MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Không tăng ca, thu nhập của công nhân gặp khó khăn

Mạnh Cường LDO | 20/04/2023 21:28

Hiện nay, vẫn còn rất nhiều doanh nghiệp sản xuất trả lương theo thời gian nên phần lớn công nhân tại các doanh nghiệp này đều muốn được tăng ca. Bởi đơn giản, nếu không tăng ca thì thu nhập bèo bọt, khó trang trải cuộc sống.

Chị Nguyễn Thị Thu (26 tuổi) - công nhân giày da tại Nam Định cho biết, không tăng ca, thu nhập của chị chưa được 6 triệu đồng/tháng.

Tuy nhiên, đây vẫn là mức thu nhập khá cao so với mặt bằng chung vì chị đã làm được gần 5 năm, có thêm tiền thâm niên. Những người mới vào chỉ được hơn 4 triệu đồng mỗi tháng gồm lương cơ bản và phụ cấp.

Mức lương gần 6 triệu đồng/tháng, không tăng ca khiến chị Thu cảm thấy khó trang trải cuộc sống. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Với 6 triệu đồng, chị Thu cảm thấy khó khăn trong việc nuôi 2 con nhỏ và trả các khoản nợ hàng tháng. Hai vợ chồng chị mới xây nhà xong vẫn đang trả nợ. Khi công ty báo hết việc, chỉ làm giờ hành chính chị thực sự rất lo lắng.

Đó cũng là lý do vì sao nữ công nhân quyết định làm thêm bán hàng online để cải thiện thu nhập.

Chia sẻ thêm, chị Thu tâm sự, các tháng trước, giờ làm việc cộng tăng ca lên tới 11 tiếng/ngày, thu nhập của chị đều đều trên 9 triệu đồng/tháng. Bởi thời gian tăng ca được tính hơn gấp 1,5 lần so với thời gian hành chính, đồng thời được trả thêm tiền một bữa ăn và các phụ cấp kèm theo.

Khi tăng ca, gia đình chị Thu an tâm chi trả các chi phí sinh hoạt, học tập cho cả gia đình 4 thành viên và có một khoản dư nhỏ để trả nợ.

Nay thu nhập giảm sút khiến chị phải thường xuyên vay mượn người thân. Thậm chí chị còn có suy nghĩ để chồng đi xuất khẩu lao động.

Tương tự hoàn cảnh chị Thu, khi được hỏi mong muốn về nơi làm việc, anh Nguyễn Văn Toản (28 tuổi) nhấn mạnh: Mong sao công ty luôn đủ hàng để công nhân có việc làm ổn định, tăng ca và có thu nhập cao.

Hiện tại, anh Toản đang làm công nhân cắt vải tại một công ty may mặc ở Nam Định.

Cả hai vợ chồng anh Toản đều tan làm sớm khiến thu nhập giảm 1/3 so với trước. Ảnh: Nhân vật cung cấp

"Chúng tôi mới sinh bé thứ hai nên vợ làm việc theo chế độ con nhỏ giờ hành chính, tôi thì ít việc, chỉ tăng ca 1 tiếng khiến thu nhập giảm đi rất nhiều.

Trước đây, khi cả hai đều tăng ca, thu nhập trên 15 triệu đồng/tháng. Bây giờ, thu nhập của cả hai chỉ còn hơn 10 triệu đồng/tháng" - anh Toản cho biết.

Vì là con một nên hai vợ chồng anh Toản sống cùng mẹ (bố đã mất), mỗi tháng chi phí sinh hoạt cho 5 thành viên cũng tiêu tốn gần 5 triệu đồng. Thêm 4 triệu đồng tiền học, bỉm, sữa, quần áo và ăn ở lớp của hai con nên chẳng còn là bao.

Thu nhập giảm sút cũng khiến dự định xây thêm tầng hai, sửa sang lại chuồng trại nuôi gia súc và căn bếp của hai vợ chồng càng áp lực. Vì vậy, cả hai đã thống nhất sẽ cắt giảm một số chi phí không cần thiết để tiết kiệm, vượt qua giai đoạn khó khăn này.

"Trước đây ở Hà Nội, khi ít việc tôi sẽ làm shipper để có thêm thu nhập. Còn ở quê, muốn kiếm việc làm thêm ngoài giờ hành chính thực sự rất khó khăn, thậm chí là không có" - anh Toản nói.

Anh Toản hy vọng Nhà nước tăng lương tối thiểu vùng lên cao hơn nữa để đảm bảo mức sống cho công nhân.

Bên cạnh đó, anh cũng mong các công ty trả lương giờ hành chính theo năng suất công việc chứ không nên áp theo lương tối thiểu. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn