MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ban Tổ chức trao giải Đặc biệt và giải Nhất cho 2 tác giả tham gia cuộc thi ảnh “Chiến sĩ áo trắng trên các mặt trận phòng chống dịch bệnh COVID-19”. Ảnh: Lê Nhân

Không quản hiểm nguy để sự sống nảy mầm

bảo hân LDO | 25/07/2020 15:16
Trong thời gian bùng phát dịch COVID-19, hình ảnh những “chiến sĩ áo trắng” trên khắp mọi miền đất nước, ở mọi lĩnh vực, không quản hiểm nguy, chiến đấu với loại virus nguy hiểm này để mang lại bình yên cho người dân đã gây xúc động mạnh. Từ những nỗ lực không biết mệt mỏi ấy, có nhiều bệnh nhân đã được cứu sống, và nhiều sự sống nảy mầm trong dịch COVID-19. 

Chạy đua với tử thần để sự sống nảy mầm

Hồi tháng 3 vừa qua, ba ngày trước khi sinh con, chị L.N.L (SN 1991, giáo viên tiếng Anh tại Hà Nội) biết tin mình bị ung thư máu. Tình trạng thiếu máu ngày càng nặng, tiểu cầu giảm sâu dẫn đến đi tiểu ra máu và xuất huyết nhiều nơi. Sau những giờ phút đầy căng thẳng, thật may mắn, ca mổ lấy thai của chị L đã diễn ra thành công vào sáng 20.3 trong hạnh phúc vô bờ của vợ chồng chị và những người có mặt tại ca mổ. 

Anh Trần Công Thắng (Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương) đã dành cả buổi sáng để ghi lại khoảnh khắc xúc động - khoảnh khắc chiến thắng trong cuộc đua với tử thần để sự sống nảy mầm. Anh Thắng đã ghi lại toàn bộ quá trình bác sĩ truyền máu đến khi hoàn thành ca đỡ đẻ. Và thành quả từ nỗ lực của đội ngũ bác sĩ là hạnh phúc khi một sinh linh chào đời trong hoàn cảnh vô cùng ngặt nghèo, sự an toàn của người mẹ sau khi vượt cạn… 

Không hẹn mà gặp, chủ đề sự sống nảy mầm trong thời gian dịch COVID-19 cũng là chủ đề của nhiều bức ảnh khác. Đó là tác phẩm tác giả Huỳnh Phúc Hậu (Bệnh viện Đa khoa khu vực tỉnh An Giang) chụp lại em bé - con bà Mai Thị Diễm - tại Đơn nguyên Sơ sinh, Khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa khu vực tỉnh An Giang. Ngày 15.4, mẹ bé đến ngày sinh, bị nhiễm trùng ối, không có dấu hiệu sinh, phải can thiệp phẫu thuật để cứu bé. Bé bị suy hô hấp phải chuyển đến Đơn nguyên Sơ sinh, Khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa khu vực tỉnh An Giang để hồi sức.

Với sự cứu chữa tận tình của các bác sĩ và điều dưỡng Khoa Nhi, bé đã có tiến triển tốt. Bức ảnh chụp 3 ngày sau khi sinh, bác sĩ đang khám cho bé, trong khi nữ hộ sinh chăm sóc bé, cho bé bú sữa bình. 

Những nỗ lực không biết mệt mỏi

Ông Nguyễn Trung Cấp (Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương) chia sẻ, ông không phải là một người chụp ảnh chuyên nghiệp. Mục đích chụp ban đầu là để rút kinh nghiệm trong thao tác cho việc khám, chữa bệnh COVID-19 được tốt hơn.

“Tôi chụp ảnh bằng điện thoại bọc trong túi nylon. Bức ảnh tập trung vào tư thế, thao tác của nhân viên y tế, nên có thể chưa đạt về lấy nét, bố cục, nhưng đó là thể hiện chân thực nhất công việc vất vả, khó khăn, nguy hiểm của nhân viên y tế mà không phải ai cũng hiểu hết được”- ông Cấp cho hay.  

Những bức ảnh đã nêu bật sự hy sinh, vất vả, nguy hiểm của các nhân viên y tế, thể hiện rất rõ nét ở nhiều bức ảnh khác. Đó là bức ảnh của chị Đặng Thị Thanh (Phòng Công tác xã hội, Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương) ghi lại hình ảnh các điều dưỡng Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương chăm sóc bệnh nhân COVID-19 số 19. Bệnh nhân này từng phải can thiệp thở máy xâm nhập, ngừng tim 3 lần khiến các y bác sĩ phải cấp cứu liên tục hơn 40 phút mới có thể tái lập tuần hoàn cho người bệnh. Vì thế, các điều dưỡng tại khoa phải thay gia đình chăm sóc toàn diện cho bệnh nhân. Cho đến ngày 27.5, bệnh nhân hồi phục, được công nhận khỏi bệnh và đã được xuất viện...

Ngày 24.7, hướng tới kỷ niệm Ngày thành lập Công đoàn Việt Nam (28.7), Công đoàn Y tế Việt Nam phối hợp với Báo Lao Động tổ chức chung kết cuộc thi ảnh “Chiến sĩ áo trắng trên các mặt trận phòng chống dịch bệnh COVID-19”. Tham dự có ông Đỗ Xuân Tuyên - Thứ trưởng Bộ Y tế, ông Vũ Mạnh Tiêm - Phó Trưởng ban Tuyên giáo Tổng LĐLĐVN.

Tại vòng chung kết, Ban Tổ chức đã trao giải đặc biệt cho tác phẩm “Sự sống nảy mầm trong đại dịch COVID- 19” của tác giả Phạm Thị Phương Thảo (Bệnh viện Việt Nam Thụy Điển Uông Bí); giải nhất cho tác phẩm “Chủ động phát hiện sớm các trường hợp bệnh” của tác giả Đào Thị Phúc (Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Nghệ An).

Bà Phạm Thanh Bình - Chủ tịch CĐ Y tế Việt Nam - cho biết, cuộc thi ảnh đã thể hiện, cán bộ y tế không chỉ “vừa hồng, vừa chuyên”, có năng lực, tay nghề, trình độ chuyên môn giỏi, có y đức, hết lòng phục vụ người bệnh, phục vụ nhân dân mà còn nhiều tài năng nghệ thuật, nhiệt tình tham gia các cuộc thi làm tôn vinh nét đẹp của đơn vị, của công đoàn cơ sở. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn