chị ăn ở công ty, các con học bán trú). Còn bây giờ, số tiền mua thức ăn phải lên tới 150.000-200.000 đồng/ngày. Bố mẹ ở quê hỗ trợ gạo, thực phẩm thường xuyên nên chị đỡ đi phần nào. 

“Trước đây, khi chưa có dịch COVID-19, mỗi tháng vợ chồng tôi có thể để ra được 1 triệu đồng, thời gian này không phải đi vay đã là tốt lắm rồi” - chị A. than thở.  

Như nhiều công nhân khác, chị A. mong được làm thêm để có thêm thu nhập. Nếu đi làm thêm đều, tuỳ mức độ, chị có thể đạt thu nhập 8-10 triệu đồng/tháng. Đó là số tiền giúp cuộc sống gia đình thoải mái hơn với những chi tiêu cơ bản. Chị A cho hay, thời gian vừa rồi, do nhiều người lao động là F0, nên công ty khuyến khích người lao động đi làm thêm. Bất cứ lúc nào công ty tổ chức làm thêm chị đều đi.

Xin làm thêm cả ngày chủ nhật  

Trao đổi với phóng viên Báo Lao Động, chị H. - nhân viên quản lý dây chuyền sản xuất tại Khu công nghiệp Quang Châu (Bắc Giang) cho biết, qua nắm bắt, nhiều công nhân trong dây chuyền sản xuất đều mong muốn được làm thêm để có thêm thu nhập. “Nếu không tăng ca, chỉ có đồng lương không thì rất khó khăn, trong khi giá xăng thì tăng, nhiều mặt hàng khác cũng tăng giá. Công nhân rất mong muốn được làm thêm” - chị H. chia sẻ.  

Chị H. nhẩm tính, công nhân có mức lương cơ bản 4,2 triệu đồng/tháng, nếu không làm thêm, tổng thu nhập được hơn 5 triệu đồng/tháng. “Riêng tiền thuê nhà đã 1-1,2 triệu đồng/tháng. Ngoài ra, không tăng ca, công nhân còn phải tốn chi phí cho bữa tối nên tốn kém hơn. Nếu không tăng ca, công nhân chi tiêu tằn tiện cũng chỉ đủ sinh hoạt, không để ra được đồng nào” - chị H. nói.  

Trong khi đó, nếu tăng ca, tuỳ theo mức độ, công nhân có mức thu nhập từ 7-9 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, để có mức thu nhập 9 triệu đồng/tháng, công nhân phải làm thêm các ngày trong tuần và làm thêm 2 chủ nhật trong tháng. Thời điểm trước dịch, công ty nơi chị H. làm việc chỉ tổ chức tăng ca không quá 12 giờ/tuần; nhưng vừa qua, do dịch COVID-19, nhiều công nhân là F0, phải nghỉ nhiều, thiếu lao động nên công ty cho tăng ca một tuần là 15-17 tiếng, tuỳ theo từng đơn hàng.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn