MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Các chuyên gia trao đổi về công tác truyền thông tại Toạ đàm. Ảnh: L.Nguyên

Không nhất thiết phải là chuyên gia nhưng phải nắm tình hình

Linh Nguyên LDO | 17/03/2021 11:28
Truyền thông trong hoạt động công đoàn (CĐ), nhất là cấp cơ sở đang là vấn đề được quan tâm. Đây là một trong những cơ sở để Tạp chí Lao động và Công đoàn phối hợp với Ban Tuyên giáo Tổng LĐLĐVN tổ chức Toạ đàm “Nâng cao kỹ năng truyền thông cho cán bộ công đoàn cơ sở” ngày 16.3 dưới sự chủ trì của Phó Chủ tịch Thường trực Tổng LĐLĐVN Trần Thanh Hải.

Đẩy mạnh truyền thông ở cấp cơ sở

Bà Vũ Thị Tuyết Lan - Chủ tịch CĐCS Cty TNHH Công nghệ Cosmos 1, nơi có gần 1.500 CNLĐ - chia sẻ kênh thông tin truyền thông của CĐ Cty hữu ích với cả CNLĐ và chủ doanh nghiệp. Khi công tác truyền thông do CĐ đưa tới thì CNLĐ tự nguyện thực hiện, tính lan toả tự giác rất cao. Còn thường, nếu do doanh nghiệp đưa ra thì mang tính bắt buộc. Bà Lan lấy ví dụ chương trình 75.000 sáng kiến do CĐ đưa ra được mọi người tự giác thực hiện.

Tại Cty TNHH Công nghệ Cosmos 1, mỗi đầu giờ sáng CĐ và lãnh đạo Cty đứng chào CNLĐ; Chủ tịch CĐCS đều kiểm tra hòm thư để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, chia sẻ của CNLĐ và được trao đổi lại vào ngày thứ Hai đầu tháng. Các hoạt động này làm cho CNLĐ thấy gắn bó hơn với Cty. Truyền thông trực tiếp tại cơ sở do CĐCS thực hiện đã giúp CNLĐ hiểu hơn về CĐ, về quyền lợi và trách nhiệm của mình để tự giác thực hiện...

Qua thực tế cho thấy đối với một số doanh nghiệp liên quan đến công nghệ với quy định không được sử dụng điện thoại thông minh trong giờ làm việc thì việc truyền thông được thực hiện thông qua mạng xã hội và đội ngũ cán bộ CĐ ở tổ sản xuất.

Trao đổi về truyền thông của CĐCS, ông Nguyễn Mạnh Kiên - Phó ban Tuyên giáo Tổng LĐLĐVN - nêu rõ các cấp CĐ, nhất là CĐCS có những hoạt động tốt nhưng chưa thực sự biết cách truyền thông để nhiều người biết về hoạt động này. Nói một cách khác, với những hoạt động CĐ hiệu quả, mang lại nhiều lợi ích cho đoàn viên, NLĐ và doanh nghiệp thì CĐ cần làm cho xã hội biết và hiểu về CĐ. Trong thời gian tới, Tổng LĐLĐVN muốn đẩy mạnh hoạt động truyền thông. Các hoạt động cần được sàng lọc, lựa chọn ra những hoạt động thiết thực, cần thiết cho đời sống NLĐ.

Truyền thông bằng cách nào để hiệu quả?

Từ góc độ chuyên gia, bà Trần Mai Anh - Trưởng phòng Tuyên Giáo - Truyền thông, Tổng Công ty Hàng không Việt Nam - nhận định CĐ có nhiều kênh truyền thông nhưng vấn đề là kết nối, tích hợp cùng nhau theo ngôn ngữ mà NLĐ dễ hiểu nhất. NLĐ cần thông tin chân thật nhất, gần gũi nhất. Cán bộ CĐ không cần phải là chuyên gia nhưng cần nắm rõ tình hình cơ sở và hiểu những câu chuyện muốn kể, đồng thời dùng những hình ảnh, thông tin gần gũi nhất.

Các chuyên gia cũng cho rằng dù hiện công nghệ phát triển nhưng kênh truyền thông truyền thống cũng rất quan trọng, mà trong đó là truyền thông trực tiếp giữa cán bộ CĐ và NLĐ. Ngoài ra vẫn cần tận dụng những địa điểm trong Cty như bãi đậu xe, khu vườn, hành lang... để truyền đi các thông điệp. Các chuyên gia cũng nhấn mạnh đến việc phải hiểu đối tượng truyền thông, mà ở đây cán bộ CĐ cần nắm được đoàn viên, NLĐ cần gì.

Phát biểu tại Toạ đàm, Phó Chủ tịch Thường trực Tổng LĐLĐVN Trần Thanh Hải đánh giá cao các ý kiến trao đổi kinh nghiệm trong công tác truyền thông. Bên cạnh đó, Phó Chủ tịch Thường trực Tổng LĐLĐVN Trần Thanh Hải cũng chia sẻ thực trạng về việc đoàn viên, NLĐ hiểu biết về CĐCS qua các số liệu về tỉ lệ đoàn viên NLĐ biết tên chủ tịch CĐ, biết địa điểm văn phòng CĐ... Phó Chủ tịch Thường trực lưu ý phải dựa trên nền tảng của đội ngũ và không phản ánh một chiều, phải nâng lên thành ý thức; mà ý thức chỉ có được từ sự bồi đắp.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn